Vướng trạm viễn thông “lậu”
|
Trụ Viễn thông cao 47m xây dựng trái phép nằm ngay sau UBND phường 12, là vật cản trở việc thi công tuyến điện 220kV.
|
Tuyến đường dây 220KV Bà Rịa – Vũng Tàu đã được UBND tỉnh thỏa thuận trong văn bản số 4384/UB.XD ngày 10-8-2004, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam, trực thuộc Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia làm chủ đầu tư. Đây là một công trình quan trọng nhằm gia tăng khả năng cung cấp điện cho TP. Vũng Tàu trong giai đoạn tới. Vậy nhưng đến nay, sau 3 năm triển khai thực hiện, công trình này vẫn còn nhiều vị trí chưa thể xây dựng trụ cột và trạm điện.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 2, đơn vị tư vấn dự án công trình điện 220kV, từ năm 2006, trạm ăng ten viễn thông (do Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội làm chủ sở hữu), đã được xây dựng trong hành lang an toàn tuyến điện 220kV ở vị trí cột 28-29. Ngay sau khi phát hiện trạm ăng ten viễn thông này, đơn vị thi công đã báo cáo UBND tỉnh và các ngành chức năng đề nghị giải phóng. Sự tồn tại của trạm ăng ten viễn thông khiến việc thi công vị trí móng 28 phải tạm ngưng từ đó đến nay.
Mãi đến tháng 6-2009, UBND TP. Vũng Tàu mới có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội di dời khẩn trương trạm ăng ten nói trên. Qua khảo sát, mới biết việc xây dựng trạm ăng ten cao 47m này là hoàn toàn bất hợp pháp. Chủ sở hữu công trình chỉ hợp đồng thuê diện tích lắp đặt trạm là 42,5m2 với chủ đất mà không thực hiện các thủ tục quy định theo đúng pháp luật.
Tháng 7-2009, Sở Công thương tổ chức buổi họp 4 bên, có sự tham dự của Công ty cổ phần viễn thông Hà Nội và khảo sát trạm viễn thông này. Lạ một điều, trạm viễn thông cao 47m này nằm ngay phía sau UBND phường 12, chỉ cách chưa tới 200m, nhưng lại tồn tại bất hợp pháp và vi phạm hành lang an toàn điện trong suốt 3 năm qua. Sở Công thương đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh xử lý vụ việc. Đơn vị chủ sở hữu là Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội đã cam kết sẽ di dời trạm viễn thông này, nhưng đến nay, trạm viễn thông vẫn nằm nguyên chỗ cũ.
Hàng trăm hộ dân chưa thể giải tỏa
Ngoài địa điểm kể trên, công trình tuyến điện 220kV còn vướng nhiều nơi trên địa bàn phường 11 và 12, TP. Vũng Tàu. Tại phường 11, có 28 hộ thuộc diện phải giải tỏa nhưng mới 24 hộ được kiểm kê đất và tài sản trên đất. Trong 24 hộ được kiểm kê kể trên, thì UBND phường 11 mới chỉ họp xét hồ sơ pháp lý cho 7 hộ, số còn lại vẫn đang trong quá trình thu thập hồ sơ pháp lý. Tại phường 12 cũng vậy, mới chỉ có 112 hộ trong tổng số 130 hộ thuộc diện giải tỏa được kiểm kê, trong đó mới 33 hộ xét tính pháp lý xong. Riêng Trạm biến áp 220kV nằm trên địa bàn phường 11 có 82 hộ thuộc diện giải tỏa, tất cả đã được kiểm kê nhưng mới chỉ có 21 hộ xét tính pháp lý xong.
Chờ đợi quá lâu, đơn vị chủ quản của công trình điện 220kV phải tìm đến UBND tỉnh nhờ can thiệp. Ông Lý Ngọc Khánh, Phó Trưởng Ban Quản lý các Công trình điện miền Nam cho biết: Việc xem xét hồ sơ pháp lý cho các hộ bị ảnh hưởng quá chậm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thu hồi đất và áp giá lập phương án bồi thường. Ông tha thiết đề nghị các địa phương nhanh chóng ban hành quyết định thu hồi đất, để chi trả ngay tiền bồi thường cho dân, và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Một công trình có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn điện cung cấp cho tất cả các hộ dân tại TP. Vũng Tàu trong những năm tới lại triển khai quá chậm do những vướng mắc không lớn. Chỉ cần UBND phường 11 và 12 quan tâm và triển khai nhanh phần việc của mình thì công trình có thể khởi công sớm hơn. Trong cuộc họp vừa qua, ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu UBND TP. Vũng Tàu sớm chỉ đạo các địa phương triển khai nhanh các bước giải phóng mặt bằng và xử lý nghiêm những vi phạm phát sinh trong quá trình thực hiện công trình.