Tin mới nhất

Tăng tốc trước ngày “cán đích”

Thứ sáu, 21/5/2010 | 11:13 GMT+7

Ngay sau khi ra mắt và chính thức bước vào hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình mới, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) nhanh chóng ổn định tổ chức, gấp rút triển khai các biện pháp kinh doanh điện năm 2010. Trong đó, khẳng định quyết tâm “tăng tốc” để hoàn thành công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn vào cuối tháng 6/2010 theo kế hoạch của EVN.

Lưới điện hạ áp nông thôn tại Quảng Ninh được cải tạo sau tiếp nhận

Trách nhiệm trước nhân dân

Ông Nguyễn Trường Sơn, Trưởng ban Kinh doanh EVN NPC cho biết: Cùng với việc đổi mới công tác quản lý kỹ thuật và kinh doanh điện, thành công lớn nhất của các đơn vị trực thuộc EVN NPC trong năm 2009, đó là hoàn thành công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) tại 2.087 xã, đạt 118% kế hoạch EVN giao, với tổng giá trị tài sản còn lại trên 662 tỷ đồng.

Theo nghị quyết của Hội đồng quản trị EVN, đến 30/6/2010, Tập đoàn và các đơn vị trực thuộc sẽ phấn đấu cơ bản hoàn thành tiếp nhận LĐHANT trong cả nước (dự kiến tiếp nhận 5.600 xã, với tổng số hơn 7 triệu hộ dân ở khu vực nông thôn). Gần 2 năm thực hiện, đến hết quý I/2010, EVN NPC đã cơ bản hoàn thành công tác tiếp nhận LĐHANT với tổng số 2.602 xã. Trong số 24 đơn vị trực thuộc của EVN NPC năm 2009, đã có 5 đơn vị hoàn thành xong công tác này là Công ty Điện lực Bắc Ninh, Nam Định, Tuyên Quang, Sơn La và Bắc Kạn.

Theo EVN NPC, thời gian qua, công tác tiếp nhận LĐHANT và bán điện trực tiếp đến hộ dân đã được thực hiện trên nguyên tắc thỏa thuận tiếp nhận tài sản theo hình thức tăng giảm vốn giữa địa phương và các công ty điện lực (đa số các xã bàn giao đều có cam kết  với đơn vị Điện lực về việc không hoàn trả giá trị tài sản). Phát triển điện nông thôn cũng đã góp phần quan trọng nhằm đẩy nhanh tiến trình cơ khí hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và phát triển nông thôn, góp phần vào chương trình xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân ở khu vực nông thôn.

Ông Nguyễn Thành Lê - Phó tổng giám đốc EVN NPC cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận LĐHANT, EVN NPC đã chỉ đạo các đơn vị điện lực nhanh chóng hình thành và củng cố bộ máy dịch vụ bán lẻ điện nông thôn phù hợp với quy định của EVN. Các điện lực đã tiến hành ngay việc chốt chỉ số công tơ và ký hợp đồng mua bán điện với khách hàng, lập phương án thay công tơ, cải tạo sửa chữa tối thiểu,… để giảm tổn thất điện năng tại khu vực mới tiếp nhận. Tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ các đơn vị dịch vụ bán lẻ điện nông thôn để tránh thất thoát điện năng và tiền điện. Bên cạnh đó là không ngừng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về quản lý và vận hành cho mô hình dịch vụ bán lẻ điện nông thôn. Tuyên truyền an toàn và tiết kiệm điện trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trước ngày “cán đích”

Theo kế hoạch, EVN NPC tiếp nhận LĐHANT tại 1.401 xã, trong đó 906 xã nằm trong dự án lưới điện nông thôn mở rộng (RE I và RE II). Sau khi các công trình này hoàn thành, các địa phương sẽ tiến hành bàn giao cho các công ty điện lực quản lý theo văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương.

Như vậy, từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 6/2010, số lượng các xã còn lại mà các đơn vị trực thuộc EVN NPC phải tiếp nhận là 253 xã, tập trung nhiều nhất tại tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An. Ông Trịnh Xuân Như - Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa cho biết: Mặc dù triển khai công tác tiếp nhận từ tháng 8/2008, nhưng đơn vị đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc bởi nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc chính quyền các xã và các tổ chức dịch vụ điện nông thôn chần chừ không chịu bàn giao lưới điện cho ngành Điện quản lý. Vì vậy, năm 2008, Công ty chỉ tiếp nhận được 38 xã. Công tác tiếp nhận LĐHANT ở Thanh Hoá chỉ thực sự khởi sắc khi lãnh đạo UBND tỉnh và các sở ban ngành, các các địa phương của tỉnh Thanh Hoá vào cuộc bằng việc ban hành các văn bản hướng dẫn và chỉ đạo quyết liệt chính quyền các địa phương và tổ chức bán điện nông thôn không đủ điều kiện quản lý phải tiến hành bàn giao LĐHANT cho ngành Điện. Do vậy, từ tháng 4/2009 đến cuối tháng 3/2010, đơn vị đã tiếp nhận được trên 200 xã tại các địa phương trong tỉnh. Số lượng các xã phải thực hiện tiếp nhận đến hết tháng 6/2010 tại Thanh Hoá là 81 xã – một con số không nhỏ. 

Hiện tại, số xã chưa tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn của Nghệ An là 123 xã, Lạng Sơn 12 xã, Cao Bằng 20 xã và Hưng Yên 13 xã. Thể hiện quyết tâm hoàn thành kế hoạch công tác tiếp nhận LĐHANT, Ông Nguyễn Phúc Vinh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EVN NPC cho rằng: Kinh nghiệm cho thấy, vai trò của địa phương có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy công tác tiếp nhận LĐHANT, mang lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân. Từ nay đến tháng 6/2010, các công ty điện lực chưa hoàn thành tiếp nhận cần tích cực phối hợp với chính quyền, và nhân dân địa phương; phối hợp với Sở Công thương thực hiện Thông tư 08/2010 của Bộ Công Thương yêu cầu những tổ chức bán điện không đủ tiêu chuẩn kinh doanh khẩn trương bàn giao lưới điện cho ngành Điện quản lý. Bên cạnh đó, các đơn vị cần phải tập trung nâng cấp chất lượng và an toàn trong quản lý điện nông thôn, tạo niềm tin và thói quen trong nhân dân về sử điện an toàn hiệu quả, tiết kiệm. Có như vậy, đến cuối tháng 6/2010, EVN NPC mới kịp “cán đích” trong công tác tiếp nhận LĐHANT theo Nghị quyết của HĐQT Tập đoàn.

EVN NPC

- 3 tháng đầu năm 2010:  Tiếp nhận được 102 xã,  với giá trị còn lại là 62,6 tỷ  đồng.
- Tính đến 31/12/2009, EVN NPC đã bán điện trực tiếp tới khách hàng tại 4.446 xã (đạt 96,5% tổng số xã có điện), trên 5,3 triệu số hộ nông thôn có điện lưới quốc gia (đạt 93,6% số hộ dân nông thôn).

Mục tiêu kinh doanh năm:

- Điện thương phẩm đạt: 24 tỷ kWh.
- Tổn thất điện năng truyền tải: 7,8%.
- Tổn thất điện năng ở khu vực tiếp nhận LĐHANT dưới 15%.
- Giá bán bình quân: Trên 930 đồng/kWh.
- Tổng số khách hàng: 6,5 triệu.
- Tiết kiệm điện: 180 triệu kWh.
- Bán 1,25 triệu bóng đèn tiết kiệm điện.
- Quảng bá và giới thiệu sử dụng 2.700 bình nước nóng NLMT.

Theo: Tạp chí Điện lực