Sự kiện

Bừng sáng biển đảo Cô Tô

Thứ năm, 17/10/2013 | 13:48 GMT+7
Ở Cô Tô vào trước giờ hoà lưới điện quốc gia, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe, cũng thấy sự háo hức, mong chờ của người dân nơi đây. Gặp ai cũng nghe họ kể về ước mơ bao đời của người dân nơi hòn đảo tiền tiêu nơi tuyến đầu Đông Bắc của Tổ quốc là được sử dụng điện lưới quốc gia, rồi niềm tin về sự đổi thay của đảo nhỏ khi điện lưới chạy tới nơi đây. Có lẽ, chính vì sự háo hức, mong chờ của người dân mà ngay đến chúng tôi - những vị khách từ đất liền - những người đã mặc nhiên được sử dụng điện lưới cũng cảm thấy phấn chấn, hồ hởi hơn bao giờ hết.

Giấc mơ có thật

Chiếc xe điện nhỏ do một anh cán bộ huyện lái đưa chúng tôi đi trên những con đường bê tông trải dài gần như tít tắp tham quan một vòng quanh đảo. Phải nói rằng, hiếm có nơi nào kỳ lạ như Cô Tô. Ở đây, người ta vừa bắt gặp một Cô Tô hoang sơ như chưa có dấu tích của con người nhưng cũng lại như một vùng đất đang vươn vai đứng dậy với những công trình ngày một kiên cố, vững chãi. Xen giữa những cánh rừng trồng, rừng nguyên sinh, trong ầm ì của tiếng sóng biển là những ngôi nhà mái bằng khang trang, những trường học, trạm xá, nhà văn hoá… mang lối kiến trúc hiện đại.

Anh bạn đồng nghiệp của chúng tôi bảo: Bẵng đi một thời gian không đến Cô Tô chắc chắn ai cũng sẽ rất ngạc nhiên về những đổi thay nhanh chóng của huyện đảo tiền tiêu này. Sự ngạc nhiên của những lần đến sau đây chắc chắn bắt đầu từ kỳ tích Cô Tô có điện lưới quốc gia… Anh cán bộ huyện cho biết thêm: Bà con dân đảo từ hơn 1 năm nay đều nói về sự kiện Cô Tô sắp có điện lưới quốc gia, ai nấy đều vui mừng phấn khởi lắm. Vì ít ai có thể mường tượng nơi đảo xa xôi thế này điện lưới quốc gia vẫn có thể “vượt sóng” đến với bà con. Mấy chục năm dùng điện giá cao nay sắp được dùng như đất liền nên ai mà chẳng nói đó là một giấc mơ…
 


Niềm vui đón điện lưới quốc gia tại gia đình ông Bùi Tính, khu 3, thị trấn Cô Tô. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Năm 1999, huyện đảo Cô Tô được thành lập trên cơ sở tách đơn vị hành chính từ huyện đảo Vân Đồn. Vậy mà, mãi đến tận 5 năm sau ngày thành lập huyện mới dựng trạm phát điện diesel đầu tiên phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân. Những năm 2000, Cô Tô vẫn còn được ví như “đảo mù” vì thiếu điện, nước sạch, hệ thống cơ sở hạ tầng vô cùng tạm bợ… Còn đời sống của người dân quanh năm bám biển khó vẫn hoàn khó vì thiếu thốn đủ đường. Cho đến trước ngày 16-10-2013, toàn huyện đều sử dụng các máy phát điện tầm trung để cung cấp cho bà con. Thống kê của UBND huyện, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho hơn 6.000 dân trên đảo, mỗi năm huyện đảo Cô Tô phải chi khoảng trên 30 tỷ đồng tiền sử dụng điện. Trong đó, có khoảng 11 tỷ đồng được ngân sách nhà nước trợ giá, số còn lại trên 20 tỷ đồng là do người dân tự bỏ tiền trả. Một số tiền quá lớn, nhất là đối với người dân huyện nghèo như Cô Tô. Có lẽ vì vậy, chỉ ngay trước ngày Cô Tô hoà lưới điện quốc gia 1 ngày, vẫn còn rất nhiều người dân hoài nghi rằng Cô Tô sẽ thật sự hoà lưới điện quốc gia.

Ông Đào Văn Ân, thôn Nam Hà, xã Đồng Tiến gặp chúng tôi đã hồ hởi khoe: Tôi đã 84 tuổi rồi, không ngờ trước lúc “gần đất xa trời” lại được chứng kiến ngày Cô Tô được hoà lưới điện quốc gia. Đảo xa như thế, khó khăn như thế mà điện vẫn đến được, như vậy là Đảng và Nhà nước đã không quên đảo xa chúng tôi. Bà con nhân dân cảm động không nói hết thành lời.

Tâm trạng của ông Ân cũng là tâm trạng của hầu hết người dân huyện đảo Cô Tô những ngày này. Với họ, khi dòng điện thông suốt từ đất liền ra đảo dường như đã rút ngắn hơn nữa khoảng cách giữa đất liền và hải đảo xa xôi, niềm tin về một cuộc sống mới lại càng mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Nơi “an cư, lạc nghiệp”

Đồng chí Nguyễn Đức Thành, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô kể: Ở Cô Tô có 3 việc lớn cần phải hoàn thành. Đó là xây hồ chứa nước ngọt, đưa điện lưới quốc gia ra đảo, đưa dân ra đảo Trần (một hòn đảo thuộc huyện Cô Tô). Đến nay 2 việc lớn đã hoàn thành, chúng tôi đang phấn đấu trước Tết Nguyên đán 2014 sẽ đưa được 17 hộ dân ra đảo Trần sinh sống. Cùng với đó thì hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho đời sống, sản xuất của người dân huyện đảo cũng đang được đầu tư hoàn thiện như đường giao thông cơ bản đã cứng hoá ở tất cả các thôn, ngõ, xóm, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ được xây dựng trên đảo đã hoàn thành, hệ thống đê chắn sóng, âu tránh trú bão cho tàu thuyền đều đã xong. Những việc lớn này hoàn thành chính là tiền đề để Cô Tô cất cánh là đô thị biển hiện đại trong tương lai không xa.

Tiếp chúng tôi, ông Ngô Văn Tuất, khu 3, thị trấn Cô Tô vui vẻ cho biết: 3 năm trở lại đây, kinh tế có chút khấm khá, gia đình tôi cũng đã mua một số thiết bị hiện đại để sử dụng như ti vi, tủ lạnh, quạt… Tuy nhiên, dù đã được trợ giá sử dụng điện thì giá điện vẫn ở mức quá cao nên hầu như các thiết bị đã mua gia đình không dám sử dụng nhiều. Trong nhà có lẽ thiết bị được sử dụng nhiều nhất là bóng đèn. Ngay đến quạt cũng phải sử dụng rất tiết kiệm thế mà trung bình một tháng vẫn phải bỏ ra trên dưới 200.000 đồng tiền điện sinh hoạt. Nay có điện lưới quốc gia, dân đảo chỉ phải bỏ ra số tiền chưa đến 2.000 đồng/kWh, tính ra nếu với tần suất sử dụng thiết bị điện như bây giờ, có khi cả tháng gia đình tôi hết chưa đến 100.000 đồng. Giá điện rẻ, tôi sẽ mua thêm tủ bảo ôn để giữ hải sản tươi sống lâu hơn, như thế bán sẽ có giá hơn. Cô Tô thật sự đã là nơi “an cư, lạc nghiệp” rồi. Bà con trên đảo bảo nhau vừa làm ăn nhưng cũng không quên làm nhiệm vụ bảo vệ huyện đảo thân yêu.

Oà vỡ trong niềm mong chờ

18 giờ ngày 16-10-2013, bên bãi biển Hồng Vàn là thời khắc trọng đại nhất, trang sử mới của Cô Tô được mở khi điện lưới quốc gia chính thức được đóng trên Trạm cắt 22kV. Niềm vui vỡ oà trong sự hạnh phúc, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo nhiều người rơm rớm nước mắt trong vui mừng.

Bà Đặng Thị Gắng, 73 tuổi, thôn Nam Hà, xã Đồng Tiến nói: “Năm 1978 tôi ra đây sinh sống. Hơn 20 năm sau Nhà nước trang bị cho máy phát điện chạy bằng dầu diesel để dùng và gần 15 năm sau Nhà nước kéo điện lưới quốc gia cho bà con huyện đảo. Gần một năm nay hầu như ngày nào tôi cũng đi bộ ra bãi Hồng Vàn nhìn ra biển, chờ đợi ngày công nhân kéo cáp ngầm vượt biển ra đây”. Bà Gắng còn nói vui với chúng tôi: “Hôm nay điện lưới quốc gia đã được đóng ngay tại Trạm gần nhà, chúng tôi mừng hơn được cho cục vàng vì cho vàng ăn tiêu rồi sẽ hết, có điện lưới quốc gia còn cháu yên tâm học hành, lao động sản xuất phát triển, bàn tay ta làm nên tất cả, yên tâm bám đảo, bám biển, biển sẽ cho vàng.

Bắt chặt tay chúng tôi Bí thư Huyện uỷ Cô Tô Nguyễn Đức Thành xúc động cho biết: Hơn 50 năm trước Bác Hồ ra đảo Cô Tô, Bác nói “Thủ đô Hà Nội tuy xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”, hôm nay Đảng, Nhà nước, tỉnh và nhân dân cả nước chung tay góp sức đưa điện lưới ra huyện đảo. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện đảo xin hứa sẽ đoàn kết hơn nữa, cố gắng hơn nữa, tiến bộ hơn nữa để xây dựng Cô Tô ngày càng giàu mạnh, vững tay lưới, chắc tay súng bảo vệ vẹn toàn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Theo: Báo Quảng Ninh