Ký kết hợp tác giữa Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang và ICDREC tiếp tục mở ra cơ hội ứng dụng cho chip Việt
Nhiều doanh nghiệp trong nước dùng SG8V1
Theo thỏa thuận hợp tác, Điện Quang và ICDREC (thuộc Đại học Quốc gia TPHCM) sẽ hợp tác sản xuất các sản phẩm sử dụng vi mạch như chế tạo các thiết bị dùng công nghệ giao tiếp không dây cho các hệ thống điều khiển chiếu sáng thông minh của Điện Quang. Cụ thể là các vi mạch trong hệ thống điều khiển đèn đường, đèn giao thông, chiếu sáng dân dụng, công nghiệp... Những sản phẩm này sẽ được phát triển trên cơ sở chip SG8V1 mà ICDREC đã nghiên cứu chế tạo thành công trong thời gian qua. Chưa hết, trong chương trình hợp tác giữa hai bên, ICDREC cũng sẽ phát triển các dòng chip chuyên dụng LED driver cho sản phẩm đèn LED của Điện Quang.
Trong bối cảnh trong nước hiện nay, ICDREC là đơn vị đi đầu trong việc nghiên cứu và chế tạo chip và Điện Quang là công ty hàng đầu trong sản xuất thiết bị chiếu sáng. Do đó, sự hợp tác giữa hai bên cho thấy vừa giúp nâng cao hàm lượng chất xám trong sản phẩm nội địa, vừa giúp phát triển ngành công nghiệp vi mạch của Việt Nam, là hướng đi phát huy “sức mạnh nội sinh” cần thiết.
Trước đây, kỹ sư Huỳnh Minh Hải của Công ty Công nghệ kỹ thuật điện Toàn Cầu (quận Bình Thạnh, TPHCM) đã nghiên cứu chế tạo được thiết bị PowerEco giúp tiết kiệm điện 30% - 60%, với “trái tim” chính là chip SG8V1. Từ đầu năm 2015 đến nay, các thiết bị PowerEco đã được chuyển đổi sử dụng chip SG8V1 do ICDREC nghiên cứu và phát triển, thay thế cho chip MSP430 nhập khẩu từ Mỹ. Đến nay, 400 bộ PowerEco sử dụng loại chip Việt này đã được chuyển giao cho các đối tác. Quá trình đánh giá cho thấy chip SG8V1 có độ bền và ổn định tương đương các sản phẩm ngoại nhập.
Thêm sản phẩm ứng dụng chip Việt khá thiết thực trong đời sống là thiết bị Scale Doctor - thiết bị điện tử xử lý nước đầu tiên tại Việt Nam, được Công ty TNHH Hozentech kết hợp với ICDREC nghiên cứu và chế tạo trên nền chip SG8V1. Hiện đã có gần 100 doanh nghiệp, là các công ty công nghiệp lớn, đã sử dụng Scale Doctor để xử lý cáu cặn, gỉ sét cho lò hơi, ống nước… mang lại hiệu quả cho kinh tế lẫn môi trường.
Theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, tính đến nay thì chip Việt của ICDREC đã được dùng làm “trái tim” cho gần 50 sản phẩm của các công ty khác. Đây là một chuyển biến đáng mừng, nhất là ở góc độ chip Việt nhận được lòng tin từ khách hàng.
Mong muốn nhiều hơn nữa
Hệ thống chiếu sáng thông minh (có thể tự điều chỉnh độ sáng) hay các bóng đèn LED có hiệu năng cao trong ngành chiếu sáng và tiết kiệm điện năng đang là xu hướng chung được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng. Để làm được những sản phẩm như vậy, yêu cầu phải có những con chip thông minh để gắn vào. Theo ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, hiện mỗi năm Điện Quang phải nhập khẩu cả triệu con chip các loại để phục vụ cho hoạt động sản xuất bóng đèn của mình.
Còn trong dự án hợp tác kéo dài 5 năm lần này, ngoài việc sử dụng các con chip có sẵn như SG8V1, Điện Quang sẽ cùng ICDREC nghiên cứu và chế tạo ra những con chip dùng riêng cho sản phẩm Điện Quang. Dự kiến trong thời gian tới, một số con chip của chương trình hợp tác này sẽ được ra đời và đưa vào sử dụng, qua đó nâng cao vị thế của những sản phẩm chiếu sáng công nghệ cao mang thương hiệu Việt Nam, hướng tới xuất khẩu. Hiện hầu hết các sản phẩm vi mạch được ứng dụng trong sản xuất của doanh nghiệp Điện Quang được nhập từ Mỹ, Nhật và Đài Loan…
Phía Điện Quang đưa ra nhận định, ngành chiếu sáng trong những năm gần đây chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của chiếu sáng điện tử, tốc độ tăng trưởng của đèn LED có sự bứt phá mạnh so với các sản phẩm chiếu sáng truyền thống. Từ năm 2010 đến nay, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang cho ra đời mỗi năm khoảng 300 sản phẩm mới, trong đó gần 1/2 là sản phẩm LED. Đặc biệt, sau chuỗi sự kiện “LED - Kỷ nguyên chiếu sáng mới” của Điện Quang, nhu cầu của người tiêu dùng về LED ngày càng đa dạng và phong phú, dẫn đến nhu cầu về chip IC dùng cho sản xuất LED Drive của Điện Quang cũng ngày càng tăng…
Ông Ngô Đức Hoàng khẳng định, việc hợp tác này nếu thành công không những giúp ngành công nghiệp vi mạch TPHCM phát triển trong lĩnh vực chiếu sáng mà còn giảm ngoại tệ nhập khẩu vi mạch, cũng như giúp giảm giá thành sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất. Cũng theo ông Hoàng, dù có những con chip Việt tốt, rẻ nhưng nếu doanh nghiệp trong nước không ứng dụng thì cũng vô nghĩa… cho nên, sự hợp tác lần này giữa Điện Quang và ICDREC hết sức ý nghĩa và cũng mong rằng có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia ứng dụng chip Việt.