Trong bối cảnh tiến độ triển khai 8 trong 10 công nghệ giảm khí thải CO2 và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng đang trì trệ trên toàn cầu, IEA kêu gọi các nước tăng nguồn tài lực để hỗ trợ công nghệ thu thập và lưu giữ khí thải cácbon (CCS) gây hiệu ứng nhà kính và tăng cường nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng để có thể đáp ứng mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái Đất tăng không quá 2 độ C vào năm 2050.
IEA cho rằng việc tiếp tục phụ thuộc nặng nề vào một số ít công nghệ giảm khí thải cũng như vào nguồn nhiên liệu hóa thạch đã và đang đe dọa nghiêm trọng an ninh năng lượng, môi trường, tăng trưởng kinh tế ổn định và thịnh vượng toàn cầu.
Công nghệ thu thập và lưu giữ CO2 có thể làm giảm 20% lượng khí thải cần giảm vào năm 2050, cho phép các ngành công nghiệp thải nhiều khí thải như luyện kim, chế biến khí đốt… có thể đáp ứng mục tiêu cắt giảm khí thải lớn.
Tuy nhiên, nghiên cứu của IEA nhấn mạnh mặc dù công nghệ có thể chuyển đổi công nghiệp năng lượng và có thể mang lại lợi ích kinh tế lớn nhưng điều quan trọng hơn là chính sách của các chính phủ.
Tổng Giám đốc IEA, Maria van der Hoeven, khẳng định thế giới đang đứng trước “cơ hội vàng.” Bà cho rằng thúc đẩy các chính sách đúng, thế giới vừa phát huy được tiềm năng khổng lồ của công nghệ giảm khí thải vừa tăng cường được an ninh năng lượng.
Cuộc cách mạng công nghệ không rẻ nhưng lợi ích lâu dài từ cuộc cách mạng này lớn hơn rất nhiều so với nguồn đầu tư ban đầu. Đầu tư 36.000 tỷ USD để thúc đẩy chuyển đổi hệ thống năng lượng hiện nay vào giữa thế kỷ này sẽ tiết kiệm được 100 tỷ USD do giảm sử dụng nguồn nhiên liệu hoá thạch. Tuy nhiên, công nghệ và nhiên liệu ít thải khí gây hiệu ứng nhà kính phụ thuộc vào thay đổi cơ sở hạ tầng năng lượng ngay từ thời điểm hiện nay.
ST