Tham dự cuộc họp có ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai (PCTT); ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai; ông Nguyễn Trọng Bình – Phó Tổng tham mưu trưởng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai; lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan.
Về phía EVN, có ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Hội nghị được trực tuyến đến 27 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Bắc Bộ đến Nghệ An.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, hồi 04h00 ngày 17/7, tâm bão ở 20,0 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 340km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15. Trong 24h tới, bão di chuyển hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h; cường độ cấp 11-12, giật cấp 15.
Dự kiến, bão số 1 đổ bộ vào đất liền từ Quảng Ninh - Thái Bình vào chiều tối ngày 18/7.
Từ chiều và tối ngày 17/7, khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14. Biển động dữ dội.
Từ gần sáng ngày 18/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 13; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ cấp 6-7, giật cấp 9.
Đến nay, Chính phủ và các các bộ, ngành và các địa phương đã ban hành các công điện về ứng phó với bão số 1. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã chủ động các phương án ứng phó như: kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền di chuyển vòng tránh, thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú; rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm và trên các lồng bè…
Về phía EVN, Tập đoàn đã ban hành các công điện (Công điện số 4067/CĐ-EVN ngày 14/7/2023; Công điện số 4083/CĐ-EVN ngày 16/7) về công tác ứng phó; khẩn trương thực hiện các nội dung chỉ đạo liên quan tại các công điện, văn bản chỉ đạo của các cấp; chủ động phương án kết nối, chỉ đạo trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác kiểm tra, chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó.
EVN và các đơn vị thành viên cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra; tạm dừng các hoạt động chưa cần thiết; Tổ chức ứng trực đầy đủ 24/24h.
Hiện nay, hệ thống đập, hồ chứa, hệ thống lưới điện chưa bị ảnh hưởng bởi bão. Mực nước các hồ chứa trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng đều thấp hơn mực nước dâng bình thường, dung tích phòng lũ còn khoảng 12 tỷ m3.
Cụ thể, mực nước các hồ chứa Sơn La, Hoà Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đều đang thấp hơn mực nước cho phép (tính đến 5h00 ngày 17/7: Sơn La: thấp hơn 4,2m; Hoà Bình thấp hơn 9,41m; Tuyên Quang thấp hơn 5,2m; Thác Bà thấp hơn 7,35m).
Phát biểu kết luật cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các bộ, ban, ngành, địa phương trong công tác chủ động ứng phó với bão số 1.
Bão số 1 có cường độ mạnh, dự báo hoàn lưu sau bão kéo dài và phức tạp, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ và các Công điện của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh 4 lưu ý trong ứng phó với bão số 1: Không chủ quan lơ là; chủ động linh hoạt; phối hợp tốt trong cung cấp thông tin, ứng xử từng tình huống cụ thể; chuẩn bị chu đáo nhất có thể, với mục tiêu không có thiệt hại về người và giảm tiểu tối đa thiệt hại về tài sản.