Tin thế giới

Chiến lược khai thác năng lượng mặt trời của Ấn Độ

Thứ ba, 18/8/2009 | 19:42 GMT+7

Ấn Độ sẽ đầu tư 19 tỷ USD trong vòng 30 năm tới đây cho quá trình nghiên cứu và phát triển nguồn năng lượng mặt trời với hy vọng có thể sản xuất được 20.000 mê-ga-oát (MW) vào năm 2020 và 200.000 MW vào năm 2050, tăng rất nhiều so với 51 MW trong năm nay.


Kế hoạch này sẽ bắt đầu được triển khai vào tháng 9 tới đây, chỉ một vài tuần trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh quốc tế Copenhague về thay đổi khí hậu, dự kiến diễn ra vào tháng 12 năm nay. Ấn Độ, quốc gia sản xuất năng lượng mặt trời đứng thứ 4 thế giới, hiện mới chỉ sản xuất được 0,1% lượng năng lượng mặt trời của toàn thế giới. Nguồn năng lượng sản xuất ra còn kém 50 lần so với Đức, quốc gia đứng ở vị trí số 1 toàn cầu.

Cho tới thời điểm hiện tại, New Delhi mới chỉ khuyến khích một cách tương đối dè dặt việc sản xuất năng lượng mặt trời. Bộ trưởng Ấn Độ phụ trách năng lượng tái tạo cho biết ông đặc biệt hoan nghênh quyết định của chính phủ hỗ trợ tài chính để phát triển nguồn năng lượng sạch này, theo đó sẽ xây dựng các trung tâm năng lượng mặt trời với công suất tối thiểu 50 MW.

Việc mua các trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho quá trình sản xuất năng lượng mặt trời sẽ được tiến hành với giá ưu đãi, miễn giảm thuế và các trung tâm sản xuất nguồn năng lượng này cũng sẽ không phải đóng thuế trong vòng 10 năm.

Kế hoạch chinh phục nguồn năng lượng mặt trời của Ấn Độ đề ra 3 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1 kéo dài từ năm 2009 - 2012 với mục tiêu phổ biến rộng rãi việc tạo ra điện từ quang năng. Kế hoạch đề xuất việc xây dựng nhiều nhà máy điện quang năng ở quy mô thương mại. Toàn bộ các văn phòng, tòa nhà của chính phủ sẽ được đặt những tấm pin thu năng lượng mặt trời. Các hoạt động khác bao gồm phát triển việc cho vay vốn nhỏ để giúp khoảng 20 triệu hộ trong nước lắp những thiết bị chiếu sáng dùng năng lượng mặt trời vào năm 2020; xây dựng các mạng lưới điện nhỏ, độc lập ở cấp làng xã, vùng sâu vùng xa; triển khai những chương trình mua điện mặt trời của dân, tương tự như ở Đức. Giai đoạn 2 kéo dài từ năm 2012 - 2017, chú trọng vào việc tăng công suất điện quang năng lên 6-7 GW, triển khai những kỹ thuật, công nghệ mới, tiếp tục đẩy mạnh việc phổ biến các hệ thống chiếu sáng, sưởi ấm sử dụng quang năng. Giai đoạn 3 kéo dài từ năm 2017 - 2020, trong đó đẩy nhanh việc phổ biến những ứng dụng quang năng, thương mại hóa các công nghệ tích trữ điện, giảm bớt sự trợ giá của chính phủ và tăng công suất lên mức 20GW.

Theo: (ĐCSVN)