Ngược lại, tài sản tài chính là các loại tài sản không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất hàng hóa - dịch vụ, như tiền, chứng khoán và các loại giấy tờ có giá... Các loại tài sản này chỉ là những chứng chỉ bằng giấy hoặc có thể là những dữ liệu trong máy tính, sổ sách. Cụ thể hơn, tài sản tài chính là những tài sản có giá trị không dựa vào nội dung vật chất của nó (giống như bất động sản gồm nhà cửa, đất đai), mà dựa vào các quan hệ trên thị trường. Nó bao gồm các công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi ngân hàng, tiền tệ và các giấy tờ có giá khác. Người chấp nhận thanh toán các tài sản tài chính trong tương lai gọi là người phát hành (thường là chính phủ, các tổ chức và công ty). Người sở hữu các tài sản tài chính gọi là nhà đầu tư. Giá trị của tài sản tài chính gọi là vốn tài chính.
Tài sản tài chính tạo thuận lợi cho việc chuyển vốn nhàn rỗi từ người có vốn (nhà đầu tư) sang người không đủ vốn (người phát hành). Tài sản tài chính có 2 chức năng cơ bản.
Thứ nhất, nó là phương tiện để dòng tài chính có thể dịch chuyển từ nơi dư thừa sang nơi đang thiếu, hoặc có cơ hội đầu tư sinh lợi.
Thứ hai, nó là phương tiện để dịch chuyển rủi ro từ người đang triển khai phương án đầu tư sang người cung cấp dòng tài chính cho các dự án đó. Tài sản tài chính cũng yêu cầu cao về lợi tức mà các tài sản thực tạo ra. Nói cách khác, tài sản thực tạo ra lợi tức thuần cho nền kinh tế, còn tài sản tài chính thì định ra sự phân phối lợi tức hoặc của cải giữa các nhà đầu tư.
Nhà đầu tư đem của cải của mình đi mua các loại chứng khoán (tài sản tài chính). Những người phát hành chứng khoán (công ty, chính phủ...) sử dụng số tiền huy động được từ việc phát hành chứng khoán để đầu tư mua tài sản thực như nhà xưởng, máy móc, thiết bị, công nghệ, hàng hoá và thương hiệu. Khi đó, thu nhập từ chứng khoán của nhà đầu tư chủ yếu từ lợi tức do các tài sản thực tạo ra và các tài sản thực này thì được tài trợ chủ yếu bằng việc phát hành chứng khoán.
Tài sản tài chính trên TTCK gồm các loại như:
Chứng khoán lợi tức cố định: chứng khoán này được trả lợi tức cố định hàng năm như trái phiếu chính phủ, trái phiếu công ty... Thông thường, lợi tức thấp do rủi ro rất thấp nếu tình hình tài chính của công ty tốt và lành mạnh.
Chứng khoán vốn (cổ phiếu thường): loại chứng khoán này luôn gắn liền với hiệu quả kinh doanh và tài sản thực của công ty. Cổ tức tùy thuộc vào kết quả hoạt động kinh doanh của công ty hàng năm. Nếu công ty hoạt động hiệu quả, giá trị phần vốn tăng, ngược lại nếu hiệu quả kém thì giá trị phần vốn sẽ giảm. Do đó, mức độ rủi ro là khá cao. Tuy nhiên, nếu phân tích và dự đoán chính xác hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty thì mức lợi nhuận thu được từ cổ tức và giá trị cổ phần đầu tư có thể rất cao.
Chứng khoán có điều kiện: chẳng hạn như hợp đồng quyền chọn (option) và hợp đồng tương lai (future). Loại chứng khoán này hiện rất thông dụng trên TTCK các nước do được sử dụng linh động và thuận tiện trong các giao dịch trên thị trường nhưng chưa phát triển ở TTCK Việt Nam.