Công nhân Nguyễn Văn Tuấn và bà Lê Thị Hay kể lại vụ việc chạm chập điện.
Chúng tôi tìm gặp các gia đình bị chạm chập, các công nhân trực tiếp xử lý sự cố… để ghi nhận góc nhìn của người trong cuộc về chạm chập điện.
Vừa mới bị chạm chập điện tại ngôi nhà trên đường Lạc Long Quân, quận Liên Chiểu, bà Lê Thị Hay (67 tuổi) kể lại: Tôi ở 1 mình, mỗi tháng tiền điện khoảng trên dưới 300.000 đồng nhưng tháng vừa qua bị chạm chập nên tăng vọt lên gần gấp đôi. Lúc thợ điện thông báo hệ thống điện nhà tôi bất thường, tôi còn cự nự rằng liệu có nhầm lẫn gì không vì điện vẫn sáng đều. Khi phát hiện chạm chập, tôi mới nhớ ra là dây điện ngoài trời đã dùng từ năm 2001, hơn chục năm mưa nắng nên xuống cấp là phải. Sau khi được Điện lực Liên Chiểu hỗ trợ xử lý chạm chập và tư vấn thì tôi liền thay dây dẫn từ trụ điện về nhà cho an toàn. Chạm chập điện là rất nguy hiểm nên tôi thay dây ngay. Từ đó đến nay, điện đóm trong nhà hoạt động bình thường, không có vấn đề gì cả.
Bà Hữu hú vía khi kể lại chạm điện ở hồ bơi mà gia đình không hề biết.
Dông dài câu chuyện, bà Hay chia sẻ thêm: “Nghe điện chạm là sợ lắm, trước đây nhà tôi có dùng cái ổn áp bị tăng điện đột ngột nên cháy các thiết bị điện trong nhà, cũng nhờ điện lực hỗ trợ xử lý giúp chứ đàn bà có biết gì về điện đâu. Tôi lấy kinh nghiệm từ việc chạm chập nhà mình để dặn dò con cháu phải cẩn thận khi sử dụng điện, lâu lâu phải nhờ thợ điện kiểm tra dây dẫn để đảm bảo an toàn. Cũng may phát hiện được sớm chạm chập chứ không trả tiền điện đến khổ. Tôi lưu số của điện lực trong điện thoại từ mấy năm trước, khi cần gì thì gọi để họ trợ giúp. Các chú thợ điện nhanh nhẹn, nhiệt tình, dù làm việc có mệt cũng vui vẻ không nề hà chi cả, thật đáng quý. Tôi đánh giá cao về ngành điện ở Đà Nẵng này, phục vụ ngày càng tốt hơn”.
Công nhân Phạm Hữu Phước trao đổi với khách hàng Hồ Thế Khoa về sử dụng điện.
Là người trực tiếp phát hiện chạm chập và hỗ trợ xử lý giúp bà Hay, công nhân Nguyễn Văn Tuấn (Điện lực Liên Chiểu) cho biết: PC Đà Nẵng có chương trình “Phân tích cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực từ đo xa” để cảnh báo sản lượng điện của khách hàng tăng giảm bất thường, đây là công cụ hữu hiệu giúp phát hiện sớm chạm chập hệ thống điện sau công tơ. Khi phát hiện sản lượng bất thường, chúng tôi nhanh chóng đến hiện trường, phối hợp với khách hàng để kiểm tra các thiết bị điện, kiểm tra dây điện trong nhà và đường dây sau công tơ. Có rất nhiều trường hợp xảy ra chạm chập là do dây dẫn sử dụng lâu ngày bị xuống cấp, cọ xát với các thanh kim loại, cành cây khiến lớp vỏ ngoài bong tróc…
Vừa qua, gia đình bà Nguyễn Thị Hữu (trú tại đường Khánh An 11, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) hú vía vì được điện lực phát hiện chạm chập kịp thời. Nhà bà khá khang trang, có hồ bơi mini, máy bơm ngầm bị chạm do hở dây ngập trong nước. “Nhờ mấy chú thợ điện phát hiện sớm bất thường rồi nhanh chóng đến nhà kiểm tra, xử lý giúp chứ cả nhà tui không ai hay biết chạm chập điện ở hồ bơi. Đúng là bên điện lực có chương trình gì đó rất hay, tự động phát hiện sản lượng điện tăng để cảnh báo khách hàng. Tính ra tháng bị chạm chập vừa rồi, nhà tui dùng điện ít hơn các tháng trước nên khi bên điện lực báo tin điện tăng hơn 100 kWh thì rất bất ngờ. Giờ mọi người trong nhà cảnh giác rồi, trước khi đi ngủ là phải kiểm tra xem các thiết bị điện không dùng đã tắt hết chưa, đi khỏi nhà vài ngày thì gạt luôn cầu dao cho an toàn” – bà Hữu nói.
Anh Huỳnh Thảo Nguyên chia sẻ về chương trình “Phân tích cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực từ đo xa” giúp phát hiện sớm chạm chập.
Theo công nhân xử lý sự cố Điện lực Liên Chiểu cho biết, hệ thống điện ở hồ bơi khá phức tạp, nếu không may rò điện ra hồ có nước thì rất nguy hiểm. Thời nay, hầu như nhà nào cũng chạy hệ thống điện âm tường nên rất khó phát hiện bằng mắt thường nếu xảy ra sự cố. Khi có sự cố về điện thì phải nhanh chóng ngắt cầu dao tổng rồi báo cho tổng đài 19001909 để được hỗ trợ kịp thời 24/7.
Chúng tôi tiếp tục tìm đến tiệm cắt tóc của Hồ Thế Khoa trên đường Hoàng Thị Loan, vừa mới bị chạm chập điện. “Lần trước em có cho hàng xóm cắm nhờ nguồn điện để cắt gỗ và bị sập aptomat, nghe tiếng xẹt nhỏ thôi và khi đóng lại aptomat thì vẫn dùng điện được bình thường nên không hề nghĩ gì đến chạm chập. Khi thợ điện nghi vấn, xuống kiểm tra hiện trường thì em mới biết. Nhờ phát hiện trong ngày nên sản lượng tăng không quá nhiều. Lâu lâu ở khu vực này cũng có cúp điện để sửa chữa chứ ít khi nghe thông tin chạm chập nên em cũng khá chủ quan. Giờ thì phải cẩn trọng hơn khi dùng điện vì rất nguy hiểm. Tiền điện tháng đó phát sinh gần 1 triệu đồng, gấp đôi bình thường nhưng cũng may là phát hiện sớm. Tiền điện tăng cao hơn không nói mà sợ nhất là nguy hiểm đến những người xung quanh. Sau khi hỗ trợ xử lý chạm chập, em được nhân viên Điện lực Thanh Khê tư vấn về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và cũng tự tìm hiểu thêm kiến thức về điện trong sinh hoạt hàng ngày” – Khoa kể.
Theo kinh nghiệm thực tế nhiều năm trong nghề, công nhân Phạm Hữu Phước – Tổ đo đếm Điện lực Thanh Khê chia sẻ: Khi chương trình của ngành điện phát hiện sản lượng tăng bất thường sẽ cảnh báo cho chúng tôi biết để nhanh chóng đến nhà khách hàng phối hợp kiểm tra. Như tại tiệm cắt tóc của em Khoa đây, khi tôi đến thử bút điện vào cửa sắt thì thấy sáng đỏ. Chúng tôi lần tìm khoảng 2 tiếng đồng hồ mới phát hiện bị rò điện dây dẫn khuất trên la phông. Sau khi xử lý chạm chập, chúng tôi hướng dẫn Khoa thêm kiến thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả; hướng dẫn cách tra cứu sản lượng điện hằng ngày qua app EVNCPC CSKH và liên hệ ngay đường dây nóng 19001909 để được tư vấn và hỗ trợ mọi thắc mắc liên quan đến sử dụng điện.
Là “cha đẻ” của sáng kiến “Phân tích cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực từ đo xa”, anh Huỳnh Thảo Nguyên - Phó trưởng phòng Kinh doanh (PC Đà Nẵng) cho biết: “Phần mềm ra đời từ tháng 9/2020, đến nay không chỉ áp dụng tại PC Đà Nẵng mà được nhân rộng trong toàn Tổng công ty Điện lực miền Trung, được tích hợp thống nhất vào chương trình Hệ thống thông tin quản lý khách hàng CMIS giúp phát hiện sớm cả nghìn vụ chạm chập điện mỗi năm tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, qua đó hạn chế được rủi ro cũng như chi phí tiền điện phát sinh không đáng có. Trước khi có ứng dụng này, thường thì các trường hợp chạm chập chỉ được phát hiện sau khi kết thúc kỳ ghi chỉ số điện hàng tháng, vừa lãng phí điện năng vừa rất nguy hiểm đối với con người. Chỉ tính riêng trên địa bàn TP Đà Nẵng từ đầu năm 2023 đến nay, thông qua chương trình cảnh báo kể trên chúng tôi đã phát hiện và xử lý kịp thời 19 vụ chạm chập điện sau công tơ khách hàng”.