Nhu cầu đầu tư cho ngành điện Việt Nam được dự báo sẽ trên 3 tỉ đô la Mỹ/năm. Trong đó, 70% trong số này dành cho phát triển nguồn điện, phần còn lại cho lưới điện.
Thông tin này được ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trình bày tại hội thảo diễn ra ngày 21-11 tại Hà Nội về những tác động của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đối với ngành năng lượng Việt Nam sau hai năm trở thành thành viên.
Ông Thành cho biết công suất của hệ thống điện Việt Nam cần phải được nhân đôi trong vòng năm năm tới để có thể thỏa mãn sự tăng trưởng nhu cầu dự báo với tốc độ tăng 17%/năm.
Nhu cầu tăng nhanh này do sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp hóa, nhu cầu điện dân dụng, mở rộng nhanh chóng lưới điện cấp cho nông thôn và tỷ lệ 51% số hộ dân có điện vào năm 1995 đã lên mức 95% vào năm 2006. Điều đó dẫn đến sự cần thiết phải tăng thêm mỗi năm hơn 2.000 MW (giai đoạn 2006-2015).
Để có được số vốn nói trên hàng năm, theo ước tính của lãnh đạo EVN, đã có nhiều thách thức đặt ra mà tập đoàn này không vượt qua được trong năm 2008, mà biểu hiện cụ thể nhất là việc trả lại 13 dự án nhiệt điện do thiếu vốn và chưa xác định được nguồn than nhập khẩu.
Các dự án này đã được giao cho các doanh nghiệp khác ngoài EVN như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Lilama, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam(TKV) và một số nhà đầu tư nước ngoài khác.
Nhu cầu vốn đầu tư nói trên thực tế song hành với sự thiếu hụt nhu cầu điện năng đã được dự báo.
Vẫn theo ông Thành, cân đối nhu cầu năng lượng cho thấy, sau năm 2010, nếu chỉ xem xét phương án dự báo nhu cầu cơ sở, khả năng khai thác tài nguyên bắt đầu không cân đối với nhu cầu năng lượng và lượng thiếu hụt là 12 triệu TOE (tấn dầu quy đổi) vào năm 2015. Thiếu hụt đến năm 2020 là 41,4 triệu TOE và 2030 là 127 triệu TOE.
Tương tự, lượng nhập các sản phẩm dầu (dầu thô, DO, FO, xăng...) ở năm 2020 là 16 triệu tấn, năm 2030 là 31 triệu tấn.
Để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế, hoặc phải nhập khẩu, hoặc phài tìm những dạng nhiên liệu mới cho sản xuất điện.
EVN tính toán rằng, tạm thời đến năm 2015, việc thiếu hụt nguồn điện do chưa đầu tư kịp có thể cân đối bằng khoảng điện nhập khẩu từ các thủy điện Lào, Campuchia và qua lưới điện liên kết với miền Nam Trung Quốc, đồng thời với việc nhập khẩu than cho điện chạy than.
Nhưng đến năm 2020, các phương án cơ sở và phương án cao sẽ thiếu hụt nhiên liệu cho sản xuất điện từ 115 đến 126 TWh (tương đương từ 29 đến 44% tổng nhu cầu điện sản xuất), kể cả đặt giả thiết khai thác được tài nguyên ở mức cao.
Các bài toán cân đối nhiên liệu cho sản xuất điện và kêu gọi đầu tư vốn cho các dự án điện, vì thế, mỗi ngày một đòi hỏi tính toán gay gắt hơn nữa.