Thi công kéo cáp điện ngầm xuyên biển ra đảo Lý Sơn. Ảnh: Anh Minh
Ông Phạm Đủ, 79 tuổi, ở thôn Tây, xã An Hải cười móm mém, khoe là gia tộc nhà ông đã có mặt ở đảo bốn trăm năm lẻ. Có điện lưới quốc gia thì cảm thấy thế nào à? Là nhứt hoạng (nhất hạng) rồi – ông Đủ nói. Còn bà chủ khách sạn Đại Dương nằm sát cầu tàu thì lui cui dồn đống quạt 12V và mấy bình ăc quy to vật vào một góc, mặt tươi rói, giọng phấn chấn: Mấy bữa nữa chỗ quạt này sẽ thành đồ đồng nát, nhà tôi chằng phải lo thức đêm để “soạc” ắc quy nữa…
Giấc mơ bao đời thành hiện thực
Gần chợ huyện, len giữa đám xe hàng chở tủ lạnh, điều hòa, máy giặt… được bốc từ chuyến tàu sáng vào đảo, chúng tôi thấy một người đàn ông đứng tuổi tay chân lấm lem dầu mỡ, đang vã mồ hôi sửa chiếc máy phát điện cải tiến từ công nông đầu ngang. “Mỗi giờ cho thuê máy tôi tính 40 nghìn, trông nó đơn giản thế này thôi nhưng làm đủ mọi việc” – Ông chủ máy Võ Tấn Đông, thôn Tây, xã An Vĩnh nói. Chạy máy bơm nước, chạy điện cho ma chay, cưới xin, họp, hội thảo, xây nhà, hàn, khoan…cứ ai gọi là “điện di động” lên đường. Bây giờ tất tật làm gì cũng phải có điện, mà việc nào cũng cần kíp – như dân đảo nói là không thể “đau đẻ” chờ đến 5 giờ chiều – giờ phát điện cho toàn đảo bằng máy chạy dầu đi-ê-zen - thế nên ông Đông rất đắt khách. Cả đảo hiện có bốn, năm người làm “điện di động”, nhưng ông Đông vẫn tằng tằng đút túi hơn chục triệu đồng mỗi tháng. Sau này, chúng tôi điều tra ra, giá mỗi giờ ông Đông cho thuê máy là 60 nghìn đồng, chứ không phải 40 nghìn như ông nói. Khi được hỏi: Có điện từ đất liền kéo ra, mất một khoản thu không nhỏ mỗi tháng, có buồn không? Ông Đông trả lời rất thật là buồn vui lẫn lộn và vui nhiều hơn buồn, bởi lẽ là mất đi một khoản thu đều “như vắt chanh”, nhưng dẫu có máy phát điện, có tiền nhà ông Đông và dân cả đảo không thể chạy tủ lạnh, máy giặt, điều hòa…mở các xưởng chế biến nông sản, hải sản, nếu không có điện lưới quốc gia.
Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn khi không có điện, bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, cách đất liền 15 hải lý (tính từ cảng Sa Kỳ), diện tích tự nhiên gần 10 km2 với dân số hơn 22 nghìn người, Lý Sơn có vị trí chiến lược an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng. Huyện có hai đảo là đảo Lớn gồm hai xã An Vĩnh và An Hải và đảo Bé là xã An Bình. Dù có tiềm năng rất lớn về đánh bắt, dịch vụ hải sản, du lịch và trồng trọt, nhưng những năm qua, vì chưa có điện lưới quốc gia nên huyện không thể phát huy được hết những thế mạnh. Xã An Bình có hơn 100 hộ, được đầu tư mỗi hộ một pin năng lượng mặt trời, chỉ đủ thắp sáng và xem ti-vi một vài giờ trong ngày. Hai xã An Vĩnh và An Hải từ tháng 7-1999 đã có điện từ 1 tổ máy phát điện 340 kW chạy bằng dầu đi-ê-den và 2 trạm biến áp phụ tải 160 kVA do UBND huyện Lý Sơn quản lý. Lúc đầu, mỗi xã được dùng điện luân phiên đêm có, đêm không, mỗi đêm có điện từ 4 – 5 giờ. Ðầu năm 2002, ngành điện được giao quản lý. Từ đó Trạm điện Lý Sơn thuộc Công ty Ðiện lực Quảng Ngãi ra đời, là tiền thân của Ðiện lực Lý Sơn ngày nay. Sau khi tiếp nhận, Tổng Công ty đã chỉ đạo Công ty Điện lực Quảng Ngãi, Ðiện lực Lý Sơn lắp đặt bổ sung các máy phát điện, cải tạo nâng cấp 9,6 km đường dây trung áp, 18,7 km đường dây hạ áp, 14 trạm biến áp phụ tải với tổng dung lượng 3.520 kVA cùng 8 tổ máy phát điện, công suất 2.200 kW để cấp điện cho 2 xã trên đảo Lớn. Do chạy bằng dầu đi-ê-den nên giá thành sản xuất điện rất cao 8.481 đ/kWh, trong khi giá bán điện được khống chế 746 đ/kWh, nên hàng năm ngành điện phải bù lỗ hàng chục tỷ đồng. Mặc dù vậy, nhưng điện chỉ được cung cấp 6 giờ vào ban đêm và điện chỉ đủ đáp ứng ánh sáng sinh hoạt nên chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, sản xuất, du lịch, an ninh quốc phòng trên đảo. Đã có nhiều phương án cấp điện cho đảo Lý Sơn được nghiên cứu triển khai như sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời và gần đây nhất là xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than do Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam triển khai, nhưng không đạt hiệu quả nên phải tạm dừng.
Nhiều người dân Lý Sơn có mặt ở điểm đấu nối, khi thấy đầu cáp ngầm đã được kéo vào bờ, kể với chúng tôi: Cách đây một năm, nghe huyện thông báo sẽ triển khai dự án đưa điện lưới quốc gia ra đảo, dân không tin đâu. Là bởi bao dự án trước đó cũng “tưng bừng” lắm, nhưng cuối cùng mất tăm theo thời gian. Giờ thì ước mơ bao đời thành sự thật rồi. Vui lắm! Cả đảo đang náo nức như có hội…
Bừng sáng Lý Sơn!
Xuất phát từ yêu cầu bức bách phải sớm có đủ điện cho Lý Sơn, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 14-10-2013, Bộ Công Thương đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình “Cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm” với mục tiêu cung cấp điện ổn định, chất lượng phục vụ nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tổng công ty Điện lực miền Trung được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án. Cần phải nói thêm rằng, là đơn vị được giao đảm nhận nhiệm vụ quản lý đầu tư và kinh doanh điện năng để đáp ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên, những năm qua CBCNV Tổng công ty Điện lực miền Trung đã nỗ lực vượt qua bao khó khăn, lao động sáng tạo và đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, kết quả đến nay đã có 1.521/1.527 xã (99,61%) và 2.280.428/2.335.108 hộ dân nông thôn miền núi và biên giới đã được sử dụng điện (97,66%). Lãnh đạo Tổng Công ty cho biết, làm chủ đầu tư dự án cấp điện cho đảo Lý Sơn - một đảo được Chính phủ xác định thuộc nhóm các đảo “phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng an ninh”, nên đơn vị xem đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt và trọng tâm trong kế hoạch 2014 để tập trung chỉ đạo, ưu tiên mọi nguồn lực để triển khai dự án đạt chất lượng hiệu quả và tiến độ đề ra. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư rất khó khăn, Tổng Công ty quyết định tạm dừng hoặc giãn tiến độ đầu tư các công trình chưa thật sự cấp thiết, các công trình xây dựng nhà làm việc, trang bị phương tiện phục vụ sản xuất để ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng cho dự án với số tiền gần 102 tỷ đồng, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo để trực tiếp theo dõi, xử lý công việc và giám sát chặt chẽ chất lượng, tiến độ triển khai công trình. Và kết quả, việc kéo cáp ngầm đã hoàn tất trước kế hoạch 7 ngày.
Những ngày này ở Lý Sơn, đi đến đâu chúng tôi cũng thấy râm ran chuyện điện. Hôm này thì có điện hầy? Nhà ông, bà mua thêm đồ gì chưa? Đi biển về phen này không lo tôm cá bị hư vì có xưởng chế biến hải sản, có tủ cấp đông, hành tỏi không lo bị tư thương ép giá, bị trừ thẳng thừng 10% hao hụt vì không được sấy, được sơ chế…Ông Thanh, chủ khách sạn Viễn Đông – nơi nhóm PV Hànộimới đã từng lưu trú gần 10 ngày để đưa tin, bài về vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa Việt Nam – hớn hở khoe chúng tôi: “Sắp sướng đến nơi rồi!”. Nỗi sướng được ông nhẩm tính quy ra là mỗi năm khách sạn tiết kiệm được 80 triệu tiền điện. Ông Thanh đã đặt mua 10 máy điều hòa, thêm tủ lạnh, ti vi mới cho các phòng, chạy tẹt ga, mát “tận ông địa” vẫn có lãi, thế nên dù được đầu tư nâng cấp, nhưng giá phòng sẽ giảm từ 250 nghìn đồng/phòng xuống còn 200 nghìn để hút khách. Cũng chung nỗi sướng “tê” người khi có điện như ông Thanh, bà Võ Thị Vân, thôn Đông, xã An Vĩnh trước chỉ bán đồ gỗ, nay thấy nhu cầu của dân đảo tăng đột biến, đã nhanh nhạy chuyển sang bán đồ điện. Bà Vân nói mỗi ngày bán được ba, bốn cái tủ lạnh, đa phần chỉ trả trước một ít để lấy về dùng ngay vì tiền đều ém vào tàu, mà tàu đang đánh bắt ngoài khơi, phải đợi ngày cập bến. Mỗi chiếc tủ lạnh loại trung chuyển từ đất liền ra đảo mất 200 nghìn đồng, giá đắt thêm nhưng vì trên đảo đang có “cơn bão” tiêu thụ đồ điện sinh hoạt nên không có hàng tồn, chẳng thế mà đầu tháng 9, một công ty điện tử ở thành phố Quảng Ngãi ra bán có dăm ngày đã cất được “mẻ” gần 4 tỷ đồng. Đã có nhiều chủ đầu tư tíu tít ra đảo đặt vấn đề xây dựng khách sạn, mở các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến nông sản. Lãnh đạo huyện cũng đã có kế hoạch dài hơi để điện sẽ tạo ra những động lực mới khai thác tốt các tiềm năng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội…
Đêm trước khi rời Lý Sơn, chúng tôi đi dạo trên con đường bê tông bao quanh đảo tràn ngập ánh trăng. Mấy cụ già đang ngồi ngắm ánh điện từ xà lan kéo cáp tỏa những quầng sáng lung linh trên mặt biển, nói với chúng tôi: Các con cứ ngắm đi, chỉ mùa trăng này là sáng nhất thôi, mai có điện sáng rực đảo, trăng sẽ không tỏ như bây giờ…Chúng tôi lại nghĩ khác, sẽ có một vầng trăng mới trên biển Đông, sáng rực hàng đêm, không theo mùa, bất chấp mưa bão - đó là đảo Lý Sơn – quê hương của Đội Hùng binh Hoàng Sa, ngọn hải đăng của Tổ quốc.