Sự kiện

Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung : Cho dòng điện quốc gia toả đi muôn nẻo

Thứ sáu, 8/11/2013 | 11:28 GMT+7
Trong những năm gần đây, ở miền Trung và Tây Nguyên có nhiều khu công nghiệp phát triển với tốc độ nhanh, trong khi đó phụ tải của nông nghiệp cũng như dịch vụ và nhu cầu dùng điện của nhân dân ngày một tăng cao. Vì vậy, đòi hỏi ngành điện phải có những giải pháp thích hợp để đáp ứng nhu cầu của khu vực này. Một trong những giải pháp đó là đẩy nhanh quá trình xây dựng các công trình đường dây và trạm, nhất là các tuyến đường dây và trạm 220 kV; 500 kV. ​


Với nhiệm vụ là quản lý, đầu tư xây dựng các công trình lưới điện có cấp điện áp từ 110 kV đến 500 kV ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên và một số tỉnh ở phía Nam, phía Bắc, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung đã có nhiều biện pháp hữu hiệu trong công tác quản lý điều hành cũng như sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các đơn vị thi công, các cấp, các ngành liên quan, các địa phương nơi có công trình điện và đường dây đi qua, nên mặc dù có những khó khăn về vốn, địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, cũng như những trở ngại trong giải tỏa đền bù... nhưng tất cả đều được khắc phục kịp thời, đảm bảo đúng tiến độ cũng như chất lượng của các công trình.

Đặc biệt là các công trình trọng điểm như: Công trình đường dây 500 kV (mạch 2) Pleiku- Phú Lâm, Pleiku- Dốc Sỏi- Đà Nẵng; tuyến đường dây 110 kV Thác Mơ- Bù Đăng, trạm biến áp 110 kV Đăk Nông, tuyến đường dây 110 kV Dốc Sỏi- Kỳ Hà, trạm biến áp 110 kV Kỳ Hà (Quảng Nam) mở rộng trạm biến áp 110 kV Hoài Nhơn (Bình Định), tuyến đường dây 110 kV Hàm Tân- Phan Thiết, trạm biến áp 110 kV Ninh Phước (Ninh Thuận), trạm biến áp 110 kV Buôn Ma Thuột, trạm 110 kV Hà Khánh (Đà Nẵng), trạm 110 kV Lệ Thủy (Quảng Bình)... Được hoàn thành và đưa vào vận hành không những đã kịp thời đáp ứng nhu cầu về sử dụng điện, mà còn ổn định và nâng cao chất lượng điện năng.

Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung đã đầu tư xây dựng 109 công trình và đã hoàn thành đóng điện 73 dự án, trong đó có 7 dự án đường dây 500 kV, 36 dự án đường dây 220 kV, 25 dự án đường dây 110 kV. Riêng công trình đường dây 220 kV Đắc Nông- Phước Long- Bình Long, là một trong những công trình cấp bách cấp điện cho các tỉnh miền Nam và Thành phố Hồ Chí Minh là một công trình có quy mô lớn, với chiều dài 128 km đường dây 2 mạch phân 3 dây, có khả năng truyền tải được 1.200 MW. Đi qua nhiều địa phương với nhiều địa hình phức tạp, trong đó phức tạp nhất vẫn là khâu đền bù giải phóng mặt bằng... nhưng nhờ chỉ đạo sâu sát, biết vận dụng linh hoạt, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời vói Chính quyền địa phương nơi có đường dây đi qua cũng như các đơn vị tham gia thi công, nên công tình đã hoàn thành sau một năm thi công, vượt tiến độ so với yêu cầu. Việc hoàn thành và đưa vào vận hành đúng tiến độ các công trình nói trên, đã góp phần nâng cao khả năng truyền tải và ổn định hệ thống điện, đáp ứng được nhu cầu phụ tải ngày một lớn, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội và an ninh quốc phòng của các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên và các tỉnh miền Nam.
 
Hiện nay, song song với việc tập trung chỉ đạo hoàn thành đúng tiến độ các công trình đường dây 500kV Quảng Ninh- Hiệp Hòa, đường dây 220 kV Sơn Hà- Dốc Sỏi, đường dây 220 kV đấu nối Nhà máy thủy điện Sông Bung 4 và Sông Bung 2 vào hệ thống lưới điện Quốc gia cũng như chuẩn bị mọi điều kiện để khởi công một số công trình đã được phê duyệt... Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung đang dồn mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ công trình đường dây 500 kV Pleiku- Phước Mỹ- Cầu Bông. Đây là công tình trọng điểm của trọng điểm cấp Quốc gia đã được Chính phủ giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện và Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia làm chủ đầu tư. Việc đầu tư xây dựng công trình này nhằm đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu tăng trưởng phụ tải của Khu vực Miền Nam giai đoạn 2014- 2015. Tạo tiền đề cho việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam và liên kết lưới điện giữa 3 nước Việt Nam- Lào- Campuchia giai đoạn sau 2015. Cũng như tăng cường liên kết lưới điện truyền tải cấp 500 kV, góp phần đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, kinh tế trong trường hợp cần có sự trao đổi điện năng ở mức độ cao giữa các vùng, miền trên phạm vi cả nước.

Tây Nguyên, cuối tháng 9 trời chợt nắng, chợt mưa- những cơn mưa cuối mùa nặng hạt làm ảnh hưởng rất lớn đến việc vận chuyển vật liệu, phụ kiện cũng như công việc lắp dựng cột... nhưng không vì thế mà cản trở được sự quyết tâm và khí thế thi đua lao động của cán bộ, công nhân trên công trình, bởi tất cả với một quyết tâm phải hoàn thành chiến dịch dựng cột vào cuối tháng 10, để đầu tháng 11/2013 tiến hành kéo dây đúng tiến độ. Anh Lê Minh Hiếu, Trưởng phòng đền bù, Ban quản lý dự án cho biết: Khó khăn nhất hiện nay không chỉ là thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, mà cái chính là giải phóng đền bù. Mặc dù cuối tháng 6 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã công điện số 940/CT- TTg gửi các địa phương có đường dây đi qua phải phối hợp thực hiện tốt khâu giải phóng đền bù để đảm bảo tiến độ của công trình. Thế nhưng hiện nay trên toàn tuyến vẫn còn 18 vị trí chưa thể giải quyết dứt điểm vì sự chây ì vô lý của người dân và thiếu sự quyết liệt của Chính quyến địa phương. Trong số 18 vi trí thì Bình Dương chiếm 9, Bình Phước 4 và Thành phố Hồ Chí Minh 5, nếu không có biện pháp giải quyết, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ của công trình.

Khó khăn là vậy, nhưng với quyết tâm hoàn thành công trình đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban quản lý dự án các công trình điện Miền Trung đã và đang dồn mọi nguồn lực cho công trình, nhất là đã tiếp thu và thực hiện tốt sự chỉ đạo của Chính phủ, của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) của Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) về việc phối hợp chặt chẽ với Chính quyền các địa phương để có sự hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng đền bù. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, như: Tư vấn thiết kế, giám sát, đền bù, quản lý vận hành, điện lực, điều độ, thí nghiệm, các nhà thầu xây lắp, các nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị... Cùng với sự ủng hộ của Bộ Công Thương, Tổng cục Năng lượng, Cục điều tiết Điện lực và các tổ chức tài chính Quốc tế như WB, ADB, AfD... chắc chắn công trình sẽ hoàn thành đúng tiến độ, để cho dòng điện Quốc gia tỏa đi muôn nẻo, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra.
 
Theo: Đài Tiếng nói Việt Nam VOV