Một hệ thống điện gió hộ gia đình gồm bốn tua-bin gió, công suất mỗi tua-bin đạt 1 KW. Ảnh: Duy Quân.
Hệ thống do ông Huy lắp đặt có quy mô nhỏ, gồm tua-bin gió công suất 1 KW, bộ điều khiển sạc điện gió, ba bình ắc-quy 150 AH để lưu trữ điện, bộ Inverter công suất tối đa 6 KW, cùng dây dẫn, cột lắp tua-bin. Ông Huy trang bị hệ thống này cho trang trại - nơi khó kéo điện lưới tới và chi phí điện lớn. Ông chủ yếu dùng điện gió để thắp sáng, chạy quạt điện, nấu cơm và đôi khi bơm nước.
Anh Lê Danh ở huyện Tam Bình, Vĩnh Long, cũng đầu tư gần 150 triệu đồng cho hệ thống điện gió để thắp sáng và chạy các thiết bị gia đình. Hệ thống của anh sử dụng hai tua-bin gió loại 2 KW cùng 5 ắc-quy loại 200 AH để lưu điện, Inverter, bộ điều khiển sạc... Nguồn năng lượng từ gió đủ để anh Danh dùng khoảng 5 - 6 tiếng, chủ yếu phục vụ các thiết bị cần sử dụng trong thời gian ngắn, như máy giặt, TV, điều hòa và các thiết bị chiếu sáng. Đây cũng là giải pháp anh Danh dùng vào giờ cao điểm và khi mất điện.
Trên các hội nhóm về điện gió hộ gia đình, nhiều người đã sử dụng các thiết bị tạo năng lượng từ gió để thay thế một phần điện lưới, chủ yếu để thắp sáng và chạy các thiết bị điện công suất không quá cao. Một số gia đình kết hợp điện gió và điện mặt trời, tạo ra dòng điện thay thế điện lưới, sử dụng cả ngày lẫn đêm.
Cấu tạo một hệ thống điện gió
Mỗi hệ thống điện gió (phong điện) gồm bốn thành phần chính: tua-bin gió để tạo dòng điện một chiều, bộ điều khiển sạc điện gió để điều khiển điện áp và dòng điện đảm bảo an toàn cho ắc-quy, ắc-quy lưu trữ điện và bộ Inverter chuyển điện một chiều sang xoay chiều.
Giá của tua-bin gió hiện nay khá đa dạng, nhưng chỉ có 2 loại chính: trục đứng và trục ngang. Chi phí từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng tùy công suất và chất lượng. Một tua-bin gió loại 100 W được bán với giá từ 2,5 đến 3 triệu đồng, 500 W là 5 đến 7 triệu đồng, 1 KW giá 15 đến 30 triệu đồng, 2 KW trên 30 triệu đồng, 5 KW trên 60 triệu đồng.
Với ắc-quy, mỗi chiếc trên thị trường giá 4 đến 10 triệu đồng, tùy loại và dung lượng. Ắc-quy axit - chì rẻ hơn, nhưng tuổi thọ ngắn và có thể gây ô nhiễm môi trường, còn ắc-quy dùng pin Lithium-ion đắt hơn, bù lại hiệu suất tốt hơn và độ bền cao. Thông thường, một hệ thống lưu trữ điện gió cho hộ gia đình cần khoảng 2 đến 5 chiếc ắc-quy dung lượng từ 100 đến 300 AH mỗi chiếc.
Bộ điều khiển năng lượng gió giá bán tùy thuộc công suất mà nó hỗ trợ. Các mẫu công suất 400 W giá từ 500.000 đồng, 1 KW khoảng 1,5 triệu đồng, 2 KW 5 triệu đồng, còn 5 KW từ 10 triệu đồng.
Bộ Inverter cho điện gió khoảng 5 - 20 triệu đồng tùy vào công suất đáp ứng, thường từ 1 KW tới 10 KW. Đây là thiết bị chuyển từ dòng điện một chiều từ ắc-quy sang dòng điện xoay chiều 180 - 260V, phục vụ cho các thiết bị trong gia đình.
Theo một đại lý chuyên cung cấp các thiết bị điện gió tại quận 8, TP HCM, tua-bin loại 1 KW và 2 KW được mua nhiều hơn cả do đây là mức công suất phù hợp với các nhu cầu về điện cơ bản của gia đình. Khách hàng có thể mua lẻ từng thiết bị hoặc mua trọn bộ, bao gồm cả các vật tư khác, như cột chống, dây điện... Một hệ thống 1 KW giá từ 40 đến 70 triệu đồng, trong khi 2 KW khoảng 70 đến 100 triệu đồng.
"Mỗi tuần công ty bán được 15 đến 30 bộ với đủ loại công suất, nhưng chủ yếu vẫn là loại 1 KW và 2 KW", đơn vị này cho biết. "Khách hàng thường ở các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên, vùng duyên hải và một số tỉnh phía Bắc".
Khu vực nào phù hợp điện gió
Ngô Thu, một chuyên gia về điện gió và điện mặt trời tại TP HCM, cho biết, các hệ thống điện gió thích hợp với các khu vực có nhiều gió, như Tây Nguyên; vùng cao hoặc ven biển.
Theo anh Thu, gia đình dùng cho mục đích thắp đèn điện, chỉ cần mua tua-bin công suất 100 - 500 Watt và 1 - 2 ắc-quy là đủ. Các hệ thống này có thể không cần đến bộ Inverter để tiết kiệm chi phí, nhưng buộc phải sử dụng các loại đèn hoặc thiết bị dùng dòng điện một chiều.
Với các nhu cầu cần nhiều năng lượng hơn, như dùng cho điều hòa, TV, máy giặt... công suất tua-bin gió cần cao hơn, số lượng ắc-quy phải lớn hơn để tích trữ năng lượng. Với hệ thống này, chi phí sẽ lớn.
Ưu điểm của điện gió so với điện mặt trời là khả năng hoạt động cả ngày lẫn đêm, miễn là có gió, cũng như không chiếm nhiều diện tích lắp đặt, tạo cảnh quan đẹp hơn.
Theo anh Cao, một thợ lắp đặt điện gió tại TP HCM, tốc độ gió là yếu tố quan trọng quyết định hiệu suất của tua-bin. Chẳng hạn, với tốc độ gió 2 m/s, công suất ra chỉ là 1,5 Watt; từ 4 m/s là 10 Watt; 7 m/s công suất ra đạt 80 Watt. Ở tốc độ gió trên 15 m/s, công suất ra có thể đạt hơn 650 Watt. "Chỉ cần gió từ 2 m/s là đã có thể tạo ra dòng điện, nhưng tốc độ tốt nhất vẫn nên từ 7 m/s", anh Cao, cho biết.
Việc lắp đặt các hệ thống điện gió không quá phức tạp, có thể tự thực hiện nếu có chút am hiểu. Tuy nhiên, khả năng bảo trì của điện gió khó hơn nếu tua-bin hỏng, nhất là khi gió quá mạnh, mưa bão. Anh Cao nhấn mạnh rằng giải pháp điện gió chỉ phù hợp với một số tình huống nhất định, không phải là giải pháp để tiết kiệm điện.
Gia đình của ông Huy, anh Danh kể trên đang sử dụng hệ thống điện gió cho các nhu cầu và khu vực cụ thể, chứ không thay thế hoàn toàn hệ thống điện của gia đình. Trên các hội nhóm về điện gió hộ gia đình, những người đang dùng điện gió cho biết họ chỉ lắp ở những nơi khó kéo điện lưới, dùng vào giờ cao điểm trong ngày hoặc khi mất điện... Đây không phải là giải pháp giúp gia đình tiết kiệm điện, do chi phí đầu vào cao.
Nếu có nhu cầu lắp điện gió, người dùng nên mua thiết bị tại những đại lý có tên tuổi, tránh mua sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường. Ngoài ra, người dùng cũng cần lưu ý thời gian bảo hành của thiết bị và các hỗ trợ về kỹ thuật từ phía công ty lắp đặt.