Diễn đàn năng lượng

Chỉ tiêu EBIT và EBITDA

Thứ hai, 22/12/2008 | 14:59 GMT+7
* EBIT: Thu nhập trước lãi vay và thuế (earnings before interest and taxes) là một chỉ tiêu dùng để đánh giá khả năng thu được lợi nhuận của công ty, bằng thu nhập trừ đi các chi phí, nhưng chưa trừ tiền (trả) lãi và thuế thu nhập. EBIT được đề cập đến như "khoản kiếm được từ hoạt động", "lợi nhuận từ hoạt động" hay "thu nhập từ hoạt động".

EBIT còn có thể tính bằng cách lấy tổng doanh thu trừ tổng biến phí (chi phí mà tỷ lệ của nó trong tổng chi phí sản xuất ra một sản phẩm sẽ thay đổi khi sản lượng thay đổi) và trừ tiếp tổng định phí (phần chi phí kinh doanh không thay đổi theo quy mô sản xuất, nếu xét trong một khuôn khổ công suất sản xuất nhất định).

Nói cách khác, EBIT là tất cả khoản lợi nhuận trước khi tính vào các khoản thanh toán tiền lãi và thuế thu nhập. Một yếu tố quan trọng đóng vai trò giúp cho EBIT được sử dụng rộng rãi là nó đã loại bỏ sự khác nhau giữa cấu trúc vốn và tỷ suất thuế giữa các công ty khác nhau. Do đó, EBIT làm rõ hơn khả năng tạo lợi nhuận của công ty và dễ dàng giúp người đầu tư so sánh các công ty với nhau.

* EBITDA: Thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao (earnings before interest, taxes, depreciation and amortization) là một chỉ tiêu đánh giá tỷ suất sinh lợi của doanh nghiệp, bằng thu nhập trừ các chi phí, nhưng chưa trừ tiền trả lãi, thuế và khấu hao.

EBITDA có thể được sử dụng để phân tích và so sánh mức lãi giữa các công ty hoặc các ngành bởi chỉ số này đã loại bỏ được ảnh hưởng do các quyết định về mặt kế toán và tài chính gây ra. EBITDA thường được sử dụng phổ biến trong các ngành có tài sản giá trị lớn, cần chiết khấu trong thời gian dài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Lý do chính EBITDA được sử dụng phổ biến là chỉ số này cho thấy mức lợi nhuận cao hơn thông thường. Công ty sẽ khiến cho bức tranh tài chính của mình thêm sáng sủa bằng cách đưa thêm chỉ số EBITDA, đánh lạc hướng sự chú ý của nhà đầu tư khỏi tỷ lệ nợ và chi phí hoạt động cao. Tuy nhiên, đôi khi doanh nghiệp bị thiệt hại lợi nhuận quá nhiều do chi phí khấu hao quá lớn, lúc đó EBITDA lại có thể là tiêu chí tốt để đánh giá thực lực của doanh nghiệp.

EBITDA khác với EBIT ở chỗ, EBIT không bao gồm khấu hao, còn EBITDA thì có khấu hao trong đó. Vì thế, còn có thể tính EBITDA bằng cách lấy EBIT cộng với khấu hao.
 
Lưu ý

EBIT là con số không phản ánh đúng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do trong công thức, EBIT đã loại ra phần chi phí khấu hao (mà thực tế thì chi phí khấu hao này không phải là chi phí bằng tiền phát sinh thật sự). EBITDA cộng chi phí khấu hao vào thì cũng không có nghĩa là phản ánh lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp (nhiều người lầm tưởng điều này và đây là điều nguy hiểm khi đánh giá lợi nhuận của doanh nghiệp). Khấu hao lớn hay nhỏ, ít hay nhiều do nguyên tắc kế toán quyết định. Do vậy, nếu nhìn vào EBITDA thì không được kết luận ngay lợi nhuận của doanh nghiệp là lớn hay nhỏ và không thể kết luận tốt hay xấu về doanh nghiệp. Chính vì thế, sử dụng EBITDA hay EBIT phải tuỳ hoàn cảnh và phải kết hợp với dòng tiền thật trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Theo: ĐTCK