Nặng gánh trách nhiệm
Năng lượng và vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng luôn là vấn đề cấp bách đặt ra với bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ nào trên thế giới. Ở Việt Nam, xác định rõ tầm quan trọng của vấn đề này, để hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Chính trị thông qua và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007 đã khẳng định: Phát triển thị trường năng lượng là phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội đất nước, đảm bảo đi trước một bước với tốc độ cao, bền vững, đồng bộ... Quán triệt tinh thần đó, ngành điện đã hoàn thành việc lập Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21/7/2011. Theo đó, mục tiêu đặt ra cho ngành điện năm 2020 là phải: Cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu đạt khoảng 330-362 tỉ kWh. Nếu đạt được mục tiêu này, chỉ tiêu tiêu thụ điện của Việt Nam năm 2020 sẽ đạt trên 3.000kWh/đầu người và đây là mục tiêu kiên quyết, nền tảng để nước ta trở thành nước công nghiệp.
Ngoài ra, theo Đề án “Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020”, ngành điện tiếp tục được xác định là lực lượng tiên phong, nòng cốt, “đi trước một bước”, xây dựng hạ tầng xã hội để tạo nền tảng cho các hoạt động kinh tế - xã hội các xã vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo phát triển. Đây là trọng trách hết sức lớn lao mà Đảng, Chính phủ giao phó cho ngành điện triển khai thực hiện.
Lắp đặt công-tơ cho các hộ dân trên đảo Phú Quốc
Trên tinh thần đó, trong những năm qua, hàng chục, hàng trăm dự án cấp điện đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo đã được ngành điện triển khai thực hiện. Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn (giai đoạn 1998-2013) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 15 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn về vốn nhưng EVN vẫn dành tới gần 50.000 tỉ đồng để triển khai các dự án điện theo Chương trình điện khí hóa nông thôn. Và theo đánh giá của Bộ Công Thương, thông qua các dự án này, chất lượng hệ thống lưới điện đã được cải thiện đáng kể, góp phần không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, xóa đói giảm nghèo... ở khu vực nông thôn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tại Hội nghị tổng kết 15 năm chương trình điện khí hóa nông thôn đã nhấn mạnh rằng: Điện khí hóa nông thôn đã phát triển vượt bậc, đặc biệt trong 15 năm gần đây. Tính đến năm 2013, nông thôn có điện hơn 97%, đây là thành tựu to lớn được quốc tế và nhà tài trợ đánh giá cao, góp phần phát triển đất nước, xóa đói giảm nghèo. Cụ thể: Giá trị sản xuất nông nghiệp từ năm 1998 đến 2013 đã tăng 6,6 lần; công nghiệp chế biến tăng 3,5 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng 8 lần…
Nói như vậy để thấy rằng, trách nhiệm đặt lên vai ngành điện trong những năm qua là hết sức to lớn, nó không chỉ đơn thuần là câu chuyện cung ứng điện cho hoạt động sản xuất - kinh doanh mà nó còn là sự mở đường, là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Ngành điện đang cố gắng làm tất cả để “điện đi trước một bước” và thực tế, ngành điện cũng đã góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo tại nhiều địa phương khi mà lưới điện quốc gia đi tới đâu, đời sống của người dân được nâng cao tới đó. Thống kê của Công ty Điện lực Lai Châu cho thấy, sau khi chia tách và thành lập, số xã có điện trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 40%, còn số hộ sử dụng điện cũng chỉ đạt 30%. Nhưng từ sau khi có Nghị quyết 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, EVN được giao hỗ trợ cho 3 huyện là Phong Thổ, Than Uyên và Tân Uyên. Sau hơn 4 năm triển khai (từ năm 2009 đến nay), hàng ngàn km đường dây, hàng trăm trạm biến áp lớn nhỏ và hơn 20.000 công tơ điện đã được EVN đầu tư...
Tại các bản làng có lưới điện quốc gia, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc Lai Châu được nâng cao rõ rệt. Nhiều địa phương, người dân sử dụng điện lưới để phát triển kinh tế gia đình như: mở cơ sở sản xuất cơ khí, chế biến nông sản, cửa hàng điện tử, điện lạnh... Không những thế, điện lưới quốc gia còn giúp bà con nông dân có điều kiện phát huy tiềm năng đất đai trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nhất là thúc đẩy nhanh việc góp đất với các công ty cao su triển khai thành công dự án trồng cây cao su đại điền tại các huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn, Than Uyên và chuẩn bị tiếp cận với công nghiệp hóa khi đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến mủ cao su.
Được biết, bên cạnh các dự án kéo điện về các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi, EVN còn triển khai nhiều dự án đưa điện ra các xã, huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Có thể kể đến: Dự án đưa điện lưới ra đảo Cô Tô với tổng mức đầu tư gần 1.106 tỉ đồng; Dự án cấp điện cho huyện đảo Phú Quốc có tổng vốn đầu tư gần 2.339 tỉ đồng; Dự án cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm với tổng mức đầu tư 652 tỉ đồng... Đây đều là những dự án trọng điểm quốc gia, được đánh giá là có ý nghĩa hết sức to lớn không chỉ về mặt kinh tế - xã hội, là động lực thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xóa đói giảm nghèo... mà cả về quốc phòng an ninh.
Thi công lưới điện trên đảo Lý Sơn
Những đóng góp mà ngành điện đã làm được trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước như vậy là hết sức rõ ràng và theo ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN, để đạt được những kết quả trên, ngành điện đã phải nỗ lực, hy sinh rất nhiều. Chẳng hạn như chuyện đưa điện ra đảo chẳng hạn, đây đều là những dự án đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, trong khi đó, tiền thu về lại rất ít, có khi là vài triệu đồng/tháng và chỉ đủ trả lương cho công nhân. Thử hình dung khi đầu tư hệ thống lưới điện ra đảo Phú Quốc, EVN đã phải bỏ ra hơn 1.000 tỉ đồng, nhưng khi đi vào vận hành, số tiền mà EVN thu được hằng tháng chỉ vài triệu đồng, nghĩa là phải 60, 70 năm sau EVN mới thu đủ gốc. Và nếu tính cả chi phí vận hành, chi phí sửa chữa… thì chắc chắn, thời gian thu hồi gốc có khi là cả thế kỷ.
Qua đó để thấy rằng, trong suốt thời gian qua, mặc dù được xác định là hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và cũng được Chính phủ giao chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh cụ thể từng năm nhưng hoạt động của ngành điện, mà cụ thể là EVN hiện vẫn nặng về công ích, trách nhiệm xã hội, phi lợi nhuận.
Nan giải bài toán lợi ích
Như đã đề cập ở trên, mục tiêu cung ứng điện cho nền kinh tế mà Đảng, Chính phủ đặt ra cho ngành điện là hết sức to lớn, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) khi đề cập tới câu chuyện này đã khẳng định, đây thực sự là một thách thức lớn đối với ngành điện, đặc biệt là vấn đề về vốn. Cụ thể, để thực hiện được những mục tiêu trong Quy hoạch điện VII, tổng nhu cầu vốn cho ngành điện sẽ lên tới 120 tỉ USD, khoảng 5-6 tỉ USD/năm và đây là một con số quá lớn so với khả năng tích lũy khiêm tốn của ngành điện.
Theo ông Ngãi, những năm gần đây, đặc biệt là năm 2010-2011 do nắng nóng kéo dài, chủ yếu là khu vực miền Nam làm cho khu vực này bị thiếu điện nghiêm trọng. Một số các nhà máy điện ở miền Nam phải chạy bằng dầu, giá 1kWh điện chạy dầu lên tới 4.000-5.000 đồng/kWh. Do đó, EVN đã bị lỗ tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Đáng nói hơn, EVN còn lỗ do phải vay hàng tỉ USD để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống điện nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên toàn quốc - đây đều là những dự án phi lợi nhuận, cộng với hàng chục tỉ USD vay trước đây với tỉ giá thấp, nhưng nay, tỉ giá đã tăng cao... Bên cạnh đó, giá điện của Việt Nam hiện ở mức 7 cent/kWh là quá thấp, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như: Campuchia giá điện tới 30 cent/kWh, Singapore 10 cent/kWh, các nước khác trên thế giới bình quân có giá từ 10 cent/kWh trở lên... cũng khiến khả năng tích lũy của ngành điện cũng hạn chế.
Giá điện của nước ta còn thấp, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực là một thực tế. Và chính điều này, theo nhận định của các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra tại Hội thảo “Tiết kiệm năng lượng - Vấn đề cấp bách” là nguyên nhân dẫn tới sự ích kỷ của người tiêu dùng điện. Họ đã quen được dùng điện giá rẻ một cách thoải mái mà chẳng cần phải suy nghĩ đến chuyện tiết kiệm, chuyện giảm chi phí nên đã có những phản ứng hết sức thái quá, bằng cách lý sự cùn… mỗi dịp có thông tin giá điện tăng. Cũng chính vì cái lý sự cùn đó và nhiều khi cũng là vì lợi ích chung của nền kinh tế, ngành điện vẫn cứ phải “căng mình” thực hiện các dự án phát triển lưới điện, cả ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo, nhưng lợi nhuận tích lũy có được là bao và có khi vì thế mà thua lỗ. Thậm chí, trong giai đoạn 2010-2013, khi EVN phải thực hiện điều chỉnh giá điện theo chỉ đạo của Chính phủ thì lợi nhuận của Tập đoàn là bằng 0%.
6 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Sơn La
Còn nhớ hồi cuối tháng 6/2013, giữa lúc nền kinh tế còn trong giai đoạn khó khăn, trước thông tin tăng giá điện từ 1/7/2013, gây phản ứng trong xã hội, ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc EVN đã phải lên tiếng bác bỏ thông tin này và khẳng định, bài toán lợi nhuận không phải là vấn đề trước mắt của EVN.
Không khó khăn về vốn, ngành điện hiện cũng đang phải đối diện với tình trạng “chảy máu chất xám”. Ông Khương Thế Anh - Phó giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La khi trao đổi về vấn đề này cho hay, ngành điện là một ngành kinh tế đặc biệt, toàn bộ hệ thống đều là công nghệ hiện đại, với kỹ thuật cao đòi hỏi được vận hành bởi những cán bộ có năng lực, trình độ. Chính vì vậy, tại nhiều đơn vị của ngành điện - đặc biệt trong lĩnh vực thủy điện, nhiều cán bộ kỹ thuật có tay nghề, trình độ chuyên môn tốt đã được các công ty bên ngoài chèo kéo với mức lương lên tới cả trăm triệu đồng/tháng. Trong khi đó, vẫn ở vị trí như vậy, nếu làm cho một đơn vị của EVN, mức lương chỉ trên dưới 10 triệu đồng/tháng - một con số hết sức khiêm tốn.
Thách thức đặt ra cho ngành điện như vậy là không hề nhỏ và theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, mấu chốt của vấn đề của ngành điện là giá và cơ chế quản lý. Ông Phong phân tích, trong nền kinh tế thị trường, giá thành sản phẩm cần sẽ được xác định trên các khoản chi phí đầu vào, cộng với khoản lợi nhuận đảm bảo tỉ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư và đây là nguyên tắc bắt buộc, kiên quyết để bất kỳ một ngành, một lĩnh vực nào cũng phải thực hiện nếu muốn tiếp tục đầu tư, phát triển.
Đó là bài toán đơn giản nhất đối với bất kỳ người làm kinh doanh nào, nhưng với EVN thì lại khác, nó lại là cả một câu chuyện dài đầy phức tạp, với vô vàn những mối lợi ích đan xen. Giá điện của Việt Nam hiện đang quá thấp là một thực tế và việc phải được điều chỉnh tăng theo cơ chế giá thị trường cũng là điều bắt buộc, là điều hiển nhiên nhưng vì vấn đề lợi ích của nền kinh tế, của cộng đồng, nó đã không được điều chỉnh ở mức phù hợp. Điện đúng là nguyên liệu đầu vào của hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế và mọi sự biến động về giá điện sẽ kéo theo một loạt sự điều chỉnh giá của các mặt hàng khác. Và điều này đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định trong một cuộc trả lời báo chí gần đây rằng, lẽ ra giá điện đã phải tăng nhưng vì lợi ích chung của nền kinh tế nên đã không được điều chỉnh.
Cái khó mà ngành điện đang phải đối diện là vậy, thiếu vốn, cần vốn nhưng không thể tăng giá điện. Thiếu vốn, khó khăn về vốn nhưng vẫn phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để đầu tư các dự án đưa điện đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo - đây đều là những dự án phi lợi nhuận, thậm chí đầu tư chỉ có thua lỗ... Và để tháo gỡ vấn đề này, chúng ta cần tách bạch giữa nhiệm vụ chính trị, công ích với nhiệm vụ kinh doanh. Nếu đã là kinh doanh thì phải kiên định theo giá thị trường. Tuy nhiên, để làm được điều này, ngành điện phải đảm bảo được tính công khai, minh bạch trong cách tính giá điện. Ngoài ra, các dự án đưa điện đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo… cũng phải được xem là nhiệm vụ công ích, phi lợi nhuận, cần tách bạch với hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận của Tập đoàn.
Trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được Đảng, Chính phủ xác định là lực lượng vật chất quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Vai trò tiên phong, nòng cốt, đi đầu thu hút đầu tư tại các vùng, miền trên khắp mọi miền đất nước là hết sức rõ ràng, tuy nhiên, để hoàn thành sứ mệnh đó, những người “lính tiên phong” này đã phải vượt qua không ít vướng mắc, khó khăn!