Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Tổng Công ty Ðiện lực miền bắc (EVNNPC) và Tổng Công ty Ðiện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cấp bách để bảo đảm cấp điện an toàn, liên tục và ổn định trong mọi tình huống, phục vụ tốt nhất nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Chủ động ứng phó quá tải lưới điện
Thủ đô Hà Nội là một trọng điểm cung ứng điện của ngành điện, nhất là dịp cao điểm nắng nóng. Theo thống kê của EVNHANOI, trong đợt nắng nóng tháng 5 vừa qua, lượng điện tiêu thụ bình quân một ngày trong tháng (tính đến ngày 27-5) là 66,26 triệu kW giờ, tăng 18,1% so bình quân tháng 4 (56,106 triệu kW giờ). Ngay từ đầu năm, EVNHANOI đã tập trung chỉ đạo các đơn vị, các công ty điện lực thực hiện đồng bộ các chương trình, giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng điện tốt nhất cho Thủ đô; đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư xây dựng, bổ sung các trạm biến áp (TBA) 110 kV, 220 kV trên địa bàn Hà Nội. Lãnh đạo EVNHANOI cho biết, ngay trong quý I, Tổng công ty đã hoàn thành kế hoạch cải tạo, sửa chữa lưới điện 220 kV và 110 kV; khởi công một công trình và đóng điện ba công trình cao thế với năng lực tăng thêm 126 MVA và 8,8 km dây dẫn; khởi công 115 công trình và đóng điện 38 công trình lưới điện trung, hạ thế. Toàn bộ các TBA xây dựng mới được EVNHANOI đầu tư áp dụng các công nghệ hiện đại cùng hệ thống điều khiển từ xa, không cần người trực. Các công ty điện lực quận, huyện trên địa bàn thường xuyên triển khai các đợt rà soát nhằm phát hiện thay thế, bổ sung một số tuyến đường dây đã cũ, thi công, đấu nối, lắp đặt các thiết bị điện như đường dây, TBA góp phần cung ứng điện an toàn, liên tục và ổn định cho mùa hè 2021.
Về vận hành, EVNHANOI liên tục kiểm tra, rà soát tình trạng vận hành, mang tải của các thiết bị, đường dây; duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị, đường dây lưới điện. Các đơn vị, bộ phận chức năng cập nhật, phân tích đánh giá số liệu phụ tải theo từng khu vực, từ đó có dự báo phụ tải sát thực tế, xây dựng giải pháp cấp điện ứng với kịch bản phụ tải cực đoan nhất (những ngày nắng nóng đột biến) và chủ động ứng phó các tình huống xấu có thể xảy ra. EVNHANOI đã tăng cường ứng trực hàng nghìn ca trực liên tục 24 giờ trong ngày để kịp thời xử lý các sự cố về điện trên địa bàn; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết; khi nhiệt độ môi trường ≥ 36 độ C (theo dự báo), EVNHANOI không giảm cung cấp điện trừ trường hợp khẩn cấp có nguy cơ sự cố đe dọa mất an toàn hệ thống điện.
Phó Giám đốc Trung tâm Ðiều độ hệ thống điện TP Hà Nội Ông Ngọc Long cho biết: Ngay sau mùa nắng nóng năm 2020, Trung tâm đã rà soát kiểm tra toàn bộ hệ thống điện trên địa bàn Thủ đô và xây dựng phương án cấp điện phù hợp cho năm 2021. Thống kê cho thấy, các sự cố bất thường có nhiều lý do, nhưng chủ yếu là sự cố do diều hay pháo trang kim, bóng bay hoặc vật thể khác va vào thiết bị điện,… gây chập cháy, ảnh hưởng cấp điện. Lo ngại nhất là các đơn vị thi công một số công trình sản xuất, dân dụng,… mặc dù ngành điện đã thường xuyên cảnh báo về hành lang an toàn lưới điện nhưng vẫn vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ sự cố diện rộng. EVNHANOI khuyến nghị khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện trong giờ cao điểm của hệ thống; không sử dụng nhiều đồ dùng điện cùng một lúc để tránh quá tải lưới điện, đồng thời đề phòng các nguy cơ gây cháy nổ lưới điện, trạm điện và khu dân cư.
Sản lượng điện tăng trưởng nóng
Phụ trách quản lý vận hành và kinh doanh bán điện trên địa bàn 27 tỉnh miền bắc, nhiệm vụ của EVNNPC rất nặng nề. Ngoài khối lượng tài sản lớn, địa hình quản lý trải dài và phức tạp, hình thái thời tiết thường xuyên cực đoan, đây còn là khu vực có tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm lớn nhất cả nước. Lãnh đạo EVNNPC cho biết, mặc dù chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, song sản lượng điện thương phẩm tháng 4 của EVNNPC vẫn đạt gần 6,68 tỷ kW giờ, tăng 19,38% so cùng kỳ năm 2020. Lũy kế bốn tháng đầu năm, EVNNPC thực hiện sản lượng đạt hơn 24,165 tỷ kW giờ, tăng 10,92% so cùng kỳ. Theo tính toán của Ban Kỹ thuật EVNNPC, dự kiến trong năm nay, phụ tải tiếp tục tăng trưởng mức trung bình từ 9 đến 10% về sản lượng, sản lượng cao nhất (Pmax) trung bình tăng từ 9 đến 12%. Ngày nắng nóng cực đoan, dự báo Pmax có thể lên tới 14.100 đến 14.500 MW (dự báo trong hai tháng 6 và 7), cao hơn năm 2020 gần 2.100 đến 2.500 MW. Ðặc biệt, một số tỉnh dự báo có mức tăng công suất từ 15 đến 17% như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hưng Yên. Phần lớn các tỉnh còn lại có mức tăng công suất trong khoảng từ 9 đến 13%, chỉ một số ít tỉnh tăng công suất thấp (từ 6 đến 8%) như Ðiện Biên, Bắc Cạn, Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Sơn La. Theo phân tích, một số tỉnh có tỷ trọng sinh hoạt lớn, phụ tải tăng cao đột biến vào dịp cao điểm nắng nóng có thể dẫn tới tình trạng vận hành đầy, quá tải trên lưới điện vào cao điểm mùa hè năm nay.
Ðể đáp ứng đủ điện phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất của các địa phương và sinh hoạt của nhân dân trong những ngày nắng nóng, EVNNPC đã thực hiện đồng thời các nhóm giải pháp chủ chốt. Về quản lý kỹ thuật vận hành, Tổng công ty chỉ đạo các đơn vị xây dựng phương thức vận hành tối ưu, phù hợp lưới điện hiện hữu và phụ tải tiêu thụ; tổng rà soát các khiếm khuyết trên lưới điện và tập trung xử lý trước mùa mưa bão. Ðơn vị lên phương án huy động tập trung nhân lực theo cụm để bảo đảm tiến độ xử lý khiếm khuyết trên lưới 110 kV, giảm nguy cơ sự cố lưới điện; tập trung khai thác, trang bị các công cụ, dụng cụ hiện đại phục vụ công tác quản lý vận hành, phát hiện sớm các nguy cơ sự cố và sửa chữa bảo dưỡng lưới điện hotline (sửa chữa không cắt điện) để tăng độ tin cậy cấp điện. Ðồng thời, triển khai hoán đổi giữa các máy biến áp (MBA) phân phối có gam công suất lớn mang tải chưa cao cho các MBA công suất nhỏ đã đầy tải; lắp bổ sung các MBA phân phối bằng nguồn vật tư dự phòng, thu hồi để san tải cho các MBA hiện hữu, giảm phạm vi cấp điện; thực hiện cân pha trên lưới điện hạ thế, thay thế các áp-tô-mát có khả năng mang tải lớn hơn. Ngoài ra, các đơn vị lập phương án cấp điện theo chế độ vận hành và phương án cấp điện trường hợp thời tiết cực đoan. Tuân thủ mệnh lệnh chỉ huy điều độ, bảo đảm tính thời gian thực và các giải pháp tối ưu trong vận hành. Huy động công suất thủy điện nhỏ trong khu vực, nhất là huy động công suất vào các khung giờ cao điểm nắng nóng; phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền khách hàng sử dụng điện trên địa bàn về bảo đảm an toàn các công trình lưới điện và tiết kiệm điện; làm việc với các khách hàng lớn dịch chuyển sản xuất vào cao điểm nắng nóng,… ưu tiên cấp điện phục vụ dân sinh, y tế, cộng đồng, nhất là trong thời điểm nắng nóng.
Về đầu tư xây dựng, EVNNPC đầu tư các đường dây, TBA mới, cải tạo nâng cao khả năng truyền tải để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng trưởng mới và san tải cho lưới điện hiện hữu; hoàn thiện các hệ thống mạch vòng, liên lạc trung thế, vận hành song song các MBA để từng bước bảo đảm chế độ N-1 (sự cố 1 phần tử không gây mất điện). Dự kiến trong năm nay, Tổng công ty sẽ hoàn thành 38 dự án nâng công suất và lắp thêm MBA thuộc lưới điện 110 kV nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho toàn khu vực miền bắc. Tổng công ty duy trì, bảo đảm quản lý kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, thí nghiệm định kỳ theo các quy định và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng. EVNNPC đã đẩy nhanh các chương trình tự động hóa, đa chia - đa nối (MDMC), tự động hóa lưới điện trung áp,… góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, nhanh chóng khắc phục sự cố lưới điện. Lũy kế đến hết quý I vừa qua, EVNNPC đã cải tạo và vận hành 214 TBA không người trực trên tổng số 270 TBA đang vận hành; hoàn thành chương trình MDMC năm 2020; triển khai chương trình tự động hóa mạch vòng trung áp,… tại các đơn vị. Ngoài ra, EVNNPC thường xuyên tổ chức tập huấn, tuyên truyền tiết kiệm điện, an toàn điện trong cơ quan, doanh nghiệp, trường học và nhân dân.