Từ hai năm trước, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ công bố kế hoạch đầy tham vọng rằng tới năm 2020, nước này tăng công suất cung cấp năng lượng mặt trời từ con số 0 lên 20.000MW.
Một công nhân Ấn Độ đang làm vệ sinh tấm năng lượng mặt trời ở nhà máy công suất 1MW Ganhdinagar đặt tại bắc Ahmadabad, Ấn Độ. Ảnh: MSNBC
Chính sách trợ giá của chính phủ
Tuy năng lượng mặt trời là công nghệ sạch, nhưng tại miền Tây Bắc Ấn Độ, nó cũng có thể nhuốm bụi. Cứ mỗi năm ngày, người ta phải lau bụi bám vào 36.000 tấm năng lượng mặt trời trong khuôn viên nhà máy điện Azure rộng 25,7ha. Azure chỉ cần sử dụng 10MW để cung cấp đủ năng lượng cho một thị trấn 50.000 người.
Inderpreet Wadhwa, giám đốc điều hành nhà máy Azure dự đoán rằng trong vài năm tới, điện mặt trời sẽ có thể cạnh tranh giá với điện thông thường tại Ấn Độ. Một khi hiệu quả và nhu cầu dùng công nghệ năng lượng mặt trời tăng, chi phí sẽ giảm.
Hiện Ấn Độ có hàng chục cơ sở phát triển năng lượng mặt trời như Azure, do chính sách trợ giá của chính phủ trong lúc giá thành tấm năng lượng mặt trời giảm mạnh trên phạm vi toàn cầu. Tại miền Tây Bắc Ấn, người ta thấy ngày càng nhiều ngôi làng lấp lánh tấm thu năng lượng mặt trời.
Các nhà sản xuất Trung Quốc như công ty Suntech Power và năng lượng xanh Yingli tăng cường sản xuất các tấm năng lượng mặt trời và cắt giảm giá từ 30 – 40%. Các nhà cung cấp thiết bị năng lượng mặt trời ở Mỹ, Đài Loan và châu Âu cũng dành nhiều ưu đãi để công nghệ này mau chóng trở thành xu hướng tại Ấn.
Cạnh tranh nhiều hơn
Trong thập kỷ qua, Chính phủ Ấn Độ đã khích lệ và trợ giúp các doanh nghiệp tư nhân tham gia ngành công nghiệp năng lượng. Chính phủ chỉ nắm quyền phân phối và cân đối tỷ lệ phân bổ các cơ sở trên toàn quốc. Các nhà khai thác năng lượng mặt trời buộc phải cạnh tranh nhiều hơn về giá.
Tháng 12.2011, Chính phủ Ấn đã tổ chức bán đấu giá lần thứ hai để ấn định mức giá công ty thương mại nhà nước NTPC Vidyut Vyapar Nigam mua điện mặt trời cho lưới điện quốc gia. Giá trúng thầu bình quân là 16,5 cent Mỹ cho 1kWh/giờ. Mức này tuy gấp đôi giá điện được tạo ra từ than, nhưng đã thấp hơn 27% so với giá đấu thầu năm ngoái. Để so sánh, Đức – quốc gia sử dụng điện mặt trời lớn nhất, trả 23 cent Mỹ cho 1kWh/giờ.
Tuy đang đứng sau các nước châu Âu trong việc sử dụng năng lượng mặt trời, nhưng Ấn Độ có lợi thế tự nhiên nhờ có hơn 300 ngày nắng ấm mỗi năm. Do giá thiết bị giảm mạnh, chi phí thiết lập các trang trại năng lượng mặt trời tại Ấn cũng thấp hơn các nước đi tiên phong trong công nghệ sạch và xanh. Ngoài chính phủ liên bang, một số bang của Ấn Độ như Gujarat cũng được mua điện với giá trợ cấp từ các nhà máy điện như Azure.
Việc triển khai năng lượng mặt trời tại Ấn Độ cũng nảy sinh một số vấn đề: các nhà cung ứng phá giá hoặc bán lại gói thầu cho bên thứ ba. Mặc dù vậy, ông Wadhwa nhận định rằng thị trường sẽ dần ổn định với sự phát triển của những doanh nghiệp cam kết dài hạn trong ngành công nghệ này.
Ngoài ứng dụng điện mặt trời, quân đội Ấn Độ tận dụng tối đa năng lượng gió và mặt trời, để cắt giảm sử dụng xăng, dầu và các chất đốt khác, giảm bớt ô nhiễm môi trường tại vùng sông băng Siachen.
Năm ngoái, Chính phủ Ấn đã đầu tư 65 triệu USD cho dự án chuyển đổi sử dụng năng lượng tại vùng sông băng – điểm nóng của thế giới bởi sự tranh chấp giữa quân đội Ấn và Pakistan. Dự án nêu trên giúp binh lính Ấn Độ đồn trú tại khu vực sông băng (nhiệt độ –40oC) có đủ điện năng phục vụ sinh hoạt và thông tin liên lạc.
SGTT.VN