Sự kiện

Bảo vệ hành lang lưới điện cao áp: Cần sự đồng thuận của chính quyền địa phương

Thứ sáu, 29/11/2013 | 08:37 GMT+7
Bảo vệ hành lang lưới điện cao áp (HLLĐCA) trong mùa mưa bão không chỉ hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn điện trong nhân dân mà còn góp phần giúp ngành điện cung cấp điện an toàn, liên tục và ổn định với độ tin cậy cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trên mỗi địa bàn. Tuy nhiên, nếu không thực hiện kiên trì, liên tục và được sự đồng thuận của nhân dân, chính quyền địa phương, e rằng mục tiêu trên khó có thể được triển khai.



Theo thống kê của Tổng Công ty Điện lực TP. HCM, đến đầu tháng 11 này, đã xử lý 1.037 vụ vi phạm HLLĐCA trên địa bàn. Ảnh: EVN HCMC
Đi đầu về xử lý số vụ vi phạm

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đứng đầu của cả nước về sản lượng điện tiêu thụ. Cũng chính vì vậy, một trong những chủ trương của thành phố là quan tâm chỉ đạo công tác bảo vệ an toàn công trình và HLLĐCA, đảm bảo cung cấp điện ổn định và liên tục trên địa bàn. Việc UBND thành phố thành lập Ban Chỉ đạo điện cao áp bao gồm thành phần các Sở ban ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị điện lực chính là minh chứng thể hiện sự quan tâm đặc biệt này. Với nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân các quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn công trình, HLLĐCA; kiểm tra, tập huấn an toàn điện ...., Ban Chỉ đạo điện không chỉ đưa ra các giải pháp cụ thể để từng bước giải quyết dứt điểm các vi phạm cũ mà còn ngăn chặn các vi phạm mới phát sinh xảy ra tại địa phương.

Vì vậy, số vụ vi phạm trên địa bàn thành phố liên tục giảm trong các năm trở lại đây. Theo thống kê của Tổng Công ty (TCT) Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh, đến đầu tháng 11 này, đã xử lý 1.037 vụ vi phạm HLLĐCA trên địa bàn, chiếm khoảng 63,35% so với số vụ vi phạm tính từ đầu năm, tăng gấp hơn 3 lần so với chỉ tiêu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao và tăng hơn 4 lần so với chỉ tiêu của Ban Chỉ đạo cao áp thành phố đề ra.

Tại khoảng trụ 23 của đường dây 110kV Xa lộ-Hỏa Xa dài trên 3,5km, được xây dựng từ năm 1963, có rất nhiều nhà vi phạm HLLĐCA. Anh Trần Văn Anh Dũng, Đội Phó Đội Lưới điện cao thế (Công ty Lưới điện cao thế Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Từ năm 2012, bằng giải pháp kỹ thuật của ngành, công  ty đã nâng cao đường dây này lên, do đó giảm được 21 căn nhà vi phạm, đảm bảo khoảng cách an toàn trong LĐCA. Theo Nghị định 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình LĐCA và Nghị định 81/2009/NĐ-CP ngày 12/10/2009  bổ sung một số điều của Nghị định 106, khoảng cách an toàn của đường dây 110kV là 4m nay đã nâng lên 6m.

Anh Lê Hoàng Long ở 44/10 G1 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh bày tỏ: “Khi nâng cao đường dây này lên, chúng tôi cũng cảm thấy yên tâm mỗi khi trời mưa gió vì sợ đụng mái tôn sẽ xảy ra giật điện, nguy hiểm đến tính mạng con người”.

TCT Điện lực miền Nam là một trong 5 TCT phân phối triển khai tốt công tác bảo vệ HLLĐCA. Trên địa bàn 21 tỉnh, thành do TCT quản lý, từ đầu năm đến nay có 44 vụ tai nạn điện trong dân, gây chết 20 người và bị thương 35 người. Ông Hồ Quang Ái, Phó Tổng Giám đốc TCT cho biết tình hình tai nạn điện trong dân đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân phố biến là lắp đặt ăng ten, biển quảng cáo, chặt cây xanh, cơi nới nhà cửa, sử dụng phương tiện cơ giới… vi phạm khoảng cách an toàn trong HLLĐCA nên bị phóng điện.

Phổ biến là sự cố do cây xanh

Đối với LĐCA đi qua các khu vực trồng nhiều cây cao su như Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh…, việc phát quang, chặt tỉa cây cao su gặp rất nhiều khó khăn do số lượng cây nằm ngoài HLLĐCA nhưng có nguy cơ ngã đổ vào đường dây khi mưa giông là rất lớn, gây mất điện trên diện rộng và nguy hiểm cho người dân khi cạo mủ. Mặt khác, do cây cao su có giá trị kinh tế cao nên nhiều hộ dân yêu cầu ngành điện phải bồi thường mới cho chặt tỉa. Một số khác người dân chỉ cho chặt tỉa các cành nhỏ nên làm tăng tần suất phát quang và số lần cắt điện để phát quang cũng tăng lên, gây gián đoạn cung cấp điện trong khu vực.

Giám đốc Xí nghiệp lưới điện cao thế Bình Phước, Hoàng Huy Thông cho biết đơn vị quản lý gần 500km đường dây 110kV; trong đó có gần 400km đi qua rừng cây cao su, đặc biệt có khoảng 50km đi qua rừng cao su lâu năm. Từ năm 2012 đến nay, xí nghiệp đã chặt ngọn được 1000 cây cao su và chặt gốc được 500 cây tràm, có hỗ trợ cho người dân khi mất sản lượng này.

“Với khối lượng cao su lớn như vậy thì thật khó để quản lý nhưng khó khăn lớn nhất không phải không làm được mà là người dân không cho làm. Ngoài đền bù cây dân còn đòi bồi thường quyền hạn chế quyền sử dụng đất theo Nghị định 81 do không thể trồng được cây khác vì hiệu quả kinh tế thấp. Mỗi lần phát quang đơn vị phải huy động một lực lượng rất lớn trong những ngày cắt điện, kể cả nhân lực của địa phương”, ông Thông bày tỏ.

Đường dây 110kV Bình Long 2-Dầu Tiếng, chính thức vận hành từ 1995. Theo Nghị định 106 đối với lưới điện 110kV, khoảng cách an toàn từ dây ngoài cùng đến cây là 4m và chiều cao phải là 8-9m nhưng tại vị trí trụ số 1 thuộc thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành (Bình Phước), chúng tôi thấy cây cao su đang phát triển cao từ 18-19m, cành cây chờm vào cả đường dây, rất nguy hiểm mỗi khi có gió mạnh, sẽ ngã đổ vào đường dây trong khi người dân không cho chặt ngọn. Giải pháp tình thế, theo ông Hà Văn Long, Đội trưởng Đội đường dây thuộc Chi nhánh lưới điện cao thế Bình Phước vẫn chỉ là vận động người dân chặt tỉa những cành để đảm bảo khoảng cách an toàn.
 


Cây cao su là nguồn thu nhập chính của người dân Bình Phước nhưng cũng là mối đe dọa lớn với lưới điện. Ảnh: N.Loan

Cần sự đồng thuận của nhân dân

Để giải quyết thấu đáo tình trạng này, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Phước Lê Tấn Quang cho hay “những nơi nào lưới điện đã có trước mà bà con lỡ trồng thì phải tự giải tỏa, nếu không phải nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ. Nếu địa phương không hỗ trợ, ngành điện sẽ phải cắt điện để làm nếu không đảm bảo điều kiện vận hành. Nhưng về trách nhiệm, chúng tôi vẫn tìm cách tháo gỡ đối với từng công ty cao su. Trên thực tế đã có địa phương người dân không yêu cầu đền bù mà tự giải phóng mặt bằng”.

Cũng theo ông Quang, hiện nay, ngân sách của tỉnh và các huyện hạn hẹp nên rất trở ngại trong công tác giải tỏa hành lang tuyến. Theo nguyên tắc, phía địa phương chịu trách nhiệm giải tỏa hành lang và ngành điện bỏ vốn xây dựng đường dây. Vì vậy, ở huyện nào người cán bộ thường xuyên tiếp cận với dân và có quyết tâm cao thì nơi đó thực hiện tốt hơn.

Trên thực tế, tại một số địa bàn ở Thành phố Hồ Chí Minh đã thể hiện tốt công tác này. Ông Nguyễn Phi Long, Phòng Địa chính của phường 4, quận Phú Nhuận, chia sẻ: Hàng năm, phường đều phối hợp với Công ty Điện lực Gia Định tuyên truyền tới các hộ dân trong phường về bảo vệ an toàn HLLĐCA; đồng thời, cùng tham gia giám sát với Công ty. Vì vậy người dân nơi đây đều chấp hành tốt.

Chủ nhiệm HTX Thương mại dịch vụ Phú Thịnh Võ Văn Hành, đơn vị quản lý chợ Nguyễn Đình Chiểu, nằm dưới đường điện cao áp Xa Lộ-Hỏa Xa cũng bày tỏ: Ban Quản lý chợ thường xuyên phát thanh trên hệ thống loa trong khu vực chợ nhằm tuyên truyền tới người dân ý thức bảo vệ HLLĐCA. Ban còn tổ chức kiểm tra thường xuyên các thiết bị điện trong chợ nhằm phát hiện kịp thời những sự cố chập cháy điện, gây hỏa hoạn trong chợ cũng như làm mất an toàn đường dây 110kV.

Ở Bình Phước, địa phương gặp rất nhiều khó khăn khi giải tỏa HLLĐCA, ông Lâm Đức Dũng, cán bộ giao thông thủy lợi xây dựng xã Minh Lập, huyện Chơn Thành cho biết: Cái khó là kinh phí đền bù không có, chỉ đền bù đến mốc lộ giới theo đúng quy định nên chủ yếu là vận động bà con cho ngành điện đi phát quang hàng năm. Hiện nay, địa phương vẫn áp giá đền bù theo Quyết định 68 của UBND tỉnh là đền bù cây tùy theo năm tuổi, cao nhất là 360.000đ/cây cao su trên 10 năm tuổi. Sau này, địa phương cũng vận động bà con không trồng cây trong hành lang điện.

Đồng Nai là địa phương đứng thứ 3 cả nước về mức tiêu thụ điện năng, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trước tình trạng vi phạm HLLĐCA liên tục gia tăng trong thời gian gần đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã có công văn đề nghị TCT Điện lực miền Nam và Công ty Truyền tải điện 4 ngừng cung cấp điện khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với những trường hợp là tổ chức, cá nhân vi phạm HLLĐCA dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn điện. Đồng thời yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tăng cường quản lý cây xanh, chặt tỉa cây cối vi phạm hành lang, cây cao ngoài hành lang có khả năng ngã đổ vào đường dây. Bên cạnh đó, hướng dẫn chủ các doanh nghiệp và công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN không trồng các loại cây có khả năng phát triển nhanh trong HLLĐCA.

Nhằm phục vụ lợi ích của cộng đồng là sử dụng điện an toàn và liên tục, việc bảo vệ HLLĐCA không chỉ trông chờ vào mỗi ngành điện mà cần có sự chung tay, góp sức của nhân dân địa phương nơi có đường dây đi qua. Có như vậy, mới hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại không đáng có về tai nạn điện mỗi khi vào mùa mưa bão./.
 
Mai Phương