Tin thế giới

Năng lượng mặt trời: Cạnh tranh khốc liệt giữa Đức và Trung Quốc

Thứ hai, 11/6/2012 | 14:25 GMT+7
Đức vốn tự hào là một trong những quốc gia tiên phong và dành nhiều ưu đãi, trợ cấp để phát triển công nghiệp năng lượng mặt trời. Nhưng sau đó, người Trung Quốc đã vào cuộc và bắt đầu làm cho những tấm pin mặt trời rẻ đi nhiều.


 
Bây giờ, sau khi sản xuất đã dư thừa, các công ty năng lượng mặt trời ở hai nước lại đang lao vào một cuộc chiến cạnh tranh mang tính sống còn.

Nếu như người Đức đã tạo ra thị trường pin năng lượng mặt trời thì nay người Trung Quốc đang chiếm lĩnh và tìm cách “hất” người Đức ra khỏi thị trường mà họ tạo ra.

Michael Zhu là Phó chủ tịch của Công ty Năng lượng Suntech, một công ty năng lượng mặt trời của Trung Quốc, hàng năm sản xuất ra tới 10 triệu tấm pin mặt trời. Không có công ty năng lượng mặt trời nào trên thế giới sản xuất nhiều hơn con số đó và không có quốc gia nào mua nhiều pin mặt trời hơn Đức. Gần 1/3 module năng lượng mặt trời của Suntech được bán cho Đức.

Trong khi đó, Reiner Beutel, Giám đốc điều hành của Công ty sản xuất pin mặt trời Sovello của Đức nói rằng, ông không dễ dàng thừa nhận thất bại. “Chúng tôi sẽ bán pin mặt trời với giá rẻ hơn của Trung Quốc”.

Hai lục địa và hai hệ thống kinh tế

Beutel gõ nhẹ vào khung nhôm và đọc dòng chữ: “Made in German” (sản xuất tại Đức). Beutel muốn “cứu” những tấm pin mặt trời Đức. Mặc dù đang đang đánh một trận chiến khó khăn nhưng ông vẫn tin rằng ông có cơ hội. Và mặc dù, tháng 5 vừa qua, Sovello của ông đã đệ đơn phá sản nhưng ông vẫn hy vọng sẽ tìm được những nhà đầu tư mới, với những điều khoản thuận lợi hơn trong thủ tục tố tụng phá sản để chuẩn bị đổ tiền vào ngành công nghiệp tương lai này.

Beutel đang tham gia vào một cuộc chiến diễn ra giữa hai châu lục và hai hệ thống kinh tế. Ở Trung Quốc, chính phủ kiểm soát nền kinh tế, định hướng và hỗ trợ cho các công ty tư nhân, bao gồm cả Suntech. Những đối thủ của Suntech – các nhà sản xuất pin mặt trời của Đức nghi ngờ rằng các công ty như Suntech chỉ có thể phát triển mạnh mẽ như vậy với sự hỗ trợ to lớn từ chính phủ và rằng Trung Quốc đang cung cấp cho các công ty năng lượng mặt trời của mình các khoản vay giá rẻ.

Trong một nghĩa nào đó, đây là cuộc chiến giữa chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc với chủ nghĩa tư bản thị trường của Đức. Nhưng đó không phải thị trường thật sự cho những tấm module mặt trời của Đức. Thay vào đó, thị trường được tạo ra bởi các chính trị gia từ năm 2000 với Đạo luật năng lượng tái tạo (EEG) với lời hứa tạo ra hàng chục nghìn “công việc xanh” và bây giờ hướng đến dành đến một nửa trong số 14 tỉ euro (17,6 tỉ USD) của quỹ tài trợ hàng năm cho công nghiệp năng lượng mặt trời.

Người dân Đức không mua tất cả những tấm pin mặt trời bởi vì mặt trời chiếu sáng thường xuyên trên đất nước của họ. Họ mua chúng bởi vì họ nhận được các khoản trợ cấp được gọi là giá cả ưu đãi khi mua điện trong 20 năm. Nhà nước đã đảm bảo cho tất cả các nhà sản xuất điện mặt trời có thể bán điện với giá cao hơn giá điện thị trường 50cent/kWh.

Bong bóng trên thị trường

Những ưu đãi đó đã tạo điều kiện cho các nhà máy sản xuất pin mặt trời ở Đức phát triển ồ ạt và với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc sản xuất module năng lượng mặt trời không còn khó khăn. Ngày càng có nhiều công ty tham gia vào lĩnh vực này, không chỉ ở Đức, Trung Quốc mà còn ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, ở Đức, trợ cấp cho điện được sản xuất bởi các tấm pin mặt trời do Đức sản xuất cũng như xuất xứ của các tấm pin mặt trời tại Đức đã không được giới hạn hay chỉ định. Ngược lại, ở Italia, lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời do các hãng châu Âu sản xuất, khách hàng sẽ nhận được tiền thưởng. Kết quả là các chương trình trợ cấp của Đức đã có một ảnh hưởng trên toàn thế giới, chủ yếu là ở châu Á.

Điều này đã dẫn đến hiện tượng bong bóng trên thị trường công nghệ năng lượng mặt trời. Các nhà sản xuất pin mặt trời trên toàn thế giới đã nhanh chóng sản xuất các module mặt trời nhiều hơn nhu cầu của khách hàng và họ bắt đầu đua nhau hạ giá để cạnh tranh. Năm ngoái, giá pin mặt trời trên thế giới đã giảm tới 50%.

Trong cuộc đua giá thành đó, đã có những công ty bị tụt lại và có đến nửa tá các công ty tại Đức, kể từ tháng 12/2011, phải nộp đơn xin phá sản, trong đó có Sovello – công ty lớn thứ 2 ở Bitterfeld – nơi được coi là thung lũng năng lượng mặt trời của Đức.

Bí quyết của người Trung Quốc

Zhu đến Suntech vào năm 2011, khi cuộc khủng hoảng của ngành công nghiệp năng lượng mặt trời đã làm chao đảo nhiều công ty sản xuất tấm pin mặt trời. Nhưng thay vì coi nó như là một cuộc khủng hoảng, Zhu gọi đó là “một thách thức tình thế”, dù việc giảm giá, đương nhiên, cũng sẽ làm lợi nhuận của Suntech sụt giảm.

Tuy nhiên, Zhu hiểu rằng đó là một quy luật cung – cầu thị trường đơn giản và không mảy may phàn nàn về điều đó. Zhu cũng cho biết, Suntech chưa bao giờ nhận được bất kỳ khoản vay giá rẻ từ Chính phủ Trung Quốc. Là người phụ trách phát triển sản phẩm của Suntech, Zhu phải tìm cách sản xuất tấm pin mặt trời với giá rẻ hơn. Chiến lược của Zhu trong cuộc cạnh tranh giá là “tích cực cắt giảm chi phí”. Các công nhân sẽ phải làm việc nhanh hơn, năng suất hơn. Ví dụ như việc dán các tế bào giữa các tấm phim vốn mất 18-20 phút, thì nay, Zhu nghĩ chỉ 15 phút là đủ. Họ cũng có thể giảm số lượng vật liệu sử dụng, như làm các khung nhôm của mỗi module mỏng hơn.

Khi cảm thấy điều này có thể sẽ bị chỉ trích, ông sẽ “trưng” ra một giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm được cấp bởi một công ty chuyên giám định các sản phẩm quang điện và hơn nữa, công ty ấy lại có trụ sở tại Bonn, Đức. Và gần đây, các module năng lượng mặt trời do Suntech sản xuất đã mang thêm một biểu tượng mà nhìn vào đó người ta đủ biết là chất lượng sản phẩm đã được giám định bởi một công ty Đức uy tín, đi kèm với một dòng chữ “Top brand” (Thương hiệu hàng đầu). Một điều quan trọng nữa là Suntech đã biết nuôi dưỡng tinh thần phấn đấu cho những người lao động của mình. Người Suntech luôn tự coi mình là “những sứ giả của mặt trời” và có nghĩa vụ “mang ngọn lửa thánh đi khắp thế gian”…

Và với Zhu, Đức đã là người tiên phong của quá khứ. Tham vọng của Suntech không chỉ giới hạn ở thị trường Đức, mà còn ở mọi quốc gia trên thế giới, kể cả những nơi có ít hoặc không có trợ cấp cho năng lượng mặt trời. Đức sẽ sớm không còn là thị trường quan trọng nhất cho những tấm pin mặt trời của Suntech. Trong 8 năm qua, thị phần của Đức trong ngành công nghiệp quang điện toàn cầu đã giảm từ gần 70% xuống dưới 20%. Nhưng nếu người Đức quyết định tiếp tục hỗ trợ doanh số bán hàng trong nước của họ trong một thời gian nữa, Zhu vẫn sẵn sàng. Những module giá rẻ cộng với trợ cấp chính phủ sẽ đem đến cho các khách hàng Đức những giao dịch tuyệt vời.

“Chất lượng Đức, giá Trung Quốc”

Cho đến nay, người Đức đã bỏ ra 100 tỉ euro để tài trợ cho pin mặt trời. Khoản tiền này được đóng góp bởi tất cả các khách hàng mua điện, những người phải miễn cưỡng trả thêm 4 cent/kWh trên các hóa đơn tiền điện của họ để hỗ trợ năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, chính phủ đang muốn giảm trợ cấp cho năng lượng mặt trời, vốn đã giảm từ năm 2009, thêm 20-30% nữa. Kể từ khi các tấm pin mặt trời trở nên rẻ hơn nhiều, thì người mua không còn bị các khoản trợ cấp hấp dẫn nhiều nữa. Trong khi đó, các công ty năng lượng mặt trời lại hy vọng việc tài trợ của Chính phủ Đức có thể sẽ cứu được vài công ty trong số các công ty đang ngấp nghé phá sản.

Thượng viện Đức mới đây đã bỏ phiếu chống lại việc cắt giảm trợ cấp. Mùa hè này, các chính trị gia sẽ tiếp tục tranh luận về vấn đề này. Họ có thể mở rộng tài trợ nhưng điều đó sẽ có ích lợi với tất cả các công ty bán tấm pin mặt trời, đặc biệt là các công ty như Suntech của Trung Quốc. Tuy nhiên, các công ty như Sovello cũng sẽ được hưởng lợi, nếu như đến lúc đó họ vẫn chưa phá sản. Với Zhu, các công ty Đức đã không còn là nỗi e sợ của Suntech mà chính những công ty trong nước mới là đối thủ cạnh tranh của họ. Còn vấn đề với người Đức là họ sẽ phải nỗ lực sản xuất các tấm pin mặt trời với “chất lượng Đức, giá Trung Quốc”.
 
ST