Đập tràn Thủy điện Sơn La. Ảnh: Tuấn Thành
Thuỷ điện Sơn La, công trình thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á, được khởi công xây dựng cuối năm 2005 tại xã Ít Ong, huyện Mường La (Sơn La). Nhà máy có 6 tổ máy với tổng công suất 2.400 MW, sau khi đi vào hoạt động dự kiến mỗi năm cung ứng sản lượng điện bình quân 10 tỷ kWh. Hồ chứa nước thuỷ điện Sơn La rộng 225 km2, chiều dài lòng hồ trải từ huyện Mường La, tỉnh Sơn La đến thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên, có dung tích khoảng 9,26 tỷ m3 nước. Đây là dự án trọng điểm của Nhà nước, được sự quan tâm đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân cùng với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương cũng như hàng vạn người lao động trực tiếp trên công trường.
Để xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La, 3 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La phải tiến hành di chuyển, tái định cư cho trên 20.000 hộ với khoảng 100.000 dân vùng lòng hồ, trong đó Sơn La là tỉnh có số hộ phải di dời nhiều nhất (12.584 hộ). Với số lượng hộ dân phải di chuyển quá lớn, đã đặt ra biết bao khó khăn thách thức đối với các cấp chính quyền. Công tác tuyên truyền, vận động như thế nào để đồng bào hiểu, cảm thông, ủng hộ sẵn sàng rời bỏ nơi ở cũ đã từng gắn bó với họ từ bao đời nay nhường mặt bằng cho việc xây dựng công trình. Rồi việc quy hoạch, xây dựng các điểm, các khu tái định cư, cơ sở hạ tầng, bố trí diện tích đất sản xuất nhằm giúp đồng bào chuyển đến nơi ở mới sớm có cuộc sống ổn định v...v... quả là một núi công việc. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao và những cố gắng không mệt mỏi của Đảng bộ, Chính quyền và đồng bào các dân tộc thuộc 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, công tác di chuyển sắp xếp lại dân cư đã được hoàn thành xuất sắc, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch ban đầu.
Từ trên độ cao ngắm nhìn toàn cảnh công trình thuỷ điện Sơn La với một khối lượng công việc đồ sộ có hàng trăm hạng mục lớn nhỏ khác nhau..., chúng tôi không khỏi không khâm phục những nỗ lực to lớn của chủ đầu tư, các đơn vị khảo sát, tư vấn, thiết kế, nhà thầu trong công tác quản lý, ứng dụng những công nghệ tiên tiến vào xây dựng công trình. Thành công của dự án đã khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ những người làm thuỷ điện Việt Nam. Họ đã không chỉ thực sự làm chủ được nhiều công đoạn quan trọng mà còn tự chế tạo được phần lớn các thiết bị cơ khí thuỷ công.
Đến thăm công trình thuỷ điện Sơn La, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến và cảm nhận được những khó khăn, vất vả mà những người lao động nơi đây phải đương đầu. Phần lớn họ còn khá trẻ, hội tụ về đây từ khắp mọi miền đất nước. Giữa một vùng rừng núi bao la, thời tiết khắc nghiệt; đường giao thông đi lại trắc trở, hiểm nguy; đời sống vật chất tinh thần còn nhiều thiếu thốn... làm việc trong điều kiện như thế nhưng tập thể cán bộ, kĩ sư, công nhân vẫn ngày đêm miệt mài, sáng tạo đã và đang hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc để xây dựng nên một công trình thuỷ điện tầm cỡ khu vực.
Đến thời điểm này, các đơn vị thi công đã đổ được hơn 4,3 triệu m3 bê tông các loại bằng 88% tổng khối lượng bê tông cần phải đổ, lắp đặt được 43.000 tấn trên tổng số 72.000 tấn thiết bị các loại. Nhiều hạng mục đã và đang được hoàn thành bàn giao cho Ban chuẩn bị sản xuất như: trạm bơm nước số 2, các cửa van cung xả sâu, 6 tuyến đường ống áp lực, đập tràn, kênh xả nước, bức tường bê tông chắn ngang dòng sông và đặc biệt là tổ máy số 1 đang sẵn sàng hoạt động phát điện vào tháng 12-2010.
Thủy điện Sơn La trong ngày lễ ngăn Sông Đà đợt 3, tích nước hồ chứa. Ảnh: Tuấn Thành
Công tác gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa và vệ sinh dọn dẹp lòng hồ, các tuyến đường giao thông tránh ngập... đều đã được hoàn thành. Càng có ý nghĩa hơn, trong không khí cả nước sôi nổi kỉ niệm lần thứ 120 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 15-5-2010, Ban Quản lý dự án xây dựng công trình cùng với nhà thầu đã tiến hành ngăn sông Đà đợt 3, chính thức tích nước hồ thuỷ điện, đánh dấu thời khắc quan trọng bởi nó quyết định thời gian phát điện tổ máy số 1.
Thuỷ điện Sơn La đi vào hoạt động có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt không chỉ bổ sung sản lượng đáng kể vào mạng lưới điện quốc gia góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá hiện - đại hoá đất nước, thay đổi bộ mặt của các tỉnh Tây Bắc mà còn góp phần chống lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô cho các tỉnh đồng bằng Bắc bộ.