Đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Công tác Thông tinTư tưởng tỉnh uỷ Khánh Hoà trao giải khuyến khích cho các thí sinh
Tại vòng chung kết Hội thi (do Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp tỉnh Khánh Hoà tổ chức) có 17 thí sinh, trong đó có 6 nam và 11 nữ. Phần lớn thí sinh thuộc thế hệ “7X” và “8X”. Mặc dù chỉ đạt giải Khuyến khích song đó là cả một sự cố gắng của bản thân tôi, một nữ thí sinh thế hệ “6X” lớn tuổi nhất Hội thi. Tôi vui mừng và có phần tự hào vì đã hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Nhưng điều đáng trân trọng hơn là qua Hội thi này, tôi cảm nhận được những điều mà nếu không tham gia Hội thi sẽ không thể có được.
Được Đảng bộ Công ty giao tham dự Hội thi, ban đầu tôi rất bối rối, vì thấy khó quá, yêu cầu rất cao so với vốn kiến thức và trình độ lý luận chính trị của bản thân. Nhưng đó là nhiệm vụ cấp trên giao phó nên tôi chấp hành và nỗ lực hết mình. Là Hội thi kể chuyện về Bác nên câu chuyện các thí sinh tâm đắc chọn để kể thì rất dễ thuộc, dễ nhập tâm, chỉ còn phụ thuộc giọng kể truyền cảm hay không mà thôi. Vấn đề khó khăn nhất phải đối mặt là nắm được 25 câu hỏi của Ban tuyên giáo Trung ương soạn thảo để trả lời câu hỏi của ban giám khảo. Là cán bộ công đoàn nên vào dịp cuối năm, công việc chuyên môn nhiều, lại thêm việc kiểm tra chấm điểm tổng kết phong trào thi đua. Suốt một tháng ròng, cứ đến tối, khi đi công tác, lúc ngồi trên xe hay khi về đến nơi nghỉ, tôi đều tranh thủ ôn tập. Quả thật, cái ngưỡng tuổi 50 học sao "chậm vào" đến vậy! Nỗ lực hết sức, dù vất vả và khi kiến thức đã nhập tâm, tôi thực sự cảm nhận được cái hay, cái giá trị tuyệt vời của việc học tập này. Tôi cũng đã tìm đọc đúng 79 câu chuyện kể về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về cuộc sống, mối quan hệ đa dạng, phong phú và những lời dạy chí tình của Bác. Cuối cùng, tôi đã chọn câu chuyện kể "Bác Hồ tăng gia rau cải" để kể trong Hội thi, bởi trong câu chuyện ấy, tôi cảm nhận được hình ảnh Bác, một con người miệng nói, tay làm, gương mẫu đi đầu trong phong trào thi đua ái quốc và tăng gia sản xuất và luôn nêu cao tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.
Năm 1952, hưởng ứng tích cực cuộc vận động toàn dân tăng gia sản xuất của Chính phủ, tại Tuyên Quang, cơ quan Phủ Chủ tịch đã cử Bác đại diện cá nhân thi đua với Văn phòng Trung ương Đảng. Bên Văn phòng Trung ương Đảng cử đồng chí Thông là đại diện cá nhân thi đua với cơ quan Phủ Chủ tịch. Trong buổi lễ phát động thi đua, Bác đã đứng lên nhận thách thức thi đua tăng gia với đồng chí Thông. Mọi người tham dự đều ái ngại: "Bác tuổi đã cao, sức yếu, lại bận nhiều công việc, “địch” sao được với đồng chí Thông trẻ, khỏe như voi, trồng rau đã quen". Vậy mà kết thúc cuộc thi Bác đã chiến thắng. Bác muốn chỉ cho mọi người biết làm việc gì cũng phải tận tâm, cần cù, chăm chỉ, lao động có kế hoạch và sáng tạo sẽ cho năng suất cao. Đồng thời làm việc gì cũng phải nắm kỹ phương phâm: Tích tiểu thành đại, lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, trăm trận trăm thắng.
Qua câu chuyện kể "Bác Hồ tăng gia rau cải" và nhiều những câu chuyện kể khác về Bác, tôi đã hiểu sâu sắc hơn con người, cuộc đời và sự nghiêp cách mạng của Người. Tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" và bản di chúc thiêng liêng với những lời dạy cuối cùng của Bác, lâu nay tôi và các đồng chí Đảng viên nói chung đều được học tập, quán triệt. Nhưng có lẽ lần thi này đã thực sự giúp tôi thấy được cái hay, và giá trị bất hủ của nó. Những lời cảnh báo của Bác liên quan đến nguy cơ của Đảng cầm quyền thật thấm thía, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều lần, Đảng và Nhà nước ta đã vạch ra những mặt đã làm được và hạn chế trong thời kỳ đổi mới. Đảng ta cũng thẳng thắn chỉ ra thực trạng và mức độ suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên...
Bác Hồ đã ví đạo đức như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông suối. Người viết: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Đạo đức là giá trị cao quý nhất của mỗi con người, là một bộ phận quan trọng của nền tảng tinh thần xã hội. Người có đạo đức là người thành đạt. Gia đình có đạo đức là gia đình hạnh phúc. Xã hội có đạo đức là xã hội bền vững, phát triển. Nếu một xã hội bị khủng hoảng về đạo đức, sự "lệch chuẩn, loạn chuẩn"... là một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội...
Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" là một chủ trương lớn của Đảng, vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Mục tiêu của cuộc vận động rất cao cả, là làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức trong toàn xã hội.
Với những gì gặt hái và cảm nhận được từ Hội thi, tôi thiết nghĩ các chi bộ, đảng bộ nên tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập, trả lời vấn đáp 25 câu hỏi mà TW Đảng đã soạn thảo. Nếu làm được việc đó, các cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ hiểu một cách sâu sắc hơn tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nắm được quy luật của cách mạng Việt Nam. Còn mức độ làm theo tuỳ thuộc vào mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi tập thể, toàn xã hội và sự gương mẫu của các cán bộ, đảng viên. Nhưng tôi tin chắc rằng, với di sản đạo đức cao đẹp và nhân văn mà Bác Hồ đã để lại, mỗi người dân Việt Nam, tuỳ hoàn cảnh và chừng mực, đều có sự suy ngẫm và điều chỉnh theo chiều hướng tốt hành vi của mình trong cuộc sống, trong công tác và trong mối quan hệ giữa con người với con người. Từ đó, tình trạng suy thoái đạo đức sẽ bi đẩy lùi, những nền đạo đức xã hội với những giá trị tốt đẹp sẽ được bảo vệ, được nhân lên.