Sự kiện

Cần chính sách đột phá về giá điện

Thứ ba, 16/7/2013 | 08:42 GMT+7
Việc kìm giữ giá điện thấp như hiện nay có thể góp phần bình ổn kinh tế vĩ mô trong ngăn hạn. Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều chuyên gia và thậm chí là các nhà hoạch định chính sách về giá thì việc kìm giữ giá điện ở mức thấp như hiện nay rõ ràng là “lợi bất cập hại”.


Tình hình diễn biến thủy văn khu cực miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam không thuận lợi ảnh hưởng đến sản lượng điện phát. Ảnh: N.Thọ

Kinh doanh điện: Khó tránh lỗ

Năm 2013, dù mục tiêu mà EVN đặt ra là kinh doanh cả năm có lãi. Tuy nhiên, tại Hội nghị Tài chính năm 2013 mới đây nhất của EVN cho thấy, do tình hình diễn biến thủy văn khu cực miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam không thuận lợi ảnh hưởng đến sản lượng điện phát, EVN năm 2013 sẽ phải huy động cả tỷ kWh từ nguồn có giá thành cao trong khi giá than, dầu, khí cho sản xuất điện đều đã tăng. Khả năng doanh thu điện của EVN chỉ đạt khoảng 138.925 tỷ đồng và chi phí bán điện lên tới 139.280 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa rằng, năm 2013 nguy cơ EVN có thể bị lỗ 355 tỷ đồng là hoàn toàn có thể xảy ra.

Nhìn lại năm 2012, dù chưa có công bố chính thức về giá thành sản xuất kinh doanh điện của cả năm (theo thông lệ cứ đến tháng 11, 12 của năm hiện hành mới công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện của năm liền kề trước đấy) nhưng với kết quả kinh doanh có lãi được vài nghìn tỷ đồng và đã giảm lỗ lũy kế các năm trước được 3.500 tỷ đồng nhưng khoản nợ của EVN vẫn còn hàng chục nghìn tỷ đồng.

Trước đó nữa, năm 2011, với việc sản xuất kinh doanh điện lỗ 56 đồng/kWh thì cả năm 2011, EVN lỗ 5.297 tỷ đồng, gộp với số lỗ của năm 2010 là 10.162 tỷ đồng (chưa tính đến lỗ/lãi tại các công ty cổ phần điện EVN góp vốn) thì tính riêng trong 2 năm 2010 - 2011, EVN đã lỗ cả chục ngàn tỷ đồng.

Vì đâu?

Trao đổi với phóng viên ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN cho rằng, nguyên nhân lỗ của EVN trong những năm qua là do giá điện đầu ra còn quá thấp. Trong khi đó mấy năm qua, thời tiết diễn biến quá bất thường, EVN vẫn phải huy động nguồn điện giá cao (4.000 – 5.000 đồng/kWh) để phát điện đảm bảo phục vụ cho nền kinh tế khiến lỗ kinh doanh gia tăng. Ngoài ra, các dự án mà EVN phải đi vay tiền để đầu tư cũng chịu lãi suất cao, biến động về tỷ giá khiến số lỗ gia tăng.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, EVN phải mua điện từ các công ty cổ phần, các công ty ngoài EVN, mua điện nước ngoài về để kinh doanh. Giá mua thì theo thị trường mà giá bán ra lại do Nhà nước quy định nên lỗ là điều khó tránh.

Nguy cơ hiện hữu

Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, tổng số lỗ của EVN là khoảng 40.000 tỷ đồng. Vừa qua nhờ có Chính phủ đã đứng ra trả nợ trái phiếu thay là 12.000 tỷ đồng nên số nợ hiện tại của EVN còn khoảng 30.000 tỷ đồng. Năm 2012, EVN tuy có lãi đột biến 6.000 tỷ đồng nhưng so với số lỗ lũy kế trước đây thì cũng chỉ như muối bỏ biển.

Ông Ngãi cho biết trong Tổng sơ đồ điện VII đưa vào danh sách 10 dự án BOT của nhà đầu tư nước ngoài thì đến nay hầu hết các nhà đầu tư đã rời bỏ hết. Và lý do mà các nhà đầu tư đưa ra là nếu xây nhà máy mà không hoàn vốn được, không sinh lãi vì giá điện thấp thì không thể đầu tư. Hầu hết các dự án lớn đều giao EVN gánh vác.

Cũng theo ông Ngãi, thực tế là mỗi nhà máy điện với quy mô như Vĩnh Tân 1; Vĩnh Tân 2; Duyên Hải 1, Duyên Hải 2… thì EVN đã phải đầu tư mỗi nhà máy khoảng 1,7 tỷ USD. Muốn đi vay phải có vốn đối ứng là từ 20-30%, nghĩa là phải có ít nhất trong tay 300 triệu USD. Khi mà EVN đồng thời triển khai cả chục dự án như vậy thì cần phải hàng tỷ USD vốn đối ứng. EVN không biết xoay sở đâu ra chừng ấy tiền. Vừa rồi, nếu không đưa Thủy điện Sơn La vào phát điện kịp thì hàng loạt các tỉnh miền Nam sẽ thiếu điện nghiêm trọng đến mức nào.

“Tăng giá dầu vài nghìn đồng, tăng giá điện chỉ mức vài trăm đồng nếu cứ nghi ngại không dám tăng và kìm giữ giá điện mãi thì tình trạng không có nhà đầu tư nào nhảy vào ngành Điện, thiếu điện cho phát triển kinh tế - xã hội thì không ai đoán biết hậu quả trong một, hai chục năm tới sẽ nghiêm trọng như thế nào.” - ông Trần Viết Ngãi lo lắng.

Cần đột phá về giá

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì cái khó của EVN là vừa phải làm nhiệm vụ sản xuất kinh doanh vừa phải thực hiện vai trò an sinh, chính sách xã hội. “Ngay bay giờ, Nhà nước phải tách bạch rõ phần nào, nhiệm vụ nào là nhiệm vụ an sinh xã hội, nhiệm vụ nào là sản xuất kinh doanh của EVN. Và nếu đó là nhiệm vụ an sinh xã hội thì cần tính toán để mà trừ vào. Có thể dùng chế độ tài chính kế toán để khoanh lại, treo lại, chỉ đạo ngành than là bán xong ghi sổ, trừ nợ… như thế nào đấy để cân đối tài chính cho EVN.” - TS Kiên cho biết.

TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam thì nhìn nhận rằng, nếu cứ để tình trạng giá điện méo mó quá lâu thì cái giá phải trả lại càng đắt. Việt Nam trở thành thành viên của WTO và cam kết một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Thời gian thực hiện cam kết không còn nhiều, tuy nhiên, các các mặt hàng có thể xem là quan trọng nhất, đầu vào của nền kinh tế như giá điện, than… lại không tuân theo một quy luật thị trường nào cả. TS Thiên cho rằng, cần một sự đột phá trong chính sách giá điện để tạo bước đột phá cho cả nền kinh tế, thúc đẩy giải quyết các mẫu thuẫn của thị trường, xem đây là động lực để tái cấu trúc lại nền kinh tế.

“Mục tiêu cuối cùng là phải trả giá điện về cho thị trường quyết định. Về lâu dài, không thể lồng chính sách xã hội, nhiệm vụ chính trị trong nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của EVN được. Vấn đề hiện tại là với một nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi như VN khi mà 70% người dân là ở vùng nông thôn với thu nhập thấp chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp thì trong giai đoạn này phải tách bạch được đâu là an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo trong chính sách giá điện và đâu là mục đích kinh doanh. Chính sách hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo, thu nhập thấp để thể hiện sự ưu việt của chế độ XHCN của ta nhưng cũng không thể để doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn bán sản phẩm theo giá thị trường mà lại mua điện với giá rất rẻ, phi thị trường như hiện tại. Phải có bước đột phá trong chinh sách giá điện để cải tổ bộ máy tổ chức, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Qua đó áp dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng vào sản xuất kinh doanh.” - Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định.
Ngọc Thọ / ICON.com.vn