Sửa chữa điện sau bão lũ
Nhìn lại lúc nguy nan
Hơn 1 tháng kể từ ngày cơn lũ lịch sử đi qua, nhưng khi nhắc lại, ông Nguyễn Văn Giang – Trưởng Chi nhánh điện Pác Nặm vẫn không khỏi bùi ngùi: Dẫu đây là mảnh đất phải thường sống chung với lũ, nhưng chưa bao giờ Pác Nặm phải hứng chịu cơn lũ nào khủng khiếp và bất ngờ như thế. Trong huyện, 7/10 xã bị cô lập hoàn toàn. Cơn lũ ập tới dữ dằn cuốn theo những tảng đá lớn, những thân gỗ to khiến 20 vị trí của đường dây hạ thế bị nghiêng hoặc đổ, gần 600 mét dây AP70 và một số công tơ bị trôi lấp. Đường dây 35 kV cũng có 2 vị trí đổ, 06 vị trí có nguy cơ sạt lở, khoảng 1000 mét dây AC 70 và sứ bị cuốn trôi, nhà điều hành bị sạt lở, nhiều cột bị gãy… Nhiều khu vực bị mất điện, giao thông tê liệt, việc vận chuyển lương thực, hàng cứu trợ đến đồng bào gặp trở ngại.
Trước tình hình khẩn cấp, Chi nhánh điện Pác Nặm đã xác định: Nhiệm vụ cấp bách là phải nhanh chóng nối lại dòng điện phục vụ cho công tác thông tin liên lạc của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão. Được sự ứng cứu kịp thời của Điện lực Bắc Kạn và cán bộ Công ty Điện lực 1, Chi nhánh điện Pác Nặm đã cùng Uỷ ban nhân dân huyện, các xã và các trung đoàn cơ động phối hợp khẩn trương cứu hộ, cứu nạn. Mặc dù là ngày nghỉ, nhưng cán bộ, công nhân Chi nhánh không nề hà, mỗi người một bộ áo mưa, ủng vượt hơn 20 km đường núi đến nơi có sự cố để khắc phục. 3 cán bộ nữ được phân công ở lại làm nhiệm vụ hậu cần, tổng hợp thông tin để kịp thời báo cáo.
Với tinh thần khẩn trương, kịp thời, chỉ trong thời gian ngắn, những cột điện đổ đã được dựng lại, những công tơ trôi theo dòng lũ được anh em công nhân lấy vật tư dự phòng lắp lại tức thời. Chính vì thế, ngay ngày hôm sau, khi cơn lũ đi qua, một số xã đã có điện. Tại xã Nhạn Môn và Công Bằng – hai xã gánh chịu tổn thất nặng nhất của đợt bão lũ, Chi nhánh điện Pác Nặm đã cùng với ngành giao thông vận tải huyện nạo vét bùn đất dày nửa mét trên đoạn đường 258B qua cánh đồng Pác Co, khơi thông những đoạn đường ách tắc, dựng lại các cột điện... Tính đến ngày 7/7, 4 ngày sau cơn lũ lịch sử, 100% số xã trong toàn huyện đã có điện trở lại, thông tin liên lạc được thông suốt, hỗ trợ tích cực cho công tác cứu trợ, cứu nạn của địa phương.
“Dự phòng là cách chống lũ tốt nhất”
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Giang cho biết: “Việc khắc phục hậu quả bão lũ được diễn ra kịp thời, khẩn trương là nhờ những phương án dự phòng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Là huyện nghèo, xa xôi nhất của Bắc Kạn, Pác Nặm được mệnh danh là “rốn lũ” bởi địa hình núi cao, hiểm trở, có độ dốc lớn. Số đường dây cao thế, trung thế, hạ thế mà Chi nhánh quản lý không phải là nhiều, nhưng các đường dây đều đi qua địa hình hiểm trở, thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá. Chính vì thế, hằng năm, ngay từ đầu mùa mưa bão, Chi nhánh đã xác định: Đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện trên địa bàn là một công tác trọng tâm của toàn Chi nhánh.
Được sự chỉ đạo sát sao của Điện lực Bắc Kạn, đầu năm 2009, Chi nhánh điện Pác Nặm đã xây dựng các phương án phòng chống lụt bão, diễn tập sự cố ở những nơi có địa hình phức tạp và tiến hành tổng kiểm tra lưới điện, đặc biệt là ở những xã đặc biệt khó khăn như: Bằng Thành, Nhạn Môn, Công Bằng, Giáo Hiệu, Yên Loan, An Thắng… Những trang thiết bị, dụng cụ kỹ thuật đều được thử nghiệm, kiểm định định kỳ để kịp thời phát hiện chỗ hỏng hóc, thay thế các thiết bị trên đường dây và TBA vận hành không an toàn, tổ chức thay cách điện của các đường dây và các trạm biến áp, xử lý các móng cột, móng néo có nguy cơ bị sạt lở… Vì thế, khi cơn lũ tràn về, anh em trong đơn vị không hề lúng túng, mà rất chủ động, linh hoạt xử lý các sự cố một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Những ngày này, tại Pác Nặm, người dân đã phần nào vơi đi nỗi đau, sự mất mát và bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Chi nhánh điện Pác Nặm lại bộn bề trong việc kiểm tra, ổn định hệ thống, thiết bị điện cũng như triển khai công tác phòng chống bão lũ cho thời gian tới. Trao đổi với chúng tôi, anh em công nhân Chi nhánh chia sẻ: Mong ước giản đơn của những người thợ điện nơi đây là giao thông, đường sá ở những huyện vùng cao như Pác Nặm cần được cải thiện để mỗi khi lũ đến, mất mát, thiệt hại của người dân nói chung và ngành Điện nói riêng được giảm thiểu đáng kể…