Củng cố, mở rộng lưới điện
|
Truyền tải điện Hà Nội ( Công ty Truyền tải điện 1) sửa chữa nóng đường dây 220 KV |
Ông Vũ Ngọc Minh – Phó giám đốc Công ty cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2009, Công ty Truyền tải điện 1 đã gặp nhiều khó khăn, bất lợi trong công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải. Đặc biệt, trong quý II, tình hình cấp điện trở nên căng thẳng do phụ tải miền Bắc tăng rất cao, nhiều đường dây và trạm biến áp bị quá tải. Tuy nhiên, với sự nỗ lực cao của đơn vị, lưới điện truyền tải vẫn được giữ vững, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị, đồng thời, không ngừng được củng cố, mở rộng. Cụ thể, trong quý I và II, Công ty đã đóng điện ĐZ 220 kV từ Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh đi Trạm 500 kV Quảng Ninh dài 3,6 km; ĐZ 220 kV Quảng Ninh – Hoành Bồ hai mạch dài 20,4 km và ĐZ 220 kV Hải Phòng – Vật Cách hai mạch dài 18,94 km; bổ sung, xử lý tiếp địa cột tại 451 vị trí, kiểm tra điện và soi phát nhiệt toàn bộ các tuyến đường dây. Bên cạnh đó, Công ty tích cực tham gia công tác giám sát thi công công trình ĐZ 500 kV Sơn La – Hòa Bình – Nho Quan. Hiện, phần đế móng cột đã hoàn thiện 554/633 vị trí; phần cột đã xong 9/633 vị trí. Đơn vị cũng đang phối hợp nghiệm thu các đường dây 500 kV Thường Tín – Quảng Ninh, ĐZ 220 kV Quảng Ninh – Cẩm Phả, ĐZ 220 kV Nhiệt điện Hải Phòng – Đình Vũ, ĐZ 220 kV Vinh – Bản Vẽ…
Về phần trạm biến áp, Công ty đã đóng điện thiết bị bù cho Trạm 220 kV Thái Nguyên, nâng công suất MBA AT2 của Trạm 220 kV Phố Nối từ 125 MVA lên 250 MVA nhằm chống quá tải cho khu vực các tỉnh Hưng Yên và Hà Nội. Công ty còn tham gia thi công mở rộng cải tạo các trạm biến áp 220 kV Hoành Bồ, Vật Cách, Thái Bình, Hưng Đông để đảm bảo hệ thống truyền tải tin cậy và đạt công suất cao hơn...
PTC1 chủ động, các đơn vị phối hợp
Trước dự báo nhu cầu phụ tải vẫn ở mức cao và tình hình mưa bão diễn biến khó lường, Công ty Truyền tải điện 1 đã và đang triển khai một loạt các biện pháp kỹ thuật nâng cao độ tin cậy cho hệ thống lưới truyền tải, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho miền Bắc. Công ty tiếp tục tập trung xử lý các tồn tại của hệ thống tiếp địa các đường dây khu vực Tây Bắc; sửa chữa lớn một số hạng mục của đường dây: Thay dây chống sét toàn tuyến và xử lý khoảng cách không đảm bảo an toàn vị trí 19 – 20 của ĐZ 220 kV Hòa Bình – Hà Đông, vị trí 158 – 159 ĐZ 220 kV Hà Đông - Nho Quan; gia cố vị trí 43 ĐZ 220 kV Hòa Bình – Nho Quan; lắp 73 bộ chống sét van trên đường dây 220 kV Thanh Thủy – Hà Giang – Thủy điện Tuyên Quang. Mặt khác, Công ty sẽ hoàn thành toàn bộ công tác thí nghiệm định kỳ tại các trạm biến áp chưa cắt được điện; kiểm tra xong hiện tượng phóng điện cục bộ tại tất cả các MBA lực do Công ty quản lý.
Về việc đảm bảo cấp điện cho khu vực Hà Nội, Công ty sẽ triển khai thi công thay MBA 63 MVA tại trạm 110 kV Thành Công và trình Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) phê duyệt đề án công trình chống ngập úng trạm 220 kV Hà Đông, dự kiến sẽ thi công và hoàn thành trong tháng 9/2009. Công ty cũng đã khảo sát các TBA 220 kV Mai Động, Chèm, Hà Đông để có phương án khắc phục tình trạng quá tải như đợt nắng nóng vừa qua, đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định, tin cậy cho thành phố Hà Nội.
* 6 tháng đầu năm, Công ty đã truyền tải đạt 13,587 tỷ kWh. Tỷ lệ tổn thất trên lưới truyền tải là 1,81%.
- Công ty quản lý 890,84 km ĐZ 500 kV, 3.636,77 km ĐZ 200 kV và 192 km ĐZ 110 kV; 5 TBA 500 kV và 26 trạm 220 kV.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Ngọc Minh, bên cạnh sự chủ động của đơn vị, để công tác triển khai các giải pháp cung cấp điện cho các tháng còn lại của năm 2009 được thuận lợi hơn, Công ty Truyền tải điện 1 đã đề nghị Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Bắc (A1) tạo phương thức để Công ty hoàn thành thi công một số hạng mục sửa chữa lớn năm 2009 và thực hiện đấu nối ĐZ 220 kV Thường Tín – Mai Động.
Mặt khác, đề nghị NPT trang bị cho các công ty truyền tải điện quy trình/quy định quản lý vận hành - sửa chữa hệ thống thông tin cáp quang và cấp vốn để Công ty mua một số trang bị thí nghiệm cấp thiết… Công ty cũng đề nghị EVN có quy định đầu mối để giải quyết xử lý sự cố hoặc các vấn đề khác về hệ thống đường truyền qua đường dây mua điện Trung Quốc. Hiện tại, đường truyền SCADA từ trạm 220 kV Tân Kiều (Trung Quốc) về A1 bị lỗi, nhưng tín hiệu từ thiết bị tại trạm 220 kV Lào Cai về A1 lại cho kết quả tốt. Muốn kiểm tra tín hiệu từ trạm Lào Cai sang trạm Tân Kiều cần phải có sự phối hợp của cả 2 bên Việt Nam và Trung Quốc vì thiết bị phía trạm Tân Kiều là của Trung Quốc, cáp quang Lào Cai – Tân Kiều do cả 2 bên cùng quản lý…
|