Bạn trẻ tham gia hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2018. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Theo số liệu của Bộ Công thương, lượng điện tiết kiệm được sau 1 giờ hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất trong khoảng 5 năm gần đây trung bình ở mức 500.000kWh/năm. Bên cạnh nhu cầu điện đáp ứng cho các hoạt động tiêu dùng phục vụ sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ gia tăng với những nhu cầu thiết yếu, vẫn còn một bộ phận không nhỏ sử dụng điện lãng phí, chưa thiết kiệm, hoặc sử dụng điện chưa đúng cách.
Phóng viên đã phỏng vấn ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban kinh doanh - Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).
PV: Thưa ông, vì sao EVN lại lựa chọn làm nhà tài trợ chính cho sự kiện Giờ trái đất suốt 10 năm qua với các vị trí “nhà tài trợ Vàng”, “nhà tài trợ Kim cương” của chương trình này?
Ông Trần Viết Nguyên: Giờ trái đất được phát động bởi Quỹ bảo vệ thiên nhiên toàn cầu (WWF). Đây là một chiến dịch mang ý nghĩa sâu sắc và có tác động to lớn trong việc nâng cao ý thức của cộng đồng xã hội về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bắt đầu tại thành phố Sydney - Australia vào năm 2007, đến nay đã có 187 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia chiến dịch này. Riêng ở Việt Nam, ban đầu chỉ có 6 tỉnh/thành phố tham gia (năm 2009). Sau đó, chiến dịch liên tục lan tỏa và đến năm 2013, 100% các tỉnh, thành phố trên cả nước đã hưởng ứng chiến dịch này.
Là doanh nghiệp được nhà nước giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân, EVN luôn ý thức rất rõ trách nhiệm của mình đối với xã hội. Chính vì vậy, việc thúc đẩy các giải pháp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được EVN ưu tiên thực hiện. Và đồng hành cùng Giờ trái đất là một trong rất nhiều chương trình tuyên truyền, kêu gọi cộng đồng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả mà EVN đã và đang thực hiện.
PV: Thông điệp của Giờ trái đất 2018 là “Hôm nay tôi sống xanh hơn”. EVN thực hiện các hành động cụ thể gì để hưởng ứng thông điệp này với vai trò nhà tài trợ chính của chương trình, thưa ông?
Ông Trần Viết Nguyên: Hưởng ứng thông điệp của Giờ Trái đất 2018, EVN đã và đang thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền, tư vấn khách hàng các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nói chung và sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả nói riêng, kêu gọi toàn thể CBCNV Tập đoàn tham gia các hoạt động hưởng ứng Giờ trái đất tại cơ quan, gia đình và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các hành động cụ thể có thể kể tới như: Đi bộ, xe đạp cổ động chương trình; Trồng cây xanh; Phối hợp với Sở Công Thương, Đoàn thanh niên cơ sở, UBND các tỉnh thành phố tổ chức các sự kiện giờ trái đất tại các tỉnh, thành phố; Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, hệ thống thông tin cơ sở của địa phương tích cực tuyên truyền, cổ động cho chiến dịch Giờ trái đất và các hoạt động tiết kiệm điện. Treo băng rôn, poster, phướn, tờ rơi, phát tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn các hành động ưởng ứng về giờ trái đất. Đặc biệt, EVN kêu gọi toàn thể CBCNV, đặc biệt là các đoàn viên, thanh niên lan tỏa thông điệp của chiến dịch trên các trang mạng xã hội như Facebook, zalo, để đưa chiến dịch đến đông đảo cộng đồng.
Ngoài ra, với thông điệp “Hôm nay tôi sống xanh hơn” EVN chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường đầu tư lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời tại trụ sở các đơn vị; hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng và doanh nghiệp để đầu tư lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời tại nhà khách hàng và trụ sở doanh nghiệp.
PV: Ông đánh giá như thế nào về kết quả 1 giờ tắt điện các năm trước của Giờ Trái đất?
Ông Trần Viết Nguyên: Ý nghĩa chính của giờ trái đất không chỉ dừng lại ở chỗ chúng ta tiết kiệm được bao nhiêu kWh trong một giờ đồng hồ tắt đèn ở sự kiện chính, mà còn là các hoạt động tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường trong cả một năm.
Đông đảo người dân, từ người già đến các em nhỏ đã hiểu, thay đổi nhận thức và có nhiều hành động thiết thực trong cuộc sống để tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường sống ngày càng xanh, sạch và đẹp hơn. Bình quân có trên 65% nhân dân, doanh nghiệp cả nước được khảo sát trong năm 2018 đã có những hành động cụ thể về tiết kiệm điện như: sử dụng đèn tiết kiệm điện; thiết bị dán nhãn năng lượng; bình nước nóng năng lượng mặt trời, tắt các thiết bị điện, khi không sử dụng…
PV: Ông dự đoán thế nào về lượng điện sẽ tiết kiệm được trong sự kiện “1 giờ tắt đèn của Giờ trái đất 2018” ?
Ông Trần Viết Nguyên: Tôi hy vọng giờ tắt đèn năm nay với thông điệp “Hôm nay tôi sống xanh hơn” sẽ có nhiều người tham gia, hưởng ứng bằng những hành động thiết thực hơn và đặc biệt là cùng nhau thực hiện tắt đèn trong 1 giờ 20h30 - 21h30, sản lượng điện tiết kiệm sẽ cao hơn năm trước. Mọi người sẽ tham gia thực hiện các giải pháp, cách thức, hành động để hưởng ứng Giờ trái đất không những chỉ 1 giờ tắt đèn mà còn nhiều giờ, ngày, tháng và cả năm 2018 nữa. Chúng ta hãy chung tay hành động từ ngày hôm nay để bảo vệ cho tương lai mai sau.
Như chúng ta biết, cường độ sử dụng năng lượng của Việt Nam vẫn đang là một trong các nước có mức độ cao nhất, chứng tỏ chúng ta sử dụng năng lượng còn lãng phí, chưa tiết kiệm. Với mức độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện vẫn ở mức 2 con số (> 10%) bình quân hàng năm, thì mỗi năm chúng ta cần hàng trăm tỷ kWh giờ điện để đáp ứng nhu cầu này. Chi phí để tiết kiệm mỗi kWh điện chỉ bằng ¼ - 1/5 chi phí để sản xuất và phân phối 1 kWh điện tới người tiêu dùng cuối cùng; các nước phát triển trên thế giới ví “tiết kiệm điện là nguồn năng lượng đầu tiên”.
Việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả lại dễ thực hiện, ai cũng có thể làm được mọi lúc và mọi nơi như đơn giản nhất là “tắt thiết bị điện khi không sử dụng” và nhiều giải pháp hơn nữa. Tất cả chúng ta cùng hành động thì sẽ mang lại hiệu quả cao, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường.
PV: Kế hoạch truyền thông cũng như các giải pháp tiết kiệm điện của EVN trong năm 2018 này như thế nào, thưa ông ?
Ông Trần Viết Nguyên: EVN tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp về tuyên truyền tiết kiệm điện để nâng cao nhận thức cho khách hàng, người dân; tuyên truyền chủ trương của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là Chỉ thị 34/CT-TTg ngày 07/08/2017 của TTCP về tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện tới mọi người dân, khách hàng sử dụng điện.
Trong đó EVN sẽ chú trọng hơn vào tư vấn các giải pháp về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; Tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông, các đài phát thanh- truyền hình tăng cường tuyên tuyền tiết kiệm điện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sử dụng tối đa các kênh truyền thông có sẵn (Internet, facebook, zalo, sms…) để thông tin, tư vấn cho khách hàng cách thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Đầu tư lắp đặt thêm nhiều hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái tại trụ sở các đơn vị trực thuộc; hỗ trợ, hướng dẫn cho khách hàng cách thức, lắp đặt đấu nối hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái tại trụ sở khách hàng vào lưới điện của EVN. Nghiên cứu, thí điểm các mô hình tiết kiệm điện trong sinh hoạt; sản xuất, kinh doanh và nông nghiệp để làm cơ sở tuyên truyền nhân rộng mô hình ra các khắp cả nước. Với chương trình này, EVN kêu gọi mọi thành phần kinh tế và xã hội hãy cùng chung tay, chung sức để có thêm nhiều giải pháp tiết kiệm điện cho khách hàng, người dân và doanh nghiệp.
Để sử dụng điện an toàn và tiết kiệm
- Phải lựa chọn dây dẫn điện phù hợp với công suất thiết bị trong nhà.
- Các thiết bị sử dụng điện phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định.
- Phải có thiết bị bảo vệ (cầu chì, aptômat) phù hợp ở các vị trí cần thiết.
- Phải có tiếp đất an toàn cho các thiết bị điện.
- Không để các thiết bị phát nhiệt (bếp điện, bàn là, máy sấy...) gần các đồ vật dễ cháy.
- Không sử dụng các thiết bị điện hở (không có lắp che chắn), hạn chế sử dụng thiết bị điện có vỏ bằng kim loại.
- Phải tắt điện trước khi rời khỏi nhà.
|