Sự kiện

Đưa điện lưới quốc gia ra xã đảo Thạnh An

Thứ hai, 24/11/2014 | 12:35 GMT+7
Là một trong 7 xã, thị trấn của huyện Cần Giờ, Thạnh An là xã nghèo duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh được bao bọc hoàn toàn bằng các sông và cửa biển Cần Giờ. Mỗi ngày xã chỉ có 6 chuyến tàu ra vào đất liền. Với địa hình hết sức khó khăn này, tại hai ấp của trung tâm xã là Thạnh Hòa và Thạnh Bình, người dân đang dùng điện của Trạm phát điện diesel và trạm này cũng chỉ cung cấp được 18 giờ/ngày đêm. Riêng ấp xa nhất là Thiềng Liềng sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời công suất khoảng 2kW. Vì vậy, nguồn điện hiện tại mới đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân xã đảo.
 


Công nhân Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh vận hành các tổ máy phát điện Diesele cấp điện cho các hộ dân xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Ảnh: Ngọc Hà

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Bí thư-Chủ tịch xã Thạnh An mong muốn, nếu thay thế nguồn điện diesel bằng lưới điện quốc gia, không chỉ Thạnh An, mà xã đảo nào cũng vậy, chắc chắn cuộc sống sẽ thay đổi, điều kiện sống của người dân ngày càng nâng lên, đời sống tinh thần cũng thay đổi theo. “ Có nguồn điện ổn định, người dân mới an tâm đầu tư các trang thiết bị điện chứ”, ông Tuấn bày tỏ.

Mong muốn này không chỉ đối với người đứng đầu xã mà còn là niềm mong ước của hàng ngàn hộ dân nơi đây. Chị Nguyễn Thị Hoa ở ấp Thạnh Hòa tâm sự: nhà chị thuộc diện hộ nghèo, nhà toàn đi làm mướn nên mỗi tháng chỉ dùng khoảng 100.000 tiền điện; trong đó, được Nhà nước hỗ trợ 30.000 đồng và cũng chỉ dám dùng điện chạy quạt, ti vi.

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Duyên Hải (Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Thanh Phương cho biết, xã Thạnh An hiện có 894 hộ ký hợp đồng mua điện trực tiếp với Công ty; trong đó 90% là điện dùng cho sinh hoạt với sản lượng điện bình quân từ 1,4-1,5 triệu kWh/tháng. Nhưng để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện với bán kính phụ tải dài gần 1km của xã đảo cần phải có nguồn điện 22kV.

Có điện từ năm 2011, suất đầu tư điện tại xã Thạnh An khoảng 70 triệu đồng/hộ, nhưng cũng chỉ dùng để thắp sáng và cắm nồi cơm điện. Mặc dù giá điện sinh hoạt theo quy định của Nhà nước nhưng giá thành sản xuất điện tại đây vào thời điểm khi có điện bình quân khoảng 7.000 đồng/kWh, gấp 5 lần giá thành phân phối điện chung của Tổng Công ty; trong đó, cấu thành chủ yếu là chi phí nhiên liệu, chiếm 82,2%.

Bên cạnh đó, giá nhiên liệu luôn có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây (21%/năm) và chiếm tỷ trọng cao trong khi giá bán điện tăng chậm, nhất là ở bậc 1 gần như không tăng và luôn thấp hơn giá thành là nguyên nhân chính gây lỗ khi phát điện diesel. Riêng năm 2011 giá bán điện bình quân xã đảo đạt 1.181,9 đ/kWh, thấp hơn giá thành đến 5.519,9 đ/kWh, gây lỗ 6,8 tỷ đồng. Từ đó đến nay, lỗ tăng bình quân 36%/năm, tức tăng lỗ gần 2 tỷ đồng/năm.
        
Theo Văn bản số 98/CV-UBND ngày 16/8/2012 của UBND xã Thạnh An, từ năm 2015, sẽ có một bộ phận dân cư di dời vào đất liền. Sau khi di dời, xã sẽ sắp xếp lại dân cư, mở rộng diện tích, đầu tư hạ tầng phát triển du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Do vậy, dự kiến phụ tải phát điện của xã đảo đến năm 2015 là 350,6 kW, giai đoạn đến năm 2020 là 611,8 kW. Lãnh đạo xã nhận định, nếu có nguồn điện ổn định, công suất lớn thì mức tiêu thụ điện sẽ tăng nhanh hơn mức này do người dân sắm thêm các thiết bị tiêu thụ điện và sản xuất nước đá để kinh doanh thủy hải sản.

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh cho biết, xuất phát từ yêu cầu này, Tổng Công ty đã quyết định đầu tư xây dựng mới tuyến cáp ngầm vượt biển 22kV, tổng mức đầu tư gần 167,3 tỷ đồng sử dụng vốn vay của WB, cung cấp cho xã đảo Thạnh An. Dự án không chỉ cung cấp nguồn điện ổn định và chất lượng phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn mà còn cải tạo lưới điện trên xã, giảm tổn thất lưới điện, cũng như giảm chi phí bù lỗ trong cung cấp điện trên địa bàn xã hiện nay.

Cũng theo ông Bảo, so với các dự án cáp ngầm khác, tuyến cáp ngầm này nằm trên cửa sông có mật độ tàu đi vào cảng Sài Gòn lớn nên trong quá trình thi công phát sinh phải cảnh giới tàu thủy, do vậy việc điều hành tàu ra vào cảng phải rất nhịp nhàng. Bên cạnh đó, nằm ở cửa sông, hàng năm phải nạo vét luồng lạch từ 2-3m, nên cáp ngầm cũng phải đặt sâu hơn, mặc dù tuyến cáp không dài (khoảng 6km), chỉ bằng 1/3 so với tuyến cáp ngầm ra đảo Lý Sơn. Dự án tuyến cáp ngầm 22kV ra xã đảo Thạnh An đang trong giai đoạn chọn nhà thầu chuyên nghiệp. “Nếu ký được hợp đồng trong tháng 12 tới thì Tổng Công ty sẽ tiến hành khởi công luôn để hoàn thành cuối tháng 4 năm sau”, ông Bảo cho biết.     


128 hộ dân trên đảo được ở trong những ngôi nhà mới khang trang nhờ  khoản tiền 5 tỷ hỗ trợ từ Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Ngọc Hà

Đề cập đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn sau khi có điện lưới quốc gia, Chủ tịch xã Thạnh An cho biết xã sẽ hình thành tổ hợp tác muối và thành lập thêm 2 cơ sở chế biến hải sản, sau đó sẽ hình thành tổ hợp tác chế biến hào. Chị Hoàng Thị Yến ở ấp Thạnh Hòa cũng mong muốn khi có điện lưới quốc gia ổn định sẽ liên kết thành nhóm để thành lập hợp tác xã cùng sản xuất mắm; trong đó, mỗi nhà làm một khâu.

Huyện Cần Giờ đang phối hợp với Xí nghiệp may 30/4 xây dựng một tổ hợp may ở trung tâm xã Thạnh An với diện tích 1.500m2 và giải quyết nhu cầu lao động cho xã. Bên cạnh đó, xã còn thành lập cơ sở sản xuất nước đá (hiện phải lấy từ huyện Cần Giờ và từ Đồng Nai về) để đáp ứng nhu cầu dự trữ đá phục vụ đánh bắt hải sản. Đồng thời phát triển du lịch sông, hình thành làng nghề và các cơ sở chế biến sản phẩm đặc trưng của xã… Như vậy, sau khi có điện lưới quốc gia, xã đảo Thạnh An sẽ chỉ tập trung vào 3 ngành mũi nhọn là đánh bắt, nuôi trồng và đổi mới mô hình làm muối sạch ở ấp Thiềng Liềng từ truyền thống sang trải bạt cho sản lượng nhiều hơn, giá thành cao hơn. Ông Huỳnh Anh Tuấn khẳng định./.
 
Mai Phương