Trước thực trạng hệ thống điện từ đầu mùa khô luôn trong tình trạng căng thẳng và nỗi lo thiếu điện, mất điện trong mùa nắng nóng tới đang ám ảnh người dân thì quyết tâm trên của EVN thực sự là một liều thuốc an thần hữu hiệu. Tuy nhiên, “nhân hoà” mà không được “thiên thời, địa lợi” thì quả thực, chỉ nội việc đảm bảo đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân cũng sẽ là một thách thức vô cùng lớn đối với EVN.
Cung chạy đua với cầu
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (Ao) cho biết, sản lượng điện tiêu thụ ngày cao nhất của toàn hệ thống trong tháng 2 lên tới 206,1 triệu kWh, tức là tăng tới 15,96% so với cùng kỳ năm 2007. Riêng trong tháng 2, sản lượng điện tiêu thụ trung bình ủa toàn hệ thống là 180,4 triệu kWh/ngày, tăng 15,64% so với năm 2007; trong đó, sản lượng miền Bắc tăng 22,8%, miền Trung tăng 11,1% và miền Nam tăng 13,4%. Sở dĩ miền Bắc có sự tăng đột biến như vậy cũng bởi diễn biến thời tiết có nhiều thay đổi, đợt rét nhất trong vài chục năm trở lại đây và kéo dài gần 2 tháng đã khiến phụ tải hệ thống điện tăng rất cao. EVN dự báo, từ nay đến tháng 5/2008, phụ tải còn tiếp tục tăng cao và sản lượng điện tiêu thụ trong tháng 3 sẽ lên tới 6,643 tỷ kWh, tăng hơn 1,4 tỷ kWh so với tháng 2.
Những con số phụ tải và sản lượng thì liên tục tăng, trong khi lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện miền Bắc và miền Trung thời gian qua đều thấp hơn so với trung bình nhiều năm và một số hồ thuỷ điện như Thác Bà, Hoà Bình, Tuyên Quang đã phải thực hiện 2 đợt xả nước để phục vụ sản xuất đổ ải cho vụ Đông Xuân khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ; đồng thời, một số nguồn điện mới vào như Nhiệt điện Cà Mau, Nhiệt điện Uông Bí mở rộng, Thuỷ điện Tuyên Quang, Đại Ninh còn đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm nên vận hành chưa ổn định, sản lượng điện phát ra chưa đạt tới mức dự kiến… là những lý do cơ bản để EVN nhận định: Hệ thống điện sẽ có tình trạng thiếu công suất trong giờ cao điểm. Trong một số trường hợp bất khả kháng, EVN vẫn phải cắt phụ tải để giữ cho hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn và ổn định.
Tiết giảm hay tiết kiệm?
Trước tình hình hệ thống nguồn luôn căng thẳng bởi có quá nhiều yếu tố không thuận như trên, EVN đã cố gắng điều chỉnh lịch sửa chữa các nguồn điện để huy động cao trong thời gian này; rút ngắn tiến độ sửa chữa các tổ máy đã bố trí lịch (kể cả các nhà máy ngoài ngành); lập kế hoạch khai thác hồ chứa hợp lý để đảm bảo mức nước các hồ thuỷ điện; điều hành hợp lý xả nước đợt 3 hồ Hoà Bình, Thác Bà và Tuyên Quang phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2007-2008 cho đồng bằng và trung du Bắc bộ, đồng thời huy động thêm các nguồn đắt tiền một cách hợp lý để giữ nước. Hiện EVN đã thoả thuận được với 644 khách hàng trọng điểm có nguồn diezel dự phòng để huy động trong giờ cao điểm sáng và cao điểm tối với tổng công suất khả dụng là 238.906 kW. Bên cạnh việc tăng cường truyền tải điện từ miền Nam ra miền Bắc qua đường dây 500 kV, tận dụng mua điện Trung Quốc ở mức tối đa có thể được, EVN còn phối hợp chặt chẽ với BP để thử nghiệm nâng công suất đường ống khí Nam Côn Sơn và yêu cầu các đơn vị chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu than, dầu sẵn sàng đáp ứng yêu cầu vận hành cao.
Tuy nhiên, để hạn chế tối đa việc phải cắt giảm phụ tải vào giờ cao điểm, EVN đặc biệt khuyến khích khách hàng thực hiện sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả. Theo đó, các cơ quan, công sở được đề nghị giảm ít nhất 10% chi phí điện năng hàng năm; cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ lớn bố trí phương thức sử dụng điện hợp lý, hạn chế vào giờ cao điểm. Đặc biệt, lắp đặt công tơ điện tử ba giá là một trong những biện pháp được coi là sử dụng điện hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt. EVN cho rằng nếu giảm được 50% hệ thống đèn, thiết bị trang trí trong nhà, ngoài trời, trên các đường phố, các khu vui chơi giải trí... thì sẽ giảm được khoảng 700 MW, tức là tiết kiệm được 700 triệu USD vốn đầu tư xây dựng nhà máy điện.
Kêu gọi là vậy, song EVN luôn chủ động trong việc triển khai các biện pháp tiết kiệm điện tới tận người tiêu dùng. Mới đây, trên 1000 điểm bán đèn compact đã được EVN “phong toả” trên phạm vi cả nước, phát triển rộng khắp ở tất cả các khu vực thành thị, nông thôn. Các đơn vị điện lực chính là đại lý bán đèn compact, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nên đèn được bán với giá thấp hơn từ 10% trở lên so với giá bán bên ngoài thị trường, được kiểm soát và bảo hành về chất lượng. Chương trình quảng bá sử dụng đèn compact này được thực hiện từ năm 2004, tuy nhiên năm 2004 chỉ tiêu thụ được 1,5 triệu đèn. Đến năm 2007, cùng với sự thay đổi trong nhận thức cộng đồng, số lượng tiêu thụ đã tăng đột biến lên 50 triệu đèn. Năm nay, EVN quyết định tiếp tục thực hiện chương trình này cho đến năm 2010, chủ động phối hợp cùng các nhà sản xuất phấn đấu tiêu thụ mỗi năm từ 15 đến 20 triệu đèn compact.
Bên cạnh đó, EVN cũng chỉ đạo các Điện lực đến làm việc trực tiếp với từng khách hàng sản xuất trọng điểm, khách hàng khu công nghiệp để thoả thuận và ký cam kết thực hiện chương trình tiết kiệm điện năm 2008 với mục tiêu là tiết điệm điện 2% so với mức sử dụng điện cùng kỳ của năm 2007. Riêng trong tháng 2 vừa qua, các Điện lực đã ký cam kết thực hiện tiết kiệm điện với trên 2000 khách hàng trọng điểm. Rõ ràng, cùng với việc nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình nguồn để sớm đưa vào khai thác, đáp ứng kịp nhu cầu phụ tải thì một trong những biện pháp hữu hiệu để giảm bớt căng thẳng do thiếu nguồn điện, nhất là vào mùa khô là tiết kiệm điện. Hiệu quả của các chương trình tiết kiệm điện thời gian qua cũng đã được minh chứng ở nhiều đơn vị và hộ gia đình. EVN mới đây đã kịp thời cho ra đời trang thông tin điện tử www.tietkiemnangluong.vn về tiết kiệm điện với các nội dung như tư vấn sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, hướng dẫn sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, tra cứu thông tin về tình hình sản xuất điện và các thông tin khoa học về điện… với mong muốn nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc sử dụng năng lượng. Với những nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, EVN hy vọng sẽ đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Tuy nhiên, cùng với những nỗ lực của EVN, trong thời điểm “nước khan, điện thiếu” như hiện nay, mỗi người, mỗi hộ gia đình, mỗi cơ quan… đều phải cân nhắc giữa việc bị tiết giảm điện hay chủ động tiết kiệm điện để có biện pháp hợp lý nhất trong sử dụng điện.