Đóng và cấp điện lưới Quốc gia cho bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch.
Có điện, không chỉ giúp cuộc sống văn minh lên mà còn từng bước giúp đồng bào vùng biên giới rẻo cao vùng Tây Bắc Nghệ An này tự tin vươn lên để sớm thoát nghèo.
Điện lực Quỳ Châu quản lý vận hành lưới điện trên địa bàn 2 huyện: Quỳ Châu và Quế Phong cùng một số xã thuộc các huyện: Tương Dương và Kỳ Sơn, trên diện tích khoảng 3.400km2, có 6 xã biên giới với hơn 100km đường biên giới. Cuối năm 2022, tại địa bàn do Điện lực Quỳ Châu quản lý còn có 12 xã với 27 thôn, bản, chủ yếu là các bản ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới chưa có điện lưới quốc gia.
Trước đây, để có điện, bà con thường sử dụng tuốc-bin mini đặt dưới khe, suối như dòng điện chập chờn, gây mất an toàn.
Phó Giám đốc Điện lực Nghệ An Đặng Thanh Vinh cho biết: Triển khai Dự án cấp điện cho các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc chưa có điện ở Nghệ An đã được Bộ Công thương phê duyệt với mục tiêu đưa điện lưới quốc gia về tất cả các thôn, bản còn lại ở vùng Tây Bắc Nghệ An là quyết tâm chính trị đặt lên vai ngành điện lực Nghệ An. Để hoàn thành việc cấp điện cho đồng bào vùng biên giới ngay trong năm 2023, Điện lực Nghệ An và Điện lực Quỳ Châu đã tích cực phối hợp với các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống đường dây, trạm biến áp và đóng, cấp điện cho nhằm góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia cho miền Tây Bắc Nghệ An.
Mở đường "cõng" cột điện, vật tư vào điểm thi công hệ thống điện.
Khi triển khai dự án cấp điện này, đơn vị thi công phải đối mặt với bao khó khăn, đó là địa hình miền núi rộng lớn, đèo cao, quanh co, đi qua các sông suối, lòng hồ. Cộng với thời tiết ở khu vực biên giới “đỏng đảnh”, hay xảy ra mưa lớn, gây sạt lở đường giao thông, cản trở việc vận chuyển vật liệu, vật tư phục vụ thi công. Một số thôn, bản nằm biệt lập trong rừng, chưa có đường giao thông, phải đi bằng đường mòn. Nhiều cụm dân cư nằm rải rác, cheo leo lưng chừng núi nên đường dây điện phải xuyên rừng. Phong tục tập quán, bất đồng ngôn ngữ cũng là một trở ngại lớn trong quá trình triển khai dự án.
Vượt lên tất cả khó khăn trên, những người thi công đường điện nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đắc lực của chính quyền địa phương từ huyện, xuống đến tận thôn bản và ban, ngành liên quan. Cùng với sự quyết tâm cao độ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền bắc, Công ty Điện lực Nghệ An và các nhà thầu thi công không kể ngày, đêm để bảo đảm tiến độ.
Vượt lòng hồ thủy điện bản Vẽ để thi công đường điện vào bản.
Với phương châm “vượt nắng, thắng mưa”, ngành điện chủ động phối hợp với đơn vị liên quan khắc phục sạt lở, sớm thông đường để tập kết cột điện, vật tư vào điểm thi công đúng thời gian. Tại các đoạn lầy lội, đơn vị thi công luôn phải bố trí xe cẩu, máy nâng áp tải xe chở cột điện, vật tư thi công.
Dự án đã nhận được sự hỗ trợ của đồng bào như hiến đất để trồng cột điện; tự giác phát quang cây cối, hoa màu phục vụ thi công đường dây 0,4KV. Đối với việc thi công đường dây 35KV và trạm biến áp sau khi được trích đo, kiểm đếm phần bị ảnh hưởng, trong khi chờ các thủ tục hỗ trợ đền bù thì đồng bào đã tự nguyện tháo dỡ tài sản, chặt tỉa cây cối để cho nhà thầu tiến hành thi công, nhằm đưa điện về bản sớm nhất.
Những người thi công đưa điện về cấp cho gần 130 hộ dân ở bản Phia Oi, xã Nhôn Mai (Tương Dương) và bản Huổi Pún, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn), nhớ lại: Đường điện thi công chủ yếu đi qua vùng núi hiểm trở. Đường xá đi lại cực kỳ khó khăn. Để đi vào các bản này, anh em thi công phải cõng cột điện, cùng vật tư vượt qua quãng đường gần 150km; Bản Phia Oi lại nằm ở vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ nên phải dùng thuyền để chở vật liệu vào thi công.
Vượt lên những khó khăn trên, đến ngày 22/10/2023, ngành Điện đã tổ chức nghiệm thu, đấu nối và đóng điện trạm biến áp cấp cho 2 bản này, trong sự vỡ òa, sung sướng của đồng bào nơi rừng xanh này.
Dòng điện về đến đâu, ánh sáng văn minh bừng lên đến đó. Bà Lê Thị Dung, Trưởng bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch (Quế Phong) chia sẻ: Ðiện lưới quốc gia về đến bản làng, sẽ từng bước giúp đồng bào vùng khó khăn tự tin vươn lên làm chủ cuộc sống để sớm thoát nghèo.
Trưởng bản Long Thắng nhớ lại: “Bản ta có điện đúng vào ngày cả bản tổ chức Ngày đại đoàn kết, 19/11/2023 nên ngày vui được nhân lên!”. Tuy mới có điện được vài tháng nhưng đời sống dân bản văn minh hơn so với trước đây. Điện không chỉ dùng thắp sáng mà nhiều gia đình đã mua sắm nồi cơm điện, quạt điện, ti-vi, tủ lạnh cùng các dụng cụ điện khác để phục vụ đời sống và sản xuất, kinh doanh.
Nhờ có điện, đồng bào sắm ti-vi để xem thời sự và cập nhật các kiến thức phát triển kinh tế.
Riêng Trưởng bản đã ưu tiên mua cái ti-vi để xem tin tức, thời sự và mua cái mô-tơ điện thay thế chiếc máy nổ phục vụ xay lúa. “Trước đây, cứ mỗi lần chồng đi vắng, lại phải nhờ thanh niên đến quay máy nổ để xay lúa. Nay, chỉ cần bấm nút một cái là đã xay được lúa rồi. Thật tiện lợi!” - bà Lê Thị Dung cho biết thêm.
Chồng bà Dung là ông Vi Văn Long, thợ sửa xe máy khoe: “Ngay sau khi có điện, tôi tức tốc xuống Vinh mua ngay bộ đồ nghề bằng điện để phục vụ việc sửa xe được thuận lợi và nhanh chóng hơn”.
Nhờ có điện mà anh Lang Thái Phong làm mộc nhàn hạ và thu nhập tốt hơn.
Ở nhà kế bên, anh Lang Thái Phong làm thợ mộc cho biết: "Nhờ có điện nên anh đã bỏ được chiếc máy nổ (cấp điện phục vụ việc bào, đục) suốt ngày nổ phành phạch, inh tai, nhức óc. Giờ đây, tôi có thể làm việc thêm buổi tối, đẩy nhanh tiến độ thi công để làm xong căn nhà sàn cho gia đình. Dự kiến đưa nhà vào ở trước Tết Nguyên đán, chứ không phải kéo dài ra tết như dự định trước đó, khi chưa có điện quốc gia về bản”.
Vợ anh Phong là chị Lữ Thị Lan đã ưu tiên đầu tư ngay một chiếc tủ đá để phục vụ việc bán giò chả, xúc xích, kem… cho bà con trong bản.
Xa hơn một chút, 2 anh em Lô Văn Dũng và Lô Văn Thế cũng đang thi công những chiếc cửa nhôm, mái tôn bằng chiếc máy hàn và máy cắt vừa mới đầu tư. Anh Lô Văn Dũng cho biết: Trước đây, những việc làm liên quan đến phần cơ khí này, cả bản đều phải thuê thợ ở ngoài trung tâm xã làm, rồi vận chuyển vào lắp ghép. Nên khi có điện về bản, sẵn có tay nghề, anh em tôi bàn nhau chung vốn mua dụng cụ điện để làm. Tuy làm việc với tinh thần phục vụ bà con là chính nhưng thu nhập cũng khá tốt, hơn hẳn so với đi làm thuê trước đây mà lại không phải đi xa nhà!.
Đến bản trên, làng dưới, đâu đâu cũng thấy người dân đang bàn nhau chuyện đầu tư các thiết bị điện phục vụ đời sống và sản xuất, kinh doanh để nâng cao thu nhập-chuyện chưa từng xảy ra ở vùng cao biên giới Tây Bắc Nghệ An này.
Giám đốc Điện lực Quỳ Châu Lê Đại Nghĩa cho biết: Do vừa thi công vừa phải mở đường để cõng vật tư vào nên hiện 3 bản: Mường Lống, Nậm Tột, Huồi Xái thuộc xã rẻo cao Tri Lễ, huyện Quế Phong chưa kịp hoàn thành hệ thống đường dây và cấp điện vào dịp Tết này. Ngành điện cũng đang tập trung chỉ đạo nhà thầu, nổ lực đẩy nhanh tiến độ để đưa điện về các bản cuối cùng này trong thời gian sớm nhất có thể.
Mở đường thi công để sớm đưa điện lưới vào các bản còn lại ở xã Tri Lễ.
Thời gian tới, Điện lực Quỳ Châu sẽ tập trung các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, vận hành hệ thống lưới điện, bảo đảm cấp điện an toàn, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội cho 2 huyện Quỳ Châu, Quế Phong và đồng bào khu vực biên giới Việt-Lào vùng Tây Bắc Nghệ An, Giám đốc Điện lực Quỳ Châu cho biết thêm.
Link gốc