Sự kiện

Cáp ngầm điện lưới - Động lực cho phát triển kinh tế biển

Thứ ba, 23/9/2014 | 13:20 GMT+7
Việc thực hiện thành công các dự án đưa điện lưới Quốc gia bằng cáp ngầm ra các huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và sắp tới đây là huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) là bước tiến quan trọng gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển của đất nước.

Báo đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) xung quanh ý nghĩa và hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án đưa điện lưới Quốc gia bằng cáp ngầm ra đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Dự án cấp điện bằng cáp ngầm từ hệ thống điện Quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn là dự án quan trọng do EVNCPC làm chủ đầu tư. Ông có thể cho biết rõ hơn bối cảnh hình thành và ý nghĩa của dự án này?

Ông Nguyễn Thành, Phó Tổng Giám đốc EVNCPC
Ông Nguyễn Thành: Dự án cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn được triển khai thực hiện trong bối cảnh nhân dân cả nước một lòng hướng về biển đảo, chung tay góp sức xây dựng sức mạnh kinh tế biển và năng lực an ninh quốc phòng, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển tương xứng với tiềm năng và vị thế, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển của đất nước.

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 của BCH Trung ương Đảng khóa X về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”, ngày 28/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020, trong đó xác định rõ các mục tiêu, định hướng và giải pháp thực hiện để đẩy mạnh phát triển kinh tế đảo, xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Tại Quyết định này, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ 100% dân cư các huyện đảo, xã đảo được sử dụng điện. Lý Sơn được xác định thuộc nhóm các đảo và cụm đảo trọng điểm, được định hướng “xây dựng thành những pháo đài tiền tiêu để bảo vệ các vùng biển, đảo, đồng thời kết hợp phát triển kinh tế”; trong đó, “ưu tiên xây dựng các công trình hạ tầng quan trọng, đặc biệt là các dự án cấp điện, là lĩnh vực quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh trên đảo”. Huyện đảo Lý Sơn nằm về phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách cảng Sa Kỳ 15 hải lý. Diện tích tự nhiên gần 10,4 km2. Dân số hơn 22.000 người. Huyện đảo này có vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Về mặt quốc phòng, là chốt tiền tiêu thuộc vành đai bảo vệ phía Đông của Tổ quốc. Ý nghĩa tiền tiêu của Lý Sơn trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo đã được lịch sử khẳng định. Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được thành lập thời nhà Nguyễn, hằng năm xuất phát từ Lý Sơn thực hiện nhiệm vụ được Triều đình giao phó: Đo đạc địa hình, bảo vệ và cắm mốc chủ quyền, quản lý các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Về mặt kinh tế, Lý Sơn nằm án ngữ một trong những con đường lớn nhất vươn ra biển Đông từ cảng Dung Quất của khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung; có điều kiện kết nối giao thông-vận tải hàng hải với cả hai cảng biển: Cảng biển nước sâu khu công nghiệp Dung Quất và cảng Sa Kỳ. Với những giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa, kinh tế và quốc phòng, Lý Sơn rất cần được đảm bảo các điều kiện cơ sở hạ tầng và các nguồn lực để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế biển đảo, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc và phục vụ đời sống của nhân dân trên huyện đảo.

Trước khi chưa có nguồn điện lưới quốc gia tình hình cung ứng điện cho huyện đảo Lý Sơn được thực hiện như thế nào và gặp phải những khó khăn gì?

Ông Nguyễn Thành: Từ tháng 7/1999, tại 2 xã An Vĩnh và An Hải thuộc đảo Lớn đã có điện được cung cấp từ 1 tổ máy phát điện 340 kW chạy bằng dầu diesel và 2 trạm biến áp phụ tải 160 kVA do UBND huyện Lý Sơn quản lý. Lúc đầu, mỗi xã được dùng điện theo phương thức luân phiên, mỗi đêm có điện từ 4-5 tiếng. Đến đầu năm 2002, địa phương bàn giao lại cho ngành Điện quản lý. Sau khi tiếp nhận, Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng công ty Điện lực miền Trung) đã chủ trương lắp đặt bổ sung 8 tổ máy phát điện, công suất khả dụng 3.000 kW, cải tạo nâng cấp 9,6 km đường dây trung áp, 18,7 km đường dây hạ áp, 14 trạm biến áp phụ tải với tổng dung lượng 3.520 kVA để cấp điện cho nhân dân 2 xã trên đảo Lớn. Từ đó, nguồn điện trên đảo được cung cấp từ 17 giờ đến 23 giờ hằng ngày, không còn cắt điện luân phiên. Trong nhiều năm qua, mặc dù được UBND tỉnh Quảng Ngãi và ngành điện quan tâm đầu tư nguồn điện tại đây, nhưng cũng chỉ cung cấp 6 giờ/ngày vào ban đêm, chủ yếu phục vụ ánh sáng sinh hoạt; còn điện phục vụ các nhu cầu phát triển sản xuất, du lịch, đảm bảo an ninh quốc phòng trên đảo rất hạn chế. Với nguồn điện như vậy, rất khó để Lý Sơn phát huy tối đa tiềm năng sẵn có; rất khó đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế biển đảo như Chính phủ đã yêu cầu. Đã có nhiều phương án cấp điện cho đảo Lý Sơn được nghiên cứu và cân nhắc lựa chọn: Cấp điện bằng nguồn nhiệt điện, bằng năng lượng gió và năng lượng mặt trời, cấp điện từ hệ thống điện quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển. Sau quá trình xem xét, phương án cấp điện từ hệ thống điện quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển được Chính phủ, các bộ ngành và các chuyên gia đánh giá là phương án đảm bảo nguồn điện ổn định lâu dài và khả thi nhất.

Theo ông, hiệu quả lớn nhất mà người dân Huyện đảo Lý Sơn được thụ hưởng khi có Điện lưới Quốc gia là gì?

Ông Nguyễn Thành: Dự án cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm là một bước ngoặt lớn trong hoạt động điện lực tại đây. Từ nay, người dân huyện đảo không còn phải sống trong cảnh có điện “6 giờ một ngày” như trước đây. Huyện đảo đã được cung cấp từ một nguồn điện ổn định, đầy đủ, chất lượng cao, sẵn sàng phục vụ tất cả các nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Những tiềm năng về kinh tế, về văn hóa-xã hội, từ đó sẽ có thêm cơ hội được phát huy trọn vẹn, tạo ra những giá trị mới, xây dựng huyện đảo giàu đẹp hơn. Nguồn điện ổn định, liên tục này cũng sẽ góp thêm điều kiện phục vụ cho chiến lược phát triển lâu dài, bền vững của huyện đảo Lý Sơn, nâng cao năng lực an ninh quốc phòng tại huyện đảo, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; thực hiện thắng lợi Chiến lược Biển Việt Nam của Đảng và thực hiện thành công mục tiêu của Chính phủ về Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam. Như vậy, khi có nguồn điện lưới quốc gia thì trong tương lai gần các hộ chưa có điện sẽ được cung cấp điện là khả thi. Tiêu chí đến năm 2020 toàn bộ 100% dân cư các huyện đảo, xã đảo được sử dụng điện theo Nghị quyết của Chính phủ đối với Lý Sơn hoàn toàn có thể đạt được. Việc triển khai thực hiện và hoàn thành dự án là kết quả của lòng quyết tâm mạnh mẽ cả hệ thống chính trị, từ chủ trương lớn của Đảng về Chiến lược Biển Việt Nam đến những chỉ đạo của Chính phủ trong Quy hoạch phát triển kinh tế đảo và chủ trương cụ thể về việc thực hiện dự án cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm. Đây cũng là kết quả của quá trình nghiên cứu, tham mưu đề xuất của các bộ, ban, ngành Trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam để tìm ra phương án tối ưu đảm bảo cấp điện ổn định cho huyện đảo.

Kể cả phần đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện trên đảo; toàn bộ dự án đưa điện lưới Quốc gia bằng cáp ngầm ra đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có tổng mức đầu tư 678,7 tỷ đồng (gồm 652,5 tỷ đồng dự án cáp ngầm và 26,2 tỷ đồng dự án nâng cấp lưới điện trên đảo). Quy mô gồm: Xây dựng 8.746 mét đường dây 22kV trên không thuộc địa phận huyện Bình Sơn; 26.219 mét cáp ngầm 22kV xuyên biển. Và trên đảo Lý Sơn, quy mô gồm 7,4km đường dây 22kV; 8,5km đường dây 0,4kV; 15TBA với tổng dung lượng 3.330kVA.  Toàn bộ hệ thống lưới điện phân phối trên đảo đã được quản lý trên bản đồ số và được Tổng Công ty đầu tư lắp đặt 4280 công tơ điện tử thông minh với công nghệ đọc chỉ số từ xa “RF - Spider” do Công ty Công nghệ Thông tin Điện lực miền Trung sản xuất. Với công nghệ này, Tổng Công ty đã cung cấp cho khách hàng sử dụng điện dịch vụ rất tốt, một công cụ khách quan trong việc giám sát, tra cứu sản lượng sử dụng điện của chính mình qua Internet thông qua trang web Lyson.cpc.vn.
Theo: Báo ĐT Chính phủ