Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung: Sẽ khởi công và đóng điện 31 dự án trong năm 2022

Chủ nhật, 9/1/2022 | 20:08 GMT+7
Năm 2022, Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) đặt mục tiêu khởi công 11 dự án và đóng điện 20 dự án với tổng vốn đầu tư 5.064,6 tỷ đồng. 
 


Ảnh minh họa: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Để triển khai khối lượng vốn đầu tư lớn này, ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc CPMB cho biết đơn vị sẽ  tập trung rà soát các tồn tại, khó khăn, vướng mắc của năm 2021 để khắc phục và đề ra các giải pháp phù hợp chỉ đạo, tổ chức thực hiện ngay từ những ngày đầu của năm 2022.
 
Theo đó, CPMB hoàn chỉnh các Quy chế phân cấp và quản lý trong lĩnh vực đầu tư xây dựng phù hợp; Hoàn thiện các quy trình, quy định để thống nhất trong toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên về các nội dung liên quan đến chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư, các quy định về thiết kế mẫu...
 
Ngay từ đầu CPMB cùng với tư vấn làm việc với địa phương để lựa chọn các phương án phù hợp với quy hoạch, tránh ảnh hưởng đến những khu vực nhạy cảm, khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB), trên cơ sở đó chọn phương án tối ưu để xem xét, lựa chọn. Sau khi phương án tuyến được lựa chọn sẽ triển khai ngay công tác hiện trường để quay phim, chụp hình,… và có biên bản xác nhận với địa phương, các hộ dân (nếu đủ điều kiện). Việc giám sát khảo sát địa hình, địa chất công trình phải nghiêm túc thực hiện theo các qui định hiện hành, đảm bảo tính chính xác và chất lượng cho bước thiết kế. Các Công ty Tư vấn cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ chất lượng khảo sát.
 
CPMB cho biết, từng số liệu đầu vào trong giai đoạn Báo cáo nghiên cứu khả thi có ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư phải định nghĩa cụ thể trước để kiểm soát như: xác định nguồn vốn, lãi vay; dự phòng khối lượng; dự phòng trượt giá; khối lượng san gạt; khối lượng kè móng; tổ chức xây dựng; giá vật tư thiết bị… Đồng thời rà soát các biến động của giai đoạn thiết kế kỹ thuật để hiệu chỉnh dự toán cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý tiến độ và điều hành dự án.
 
Riêng việc lập dự toán theo CPMB cần đặc biệt quan tâm để chuẩn xác ngay từ đầu, tránh trường hợp một số gói thầu phải tổ chức lập lại dự toán, đấu thầu lại nhiều lần mới lựa chọn được nhà thầu. Triển khai rộng rãi công nghệ khảo sát GIS 3D và tăng cường giải pháp đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp để giảm thiểu diện tích chiếm đất, đặc biệt chú trọng giải pháp chống sét cho đường dây truyền tải điện, nâng cao chất lượng lập dự toán.
 
Để huy động vốn và đảm bảo vốn cho đầu tư, CPMB triển khai xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn, kế hoạch tài chính tối ưu trong từng năm. Đồng thời sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư để tập trung điều hành quản lý dự án và thu xếp vốn phù hợp. Bên cạnh đó, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ODA và các nguồn vốn vay nước ngoài; Đa dạng hóa nguồn vốn vay thương mại, tín dụng người mua, tín dụng người bán, thuê tài chính. Mặt khác, ưu tiên bố trí các nguồn vốn cho các công trình trọng điểm, các công trình có thể hoàn thành dứt điểm trong năm để đưa vào khai thác phát huy ngay hiệu quả dự án công trình. Ngoài ra giải ngân nhanh các nguồn vốn vay ODA đã có hiệu lực để có cơ sở thuyết phục vận động các khoản vay ODA mới.
 
Đặc biệt về bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB), CPMB sẽ xem xét thực hiện các thủ tục ngay trong giai đoạn thỏa thuận tuyến với các địa phương phù hợp với việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Quy hoạch sử dụng đất được lập cho các dự án có nhu cầu giai đoạn 5 năm, 10 năm. Vì vậy, trong các giai đoạn trong kỳ, cần kiểm tra, hiệu chỉnh bổ sung kịp thời cho các địa phương để đưa vào kế hoạch sử dụng hàng năm. Sau khi Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án được duyệt CPMB sẽ thực hiện đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo tiến độ dự án và thường xuyên cập nhật bổ sung khi có phát sinh thay đổi.
 
“Cùng với việc rà soát các dự án để điều hành BTGPMB phù hợp với tiến độ, kế hoạch đồng bộ dự án, cán bộ làm nhiệm vụ BTGPMB phải luôn học hỏi để nâng cao kiến thức, thường xuyên cập nhật thông tin về các chủ trương chính sách mới, chế độ về BTGPMB để vận dụng trong thực tiễn nhằm đưa dự án vào sử dụng đúng tiến độ. Đồng thời tăng cường thời gian trên tuyến, bám sát các địa phương để đôn đốc thực hiện GPMB theo kế hoạch, tiến độ của dự án”, lãnh đạo CPMB cho biết.
 
Đối với công việc lập phương án bồi thường, ngay từ ban đầu cần phải tính đúng, tính đủ đảm bảo quyền lợi hài hòa của các bên, tránh xảy ra khiếu kiện phải kiểm tra lại nhiều lần. Trong mỗi đợt, phải thực hiện dứt điểm từng vị trí móng cột, từng khoảng cột, từng địa phương.  Đối với các dự án cấp bách, cần xây dựng kế hoạch thời gian thực hiện hợp lý, tăng cường nhân lực đẩy nhanh việc lập phương án bồi thường theo kế hoạch thi công từng hạng mục của nhà thầu. Lãnh đạo CPMB chia sẻ kinh nghiệm.
 
Mặt khác, CPMB còn phối hợp với bộ phận Thẩm định, đơn vị tư vấn triển khai thông báo quy hoạch để gắn liền trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý tuyến đã được thỏa thuận trong giai đoạn cắm mốc, tránh tình trạng xây dựng nhà cửa trong vùng dự án để trục lợi. Đồng thời mời chính quyền tham gia để quay phim, chụp hình hiện trạng trong phạm vi dự án để làm cơ sở cho việc bồi thường GPMB sau này.
 
Để chủ động xử lý tồn tại của các dự án, CPMB tập trung bàn giao hồ sơ liên quan về bồi thường, đất đai và môi trường ngay giai đoạn cuối của quá trình thi công. Đồng thời xử lý triệt để hành lang an toàn theo quy định của Chính phủ và tổ chức nghiệm thu, bàn giao từng khoảng néo sau khi hoàn thành việc thi công theo đúng các quy định của Chính phủ. Bên cạnh đó, báo cáo kịp thời cho cấp thẩm quyền để hỗ trợ giải quyết đối với các trường hợp vướng mắc, làm ảnh hưởng đến đóng điện vận hành và quản lý hành lang tuyến sau này.
 
Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng trong quản lý tiến độ, chất lượng và nghiệm thu công trình là CPMB yêu cầu 100% các cán bộ làm công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và các kỹ sư tư vấn giám sát phải có chứng chỉ nghề nghiệp theo quy định và phải được kiểm tra, sát hạch. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, từ khâu phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, thực hiện đầu tư, chất lượng, tiến độ, hiệu quả của các dự án. Trong điều hành, bám sát các mục tiêu theo tiến độ tổng thể và tiến độ hàng năm được duyệt; Xác định nguyên nhân để tập trung chỉ đạo và có các phương án chủ động thay thế khi nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu.
 
Ngoài ra, CPMB sẽ tuyệt đối không thanh toán cho nhà thầu khoản tiền của phần giữ lại chờ quyết toán để gắn trách nhiệm của nhà thầu trong quá trình thực hiện quyết toán công trình hoàn thành. Mặt khác, tích cực kiểm tra, đôn đốc và phối hợp địa phương thường xuyên để BTGPMB hoàn thành đồng bộ với tiến độ dự án, hạn chế việc quyết toán bổ sung chi phí bồi thường bổ sung sau phê duyệt quyết toán.
Mai Phương