Quản lý năng lượng

Các đô thị tắt đèn để tiết kiệm điện

Thứ hai, 5/6/2023 | 09:35 GMT+7
Đèn chiếu sáng, đèn trang trí của trụ sở các cơ quan quanh Hồ Gươm (Hà Nội), Nhà hát lớn Hải Phòng, hay cầu Rồng (Đà Nẵng) đều đang được tiết giảm tối đa.

Khu vực ngã tư Hàng Khay - Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài lúc 20h45 tối 1/6. Ảnh: Ngọc Thành

19h ngày 1/6, đèn đường các tuyến phố trung tâm Hà Nội bắt đầu bật, muộn hơn 30 phút so với thông thường. Toàn bộ hệ thống đèn trang trí, quảng cáo gắn trên cột đèn đường đều tắt. Một số tuyến như Lê Văn Lương tắt cả đèn đường, chỉ chiếu sáng ở các giao cắt. Các tuyến có 4 làn đèn như Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt tắt 1/3 số đèn từ đầu giờ tối và sau 23h tắt tiếp 1/3 số còn lại.

Khu vực xung quanh Hồ Gươm, cách khoảng 3-4 cột đèn sáng có một cột tắt. Hệ thống chiếu sáng vườn hoa, vỉa hè và quanh hồ tắt gần hết, chỉ đủ ánh sáng để đảm bảo an toàn, an ninh trật tự. Các công sở gần đó như Thành ủy, UBND thành phố chỉ bật đèn bảo vệ, tắt toàn bộ đèn trang trí. Trụ sở của EVN Hà Nội tối om, duy nhất khu vực trực của bộ phận đường dây nóng sáng đèn.

Theo UBND TP Hà Nội, hệ thống chiếu sáng công cộng của 12 quận và các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ của 17 huyện, thị xã có khoảng 230.000 bộ đèn, trong đó đèn led tiết kiệm điện chỉ chiếm hơn 11%. Tổng công suất điện năng của hệ thống chiếu sáng công cộng khoảng 30.000 kw/h.

Trong bối cảnh thiếu điện, từ cuối tháng 5 TP Hà Nội bắt đầu tiết giảm đèn chiếu sáng, đèn trang trí. Mục tiêu là giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng công cộng so với cùng kỳ; bật đèn muộn hơn 30 phút, tắt sớm 30 phút; giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trước 22h, sau 22h tắt toàn bộ. Đèn trong công viên, vườn hoa chỉ được vận hành không quá 50% công suất và cắt toàn bộ sau 23h.

Tương tự TP Hải Phòng cũng đang tiết giảm đèn chiếu sáng. Tối 1/6, khu vực nhà hát lớn thành phố bình thường buổi tối sáng trưng, nay chìm trong bóng tối. Bốn cột đèn pha công suất lớn ở phía quảng trường và toàn bộ đèn trang trí đều được tắt. "Việc tắt đèn ở nhà hát lớn diễn ra từ ba ngày trước, khi nắng nóng cao điểm", chị Phan Hằng, nhà cách đó 300 m, cho biết.

Trụ sở UBND TP Hải Phòng, Bưu điện trung tâm, Bảo tàng, cầu Hoàng Văn Thụ bình thường được chiếu sáng bằng đèn trang trí từ 18h45 đến 22h30, nhưng ba ngày nay tắt toàn bộ. Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Điện chiếu sáng Hải Phòng, việc cắt điện trang trí tạm thời trong cao điểm nắng nóng để tiết kiệm điện. Ngoài ra, một số tuyến đường cũng sẽ cắt đèn chiếu sáng từ 22h30 để thực hiện mục tiêu tiết kiệm 30-50% điện.

Khu vực nhà hát lớn TP Hải Phòng cắt điện vào tối 1/6. Ảnh: Lê Tân

Tại Quảng Ninh, Ban Quản lý dịch vụ công ích đã cắt giảm luân phiên đèn chiếu sáng ở một số tuyến đường, cài đặt lại giờ bật đèn cho phù hợp với mùa hè. Các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư đã giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời.

Ông Lê Trọng Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm Yên Tử, cho biết doanh nghiệp đã giảm 1/2 hệ thống đèn chiếu sáng công cộng, sử dụng loại cảm ứng, chỉ bật khi có người. Khách du lịch được khuyến cáo bật điều hòa phòng nghỉ từ 26 độ C trở lên. "Tiền có được từ việc tiết kiệm điện sẽ dùng để thưởng cho nhân viên nên ai cũng có ý thức", ông Thanh nói.

Từ cuối tháng 5, Chủ tịch TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã yêu cầu tắt 100% điện chiếu sáng trang trí, quảng cáo từ 20h. Cùng khung giờ này, các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời. Mục tiêu là tiết kiệm tối thiểu 30% tổng điện năng tiêu thụ trong chiếu sáng công cộng.

Việc phải chấp nhận tắt điện trang trí dù thành phố đang vào mùa cao điểm du lịch và Lễ hội pháo hoa quốc tế là do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng bất thường, phụ tải trên địa bàn ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5 tăng cao. Sản lượng trung bình ngày đạt hơn 9,3 triệu kWh, sản lượng cực đại đạt hơn 10,6 triệu kWh (tăng hơn 17,5% so với cùng kỳ năm 2022).

Theo ghi nhận của VnExpress tối 1/6, hầu hết khách sạn, nhà hàng, tổ hợp văn phòng, tòa nhà chung cư ven sông Hàn đã tắt tối đa điện chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời. Cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu quay sông Hàn và cầu Thuận Phước cũng tắt toàn bộ điện trang trí từ 22h.

Chị Trần Thị Bê, Giám đốc khách sạn Pariat trên đường Bạch Đằng, quận Hải Châu, cho biết trước khi thành phố có chủ trương trên, hai tháng qua khách sạn đã có phương án tiết kiệm điện. "Chúng tôi đã thay toàn bộ bóng đèn thường bằng đèn led, các khung giờ cao điểm thì cài đặt sẵn thông báo để nhắc nhân viên tắt tất cả thiết bị điện không cần thiết như bóng đèn. Nhân viên muốn đi thang máy thì phải chờ nhau để đi cùng lượt...", chị Bê nói.

Giờ cao điểm buổi tối, khách sạn chỉ bật một đèn quảng cáo thay vì ba đèn như trước. Các khu vực sảnh check-in, nhà ăn đã bật điều hòa từ trước cũng được tắt đi, khép cửa kín để giữ mát. Đèn trang trí bên ngoài cũng chỉ để một vài khu vực cần thiết để đảm bảo ánh sáng chung ven sông Hàn của thành phố. Chị Bê cho biết, nhờ chủ động phương án tiết kiệm điện nên tháng 5 khách sạn chỉ phải trả hơn 60 triệu đồng, tiết kiệm gần 40 triệu đồng tiền điện so với các tháng trước.


Đường Bạch Đằng sau khi các khách sạn, toà nhà tắt điện trang trí tối 1/6. Ảnh: Nguyễn Đông

Theo dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (từ tháng 5 đến 7) sẽ rất khó khăn. Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 1.600-4.900 MW. Nguyên nhân hạn hán, thiếu nước kéo dài làm lưu lượng nước về các hồ thủy điện giảm. Công suất và sản lượng các nhà máy điện gió suy giảm sâu do gió kém.

Trong khi đó phụ tải toàn hệ thống điện quốc gia ngày 19/5 là gần 924 triệu kWh, mức cao nhất từ đầu năm và tăng 10,5% so với cùng kỳ. Công suất tiêu thụ cực đại đạt 44.600 MW, cao nhất lịch sử và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Vì thế Bộ Công Thương đề nghị các bộ, ngành sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về tiết kiệm điện.

Link gốc

 

Theo: VnExpress