Tin thế giới

Ban chấp hành tổ chức CDM không chấp nhận nhiều dự án năng lượng gió tại Trung Quốc

Thứ ba, 23/3/2010 | 10:44 GMT+7

Tháng 12/2009, Ban chấp hành tổ chức Cơ chế Phát triển sạch (CDM) của Liên hiệp quốc đã không chấp nhận 10 dự án năng lượng gió do Trung Quốc đề xuất với lý do các dự án này không đáp ứng tiêu chí của CDM về tính chất bổ trợ. Ở đây, tính chất bổ trợ có nghĩa là mức độ đóng góp của người thụ hưởng CDM vào nguồn vốn của dự án.

Quyết định trên đã bị Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) chỉ trích nặng nề vì theo họ, quyết định này không có cơ sở và không công khai. GWEC cho biết, quyết định này cũng gây ra nhiều vấn đề rất nghiêm trọng cho CDM, cho các dự án năng lượng gió và các dự án năng lượng tái tạo khác ở các quốc gia đang phát triển. Cũng như Hiệp hội Mua bán phát thải Quốc tế (IETA), GWEC chỉ trích Ban này là đã không chứng minh được các mối quan ngại về các vấn đề đặt ra cho các dự án, phớt lờ bằng chứng mà các cổ đông cung cấp và xem ra đã đi ngược với hướng dẫn mà chính tổ chức CDM thiết lập từ lâu về việc chống ưu đãi quá mức các chính sách quốc gia về ít cacbon.

Ban chấp hành CDM đưa ra quyết định này sau nhiều tháng bàn luận trong các cuộc họp kín tại đó chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc là trợ cấp để hạ thấp biểu giá năng lượng gió nhằm thu hút đầu tư CDM. Cho đến nay, Ban chấp hành CDM chưa hề cung cấp công khai bất kỳ thông tin hay phân tích nào về điều khẳng định này, và GWEC cũng như IETA vẫn chưa nhận được bất cứ hồi âm nào về các công văn mà họ đã gửi với ý định trả lời những câu hỏi đặt ra trong mấy tháng qua.

Steve Sawyer, Tổng thư ký của GWEC, giải thích: “Chưa có gì được đưa ra để chứng minh điều khẳng định đó. Từ năm 2006, năm đánh dấu sự khởi đầu của cuộc bùng nổ năng lượng gió ở Trung Quốc, biểu giá năng lượng gió hoặc vẫn duy trì ổn định hoặc thực tế có tăng lên, như đã được dẫn chứng đầy đủ trong các nghiên cứu của GWEC và nhiều tổ chức khác đã nộp cho UNFCCC (Quy ước khung về thay đổi khí hậu của Liên hiệp quốc).

Mặc dù thực tế là gió được trợ cấp nhiều tại Trung Quốc, nhưng các nhà máy điện than vẫn tiếp tục được phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc, điều này cho thấy rõ ràng là cần phải khuyến khích chính loại công nghệ sạch này. Với quyết định này, Ban chấp hành CDM đã gửi một tín hiệu tiêu cực đến việc đầu tư vào năng lượng tái tạo ở bất kỳ quốc gia nào có ý định tiến tới và lập biểu đồ lộ trình phát triển sạch cho sự tăng trưởng năng lượng.”

Steve Sawyer bổ sung thêm: “Sự hỗ trợ của thị trường carbon đối với năng lượng gió tại Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia khác là một trong những thành công ban đầu rõ ràng của CDM. Đành rằng chính sách của Trung Quốc có nhiều điều đáng phê phán, nhưng việc họ đang tích cực khai thác phương tiện duy nhất mà họ có để tham gia vào hệ thống khí hậu quốc tế chắc chắn  không phải là thuộc số các điều đáng phê phán này”.

Henry Derwent, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của IETA nói thêm, “Cho đến nay CDM vẫn đang làm đúng những gì mà họ phải làm: Giúp thúc đẩy triển khai năng lượng sạch hơn ở các nước đang phát triển và giúp khởi động chuyển đổi sang nền kinh tế ít cácbon. Những người tham gia dự án đã làm hết sức mình để trả lời các câu hỏi đặt ra cho họ - nhưng làm sao có thể trả lời được mối quan ngại khi nó không được thể hiện rõ ràng và dựa trên một nguyên tắc không hề tồn tại? Những người triển khai dự án làm sao có thể lường trước vấn đề này trong khi phát triển các dự án đó.”

Theo: QLNĐ số 2/2010