Sự kiện

Mùa mưa bão năm 2014: Các tỉnh “cầm trịch” vận hành hồ thủy điện

Thứ tư, 17/9/2014 | 09:02 GMT+7
Thủy điện đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Việc tận dụng nguồn thủy năng bằng cách xây dựng  đập ngăn nước nhằm cung cấp năng lượng, bên cạnh đó, các hồ thủy điện còn góp phần cắt lũ, điều tiết dòng chảy vào mùa khô để đảm bảo cho các nhu cầu dùng nước ở hạ du như: cấp nước tưới, giao thông thủy, phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch. Chính vì những vai trò quan trọng đó mà trong những thập niên gần đây, việc xây dựng các đập thủy điện ở Việt Nam là một phần của chiến lược quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng và phát triển kinh tế ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc phát triển thủy điện ở những vùng điều kiện tự nhiên phức tạp đã xảy ra  hệ lụy, vì vậy, để nỗ lực cải thiện tình hình để hướng đến một sự phát triển bền vững, các Bộ ngành chức năng đã sửa đổi bổ sung Quy trình liên hồ chứa thủy điện nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân hạ du trong mùa mưa lũ.


Hồ chứa Thủy điện Đồng Nai. Ảnh: Ngọc Hà/ICON.com.vn

Chủ động ứng phó

Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời với diễn biến thời tiết, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa, công trình thủy điện và vùng  hạ du, tháng 4-2014, EVN đã ra chỉ thị về công tác phòng chống thiên tai, lụt, bão năm 2014.

Theo đó, EVN yêu cầu các công ty thủy điện trực thuộc phải tiến hành kiểm tra, đánh giá tình trạng an toàn, vận hành điều tiết hồ đập theo quy trình; bảo dưỡng, sửa chữa trước mùa lũ đối với toàn bộ thiết bị, công trình liên quan đến vận hành chống lũ, đặc biệt là khu vực đầu mối (đập chính, đập phụ, đập tràn…); thường xuyên cập nhật thông tin về khí tượng - thủy văn, đảm bảo đầy đủ các phương tiện cần thiết phục vụ tính toán, điều tiết hồ chứa; kiểm tra, củng cố hệ thống thông tin liên lạc, sao cho thông suốt trong mọi tình huống diễn biến thời tiết.

Các công ty thủy điện phải phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, kiểm tra hiện trạng dòng chảy thoát lũ ở hạ lưu đập, kịp thời xử lý các vi phạm, lấn chiếm, làm ảnh hưởng tới khả năng thoát lũ của công trình, đảm bảo xả lũ an toàn, đồng thời ngăn ngừa và hạn chế thiệt hại cho hạ lưu khi xả lũ; thường xuyên tuyên truyền về công tác phòng chống lụt bão, xả lũ của hồ chứa, đặc biệt với nhân dân sinh sống gần hạ lưu công trình.

Nhà máy thủy điện A Vương nằm trên lưu vực sông  Vũ Gia - Thu Bồn có địa hình biến đổi khá phức tạp và chia cắt mạnh. Địa hình có xu hướng nghiêng dần từ Tây sang Đông tạo cho lưu vực có độ dốc rất lớn và đồi núi ăn sát ra biển. Vùng núi là thượng nguồn các dòng sông nằm ở sườn phía Đông dãy Trường Sơn Nam. Độ cao địa hình của vùng này  từ 1000 m trở lên, có địa hình dốc và đồng bằng hẹp. Vì vậy, lượng mưa hàng năm ở đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến dòng chảy của hệ thống sông này. Lượng mưa trung bình hàng năm của Quảng Nam dao động từ 1690 mm đến 4000 mm. Thượng lưu các các con sông khu vực miền núi phía Tây và Tây Nam có lượng mưa lớn nhất, trên 3000 mm/ năm. Vùng đồng bằng ven biển có lượng mưa trung bình khoảng 2000 – 2400 mm/năm. Đặc biệt, lượng mưa phân bố không đồng đều. Mùa mưa (tháng 9 – 12 hàng năm) chiếm 60 - 80% tổng lượng mưa. Mùa mưa cũng là thời điểm các loại hình thời tiết như: bão, áp thấp nhiệt  đới, không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới và các nhiễu động nhiệt đới khác hoạt động khá mạnh. Các loại hình thời tiết này có thể “đơn phương” hoặc kết hợp tương tác với nhau. Đặc biệt, một số trường hợp, bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ liên tiếp vào khu vực này gây mưa trên diện rộng, tạo thành lũ lớn ở miền Trung.

Với địa hình như vậy, cộng với lượng mưa lớn tập trung vào mùa mưa làm cho dòng chảy lũ trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn dồn về hạ lưu nhanh và khó kiểm soát. Đây là thách thức rất lớn cho công tác vận hành các đập thủy điện vào mùa lũ, đảm bảo an toàn đập cũng như vùng hạ du.

Xả lũ các công trình thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn là vấn đề “nóng” trong những năm gần đây. Bên cạnh việc tuân thủ nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa, trong quá trình vận hành xả lũ, căn cứ vào tình hình cụ thể, việc thông báo một cách cụ thể, chi tiết đến từng địa phương bị ảnh hưởng là vô cùng cần thiết, giúp người dân ở đó có các giải pháp chủ động phòng tránh, giảm thiệt hại về người và của. Vì vậy, Công ty thủy điện A Vương đặc biệt quan tâm công tác phòng chống lụt bão (PCLB) hàng năm. Ngoài việc kiểm định an toàn đập, kiểm tra xói lở bờ hồ chứa, bảo trì bảo dưỡng trang thiết bị tại đập, kiểm tra sạt lở đường giao thông nội bộ vào các tuyến đường vận hành  kịp thời xử lý để giao thông đảm bảo thông suốt, kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc , hệ thống chiếu sáng, hệ thống camera giám sát…Thủy điện A Vương phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng trong phòng tránh thiên tai, bão lũ, vừa bảo vệ an toàn công trình, vừa tránh những tai nạn về người và tài sản cho người dân hạ du.

Mực nước “trước lũ”: Tăng độ an toàn cho hạ du, giảm sản lượng điện

Phát triển các công trình thủy điện đã góp phần giải quyết nhu cầu năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích luôn song hành những bất lợi, cụ thể là việc xây dựng nhà máy thủy điện ở những vùng có điều kiện địa hình và dòng chảy phức tạp mà chưa “tính đúng, tính đủ” những thiệt hại có thể gây ra cho vùng hạ du sẽ dẫn tới phát triển không bền vững và thiếu hiệu quả, việc này các cơ quan quản lý đã cân nhắc, tính toán. Đối với những công trình thủy điện đã và đang vận hành, để khắc phục những hệ lụy do xả lũ , Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Công Thương đã tiến hành điều chỉnh quy trình xả lũ và thông tin cảnh báo đến người dân hạ du một cách kịp thời, tránh thiệt hại. Theo đó, Quy trình liên hồ chứa đã được sửa đổi và thực hiện vào mùa bão lũ năm nay. Thay vì, “không cho phép sử dụng phần dung tích hồ từ cao trình mực nước dâng bình thường đến cao trình mực nước dâng gia cường để điều tiết giảm lũ khi các cửa van của công trình xả chưa ở trạng thái mở hoàn toàn” như quy trình trước đây thì nay sửa đổi lại “Trừ trường hợp đặc biệt theo quyết định của TTg Chính phủ hoặc Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai”.

Đối với các hồ chứa không có nhiệm vụ chống lũ thường xuyên cho hạ du, trước đây, chỉ quy định mực nước đón lũ thì nay quy định cả mực nước trước lũ và đón lũ. Với quy định sửa đổi này, sản lượng điện của các nhà máy điện này sẽ giảm thấp hơn trước đây. Đơn cử, Nhà máy thủy điện A Vương (lưu vực sông Vũ Gia- Thu Bồn), có dung tích hữu ích 266.5 triệu m3, mực nước dâng bình thường là 380m, mực nước trước lũ là 376m, mực nước đón lũ là 370m.

Theo Quy trình cũ, căn cứ để vận hành giảm lũ là theo giá trị lưu lượng lũ cụ thể đến hồ, thì với Quy trình mới chỉ căn cứ theo mực nước khống chế trạm thủy văn hạ lưu hồ chứa thủy điện để vận hành giảm lũ.

Đặc biệt, thay thế cho quy định trước đây “Căn cứ vào dự báo, lưu lượng vào hồ và mực nước trạm thủy văn khống chế hạ lưu thì Giám đốc đơn vị quản lý, vận hành các hồ quyết định vận hành” thì nay “Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh quyết định phương án điều tiết, ban hành lệnh vận hành hồ giảm lũ, đón lũ hạ du” và lệnh ban hành này ít nhất là 4 giờ tính đến thời điểm thực hiện (thay cho trước đây là 2 giờ), trừ trường hợp khẩn cấp, bất thường.

Những nội dung được sửa đổi trên không áp dụng đối với các công trình trên lưu vực Sông Hồng - Lô Gâm, như: thủy điện Sơn La, Tuyên Quang, Hòa Bình và Thác Bà./
 
Thanh Mai