GS Đinh Trúc Nam giao lưu với sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội sáng 6-3. Ảnh: Nguyễn Hoài.
Tại cuộc tọa đàm, hai chuyên gia trong lĩnh vực điện hạt nhân là giáo sư Đinh Trúc Nam thuộc Đại học Bắc Croline, Mỹ và giáo sư Pavel Kudinov thuộc Đại học Hoàng gia Thụy Điển đã giao lưu với sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên và các chuyên gia trong lĩnh vực điện hạt nhân của Việt Nam.
Giáo sư Đinh Trúc Nam và giáo sư Pavel Kudinov đều cho rằng trong lĩnh vực điện hạt nhân, yếu tố con người là vô cùng quan trọng, vì vậy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử luôn được đặt lên hàng đầu.
Cũng theo giáo sư Đinh Trúc Nam, sau thảm họa Fukushima, các nước ngày càng quan tâm đến yêu cầu đảm bảo an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân và chuẩn bị các biện pháp ứng phó với sự cố…
Chia sẻ với các bạn trẻ về hoài bão, mơ ước và kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu về điện hạt nhân, giáo sư Đinh Trúc Nam cho biết việc đến với lĩnh vực nghiên cứu về an toàn hạt nhân với ông như là số phận, “bởi ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã luôn quan tâm tìm hiểu kiến thức mới và nghiên cứu về lĩnh vực an toàn hạt nhân. Khi sự cố Chernobyl xảy ra, ảnh hưởng đến rất nhiều người, tôi đã quyết định chọn nghiên cứu về an toàn hạt nhân.”
Giáo sư Nam cũng cho rằng thế hệ trẻ hiện nay may mắn hơn thế hệ trước rất nhiều bởi có nhiều thông tin và sự lựa chọn về nghề nghiệp.
"Tuy vậy, trước lượng thông tin quá lớn như hiện nay, đòi hỏi các bạn phải rèn luyện khả năng xử lý thông tin bằng cách hiểu sâu sắc từng vấn đề quan tâm, đi vào chiều sâu của mỗi vấn đề. Trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng rất cần sự tâm huyết và chuyên sâu của mỗi cá nhân, nhất là trong lĩnh vực hạt nhân...".
Trả lời câu hỏi của các bạn trẻ về kinh nghiệm của thế giới trong thu hút nhân lực trẻ vào ngành điện hạt nhân, giáo sư Đinh Trúc Nam cho biết ở các nước như Nga, Mỹ đều có những chính sách ưu đãi cho việc đào tạo nguồn nhân lực như có kế hoạch đào tạo, đầu tư vào các trường đại học nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành này. Kinh nghiệm của các nước là tạo ra thách thức cho thế hệ trẻ, để giới trẻ thực sự quan tâm đến lĩnh vực hạt nhân và đưa ra chương trình nghiên cứu, đào tạo thu hút giới trẻ tham gia...
“Cơ hội luôn mở ra cho những người mong muốn và say mê làm việc," giáo sư Nam khẳng định.
Ông cũng cho biết rất muốn tham ra trao đổi, hợp tác với các nhà khoa học trong nước, góp phần giúp Việt Nam tiếp cận được với những công nghệ mới nhất của thế giới.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị Việt Nam cần tích cực tạo điều kiện để đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân có điều kiện tiếp cận với khoa học và kỹ thuật tiên tiến ở nước ngoài, đảm bảo an toàn cho quá trình phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam trong tương lai./.
Theo: (TTXVN)