Hạn hán thiếu nước, thủy điện thừa công suất nhưng “hụt” sản lượng!
Theo đánh giá của Bộ Công thương mùa khô năm 2010 là thời gian đặc biệt khó khăn đối với công tác vận hành hệ thống điện Quốc gia và đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế và xã hội do hậu quả của thiên tai khô hạn nghiêm trọng chưa từng thấy trong vòng 100 năm qua và phụ tải tăng quá cao. Anh hưởng nặng nề của hiện tượng El-Nino, tình hình thời tiết, khí hậu và thủy văn trong các tháng cuối năm 2009 và mùa khô năm 2010 ở nước ta diễn biến hết sức bất thường, khác hoàn toàn với qui luật nhiều năm, khô hạn nghiêm trọng, kéo dài xảy ra trên cả nước khiến các nhà máy thủy điện không đủ nước để phát điện.
Chỉ tính riêng khu vực miền Bắc, mùa mưa năm 2009 kết thúc sớm hơn bình thường hàng năm khoảng 1 tháng, tổng lượng mưa năm 2009 ở Bắc Bộ chỉ đạt 83% lượng mưa hàng năm (từ tháng 6 đến tháng 10 chỉ đạt 77% và đặc biệt trong tháng 11, 12/2009 chỉ đạt 30% trung bình nhiều năm-TBNN). Lưu lượng nước về các hồ thủy điện miền Bắc trong mùa lũ và thời gian sau mùa lũ năm 2009 suy giảm mạnh so với trung bình nhiều năm, thấp chưa từng thấy trong lịch sử (xấp xỉ tần suất 100 năm).
Tại cuộc làm việc với phóng viên báo chí vừa diễn ra chiều nay 1/6, đại diện lãnh đạo EVN cho biết, đến thời điểm 01/01/2010, hầu hết các hồ thủy điện đều không tích được đầy hồ. Tổng sản lượng thủy điện thiếu hụt do không tích được đầy các hồ là gần 1 tỷ kWh. Tình hình khô hạn khốc liệt tiếp tục kéo dài sang 5 tháng đầu năm 2010. Lượng nước về hồ Hòa Bình trong Quí I/2010 chỉ đạt 62,23% TBNN, tháng 4 chỉ bằng 45% TBNN, tháng 5 bằng 36% TBNN. Lượng nước về hồ Thác Bà Quí I/2010 đạt 71,16% TBNN, tháng 4 đạt 82% TBNN, tháng 5 chỉ đạt 34% TBNN. Nước về hồ Tuyên Quang Quý I/2010 đạt 67,77% TBNN, tháng 4, 5 chỉ đạt 34-38% TBNN. Tương tự, nước về các hồ thủy điện khác đều hụt so với TBNN.
Ngoài nhiệm vụ sản xuất điện, trong 3 tháng đầu năm 2010, các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang còn thực hiện nhiệm vụ xả nước chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các địa phương đồng bằng và trung du Bắc bộ để đảm bảo vụ Đông Xuân 2009 - 2010 thắng lợi (trong các tháng 1, 2, 3/2010 đã tiến hành xả 4 đợt với gần 3,5 tỷ m3 nước). Nhiều nhà máy thủy điện khác như Quảng Trị, A Vương, Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Đa Nhim, Hàm Thuận - Đa Mi, Trị An còn kết hợp điều hòa nước cho chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn và cung cấp nước sinh hoạt cho các địa phương phía hạ du.
Hơn nữa, phục vụ mục tiêu phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12/2010, ngày 15/5 dự án thủy điện Sơn La đã thực hiện nút cống dẫn dòng. Do phải điền đầy dung tích chết của hồ Sơn La đến cao độ 145 m tương ứng với 538 triệu m3 nước không thể dùng phát điện, từ ngày 15/5 - 25/5 không có nước về hồ Hòa Bình, sản lượng khai thác từ thủy điện Hòa Bình giảm 110 triệu kWh trong tháng 5.
Trong điều kiện khô hạn khốc liệt không riêng ở miền Bắc, năm nay mùa mưa Nam Bộ đến muộn hơn rất nhiều (cuối tháng 5) so với qui luật (thường cuối tháng 4), khiến nắng nóng diện rộng điễn ra trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam trong tháng 5, càng làm cho nhu cầu phụ tải tăng mạnh.
Do đó, dù EVN đã huy động huy động tối đa các nguồn điện, đặc biệt sản lượng các nguồn giá thành cao (gấp từ 4 - 5 lần giá bán) như nhiệt điện chạy dầu FO (Hiệp Phước, Thủ Đức, Ô Môn, Cần Thơ) là 1,86 tỷ kWh (tăng 249,33%), tua bin khí dầu DO (Cà Mau, Bà Rịa, Thủ Đức, Cần Thơ) là 330 triệu kWh (tăng 290,82%), diesel tăng 115,92% so với cùng kỳ 2009 nhưng tình hình cấp điện thời gian vẫn ở tình trạng căng thẳng.
A0 điều hành hệ thống điện theo phương thức tuần/ngày để điều hòa phụ tải
Theo EVN, 5 tháng đầu năm nay, sản lượng điện cả hệ thống thực hiện đạt 39,207 tỷ kWh, tăng 19,5% so với cùng kỳ 2009. Điện sản xuất và mua của EVN đạt 37,912 tỷ kWh (tăng 18,65%), trong đó điện mua ngoài đạt 15,16 tỷ kWh, tăng 38,05% so với cùng kỳ 2009.
Sản lượng điện cung cấp bình quân ngày của hệ thống điện trong tháng 4 là 267,79 triệu kWh (tăng 14,24%) so với cùng kỳ năm 2009, trong đó sản lượng ngày cao nhất đạt 285,2 triệu kWh; Tháng 5 sản lượng điện bình quân ngày của hệ thống (đến ngày 28/5) đạt 278,8 triệu kWh, tăng 19,45% so với cùng kỳ năm 2009. Sản lượng ngày cao nhất đạt 303,3 triệu kWh (ngày 20/5).
Trước tình hình khó khăn về sản lượng điện như trên, điều quan trọng là cần đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia, chủ động điều tiết sản lượng thủy điện để ngăn không cho mực nước các hồ giảm xuống dưới mực nước chết trước khi lũ về. Bởi vậy, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã ban hành các chỉ thị yêu cầu trong trường hợp mất cân đối cung cầu điện, để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện, cần lập và thực hiện kế hoạch điều hòa tiết giảm phụ tải theo các nguyên tắc phân bổ sản lượng điện năng được phép tiêu thụ cho các Tổng công ty/Công ty Điện lực, ưu tiên cấp điện cho các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng diễn ra trong năm 2010, các khách hàng sử dụng điện quan trọng theo danh sách được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành, các đơn vị sản xuất đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là các đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu. Do đó, để chủ động trong việc điều hành hệ thống, Điều độ Quốc gia – A0 từ tháng 5 đã chuyển phuơng thức điều hành từ phương thức tháng sang điều hành theo tuần/ngày để có thể chủ động điều tiết, phân bổ sản lượng khi có điều kiện tích cực như mưa lớn, nước dâng, các thủy điện phát tăng sản lượng hơn.
Song song, các đơn vị điện lực đã chủ động làm việc cụ thể với các khách hàng có sản lượng lớn để bàn các biện pháp tiết kiệm điện và chủ động điều hoà sản lượng điện trong sản xuất.
Tháng 6, cung điện chưa hết căng, tiết kiệm là giải pháp tối ưu
EVN tính toán, tháng 6 là tháng cuối của mùa khô của hệ thống điện, dự kiến miền Nam sẽ chính thức chuyển sang mùa mưa, từ ngày 15/6 sẽ bắt đầu thời kỳ lũ sớm của các hồ chứa Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà, tình hình thủy văn sẽ được cải thiện hơn. Các nguồn nhiệt điện than mới ở miền Bắc: Nhiệt điện Cẩm Phả 1 và 1 tổ máy của Sơn Động đã phát điện trở lại. Việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc có thuận lợi hơn. Công tác sửa chữa tổ máy số 1 của nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng đang được tập trung hoàn tất để đưa vào phát điện trở lại (tổ máy số 1 Quảng Ninh dự kiến phát điện trong cuối tuần đầu tháng 6, Hải Phòng trung tuần tháng 6). Tổ máy số 2 của Quảng Ninh dự kiến chạy thử nghiệm đầu tháng 6. Tuy nhiên, trong tháng 5 vừa qua do thời tiết tiếp tục khô hạn, lượng mưa nhỏ, chủ yếu ở vùng hạ lưu nên đến ngày 28/5/2010, mực nước ở một số hồ thủy điện chính đã xuống mức rất thấp, gần với mực nước không thể vận hành phát điện (mực nước chết-MNC), cụ thể như hồ Thác Bà chỉ cách MNC 0,50m, hồ Tuyên Quang là 1,82m, Thác Mơ 0,75m, Trị An 1,48m…. Bởi thế, với mực nước cuối tháng 5/2010 vẫn “hạn chế” như vậy, sản lượng khả dụng của hệ thống điện tuần đầu tháng 6/2010 cũng chỉ đạt 275 triệu kWh/ngày.
Hiện tại, Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang có mặt tại công trình tập trung chỉ đạo, đôn đốc công tác sửa chữa các tổ máy của Quảng Ninh, Hải Phòng để phát điện trở lại sớm nhất có thể, đồng thời theo dõi sát tình hình thủy văn để điều hành từng ngày, nhằm thật sự cải thiện tình hình cung ứng điện từ ngày 20/6/2010.
Bởi vậy, hơn bao giờ hết, giải pháp hữu hiệu và thiết thực, có thể thực hiện ngay lúc này và bất cứ ai cũng có thể thực hiện là tất cả người dân và doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan, xí nghiệp… triệt để sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm. Hành động này không chỉ là giải pháp tức thời trong giai đoạn khó khăn của mùa khô mà về lâu dài, việc sử dụng tiết kiệm điện nói riêng và nguồn năng lượng quốc gia nói chung càng phải được coi là mục tiêu hàng đâu nhằm tiết kiệm tài nguyên đất nước và bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước.