Một công trình năng lượng mặt trời ở khu vực nông thôn.
Ở Lâm Đồng hiện có số lượng khá lớn các công trình điện mặt trời lắp đặt trên mái ký thỏa thuận đấu nối với Công ty Điện lực Lâm Đồng và thực tế cho thấy nhu cầu của người dân và các doanh nghiệp vẫn còn khá lớn.
Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời không hề đơn giản bởi đây là sản phẩm công nghệ cao, công suất sản xuất lớn nên đòi hỏi quy trình kỹ thuật về xây dựng nghiêm ngặt. Thêm vào đó, chúng ta đều biết rằng, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái liên quan đến an toàn của ngôi nhà và cả những công trình, con người sống hoặc làm việc xung quanh nên cần phải tuân thủ những quy định, hướng dẫn để đảm bảo an toàn.
Theo hướng dẫn của Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, việc đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái phải tuân thủ đầy đủ các thủ tục về đầu tư xây dựng, gồm các bước: Lập, thẩm định, thẩm tra, phê duyệt dự án, thiết kế, cấp giấy phép xây dựng (trừ trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo quy định Luật Xây dựng) và quản lý chất lượng công trình theo quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy (PCCC) và các quy định pháp luật có liên quan. Trước khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, phải có khảo sát, thiết kế, lập biện pháp thi công (nếu có) và các công tác liên quan khác theo quy định của pháp luật.
Những lợi ích của điện mặt trời áp mái: Chống nóng hiệu quả cho công trình; Giảm chi phí tiền điện hàng tháng; Tăng thu nhập nhờ bán lại phần sản lượng điện không sử dụng cho EVN; Không tốn diện tích đất khi lắp đặt; Được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp hiện hữu nên giảm áp lực đầu tư lưới điện truyền tải; Bảo vệ môi trường.
Về hệ thống điện mặt trời mái nhà, cần được kiểm tra đảm bảo an toàn PCCC,... Trước khi lắp đặt và lắp đặt phải thực hiện theo đúng yêu cầu và chỉ dẫn kỹ thuật của nhà sản xuất cũng như các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật. Phương án lắp đặt phải đảm bảo an toàn điện, an toàn chống sét, cháy nổ, vấn đề thoát nạn, cứu nạn phải được tính tới và nhất là an toàn sinh mạng con người. Kết cấu mái nhà và kết cấu công trình phải đảm bảo an toàn chịu lực và đảm bảo các điều kiện sử dụng khác như thoát nước, thấm dột, võng nứt... Trường hợp thuộc đối tượng thẩm tra, thẩm định về an toàn chịu lực, PCCC thì phải hoàn thành thủ tục về an toàn chịu lực và PCCC theo yêu cầu của cơ quan chức năng trước khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Trong quá trình thi công lắp đặt phải đảm bảo an toàn lao động và phòng chống cháy nổ theo quy định. Theo khuyến cáo của Sở Xây dựng, người dân không nên lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà ở khu vực có áp lực gió từ 125daN/m2 trở lên và nhà mái tôn.
Về vấn đề thẩm định, thẩm tra an toàn chịu lực và cấp phép xây dựng, đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà nằm trong dự án xây dựng mới thuộc đối tượng phải thẩm định cấp giấy phép xây dựng hoặc dự án xây dựng đã hoàn thành nhưng được lắp đặt bổ sung sau và việc lắp đặt có ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực, thay đổi quy mô, chiều cao công trình, ảnh hưởng đến công trình và các công trình lân cận... thì việc tổ chức thẩm định, kiểm tra cấp giấy phép xây dựng phải tuân theo quy định của pháp luật. Đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà nằm trong dự án, công trình không thuộc đối tượng phải thẩm định, thẩm tra cấp phép xây dựng thì việc lắp đặt phải đảm bảo an toàn cho công trình và các công trình lân cận, an toàn theo quy định ngành điện, đảm bảo đầy đủ các thông số kỹ thuật, hướng dẫn lắp đặt của nhà sản xuất và tuân thủ quy hoạch được duyệt.
Trên thực tế, thời gian qua trên địa bàn tỉnh, việc phát triển loại hình điện năng lượng áp mái này là khá lớn, có thời điểm diễn ra ồ ạt, thiếu định hướng và kiểm soát dẫn tới dư thừa. Đã có những công trình thực hiện lắp đặt với quy mô khá lớn nhưng không thực hiện các bước xin phép, tự ý thuê đơn vị lắp đặt gây ảnh hưởng đến an toàn xây dựng, cảnh quan, môi trường và cả công tác PCCC. Cơ quan chức năng cảnh báo, những công trình không phép, lắp đặt không đúng quy định về an toàn công trình xây dựng có thể sẽ xảy ra các rủi ro mất an toàn điện, gây thiệt hại khôn lường không chỉ cho chủ đầu tư mà cả người dân sống và làm việc xung quanh.
Theo số liệu của Công ty Điện lực Lâm Đồng, trên địa bàn toàn tỉnh hiện đã có khoảng trên dưới 900 công trình điện mặt trời mái nhà đăng ký và đạt thỏa thuận đấu nối với Công ty.
Link gốc