Sự kiện

Chủ tịch VAE Trần Viết Ngãi: Nên dẹp bỏ hết các dự án thủy điện nhỏ

Thứ tư, 17/7/2013 | 14:04 GMT+7
Đó là ý kiến của ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VAE) khi đánh giá về chất lượng, hiệu quả của các dự án thủy điện nhỏ. Theo ông Ngãi, thủy điện nhỏ không chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng sản lượng điện phát. Việc xây dựng, phát triển tràn lan thủy điện nhỏ theo phong trào cần xem xét lại.

PV: Công tác phê duyệt, quy hoạch thủy điện nhỏ hiện nay tại các địa phương theo ông có vấn đề gì không?

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VAE)
Ông Trần Viết Ngãi: Bộ Công Thương làm nhiệm vụ quy hoạch tổng thể thủy điện vừa và nhỏ, riêng với các dự án thủy điện có công suất nhỏ chỉ tầm vài MW thì các địa phương được phân cấp và có thẩm quyền phê duyệt, quy hoạch.

Để được phê duyệt dự án phải đảm bảo các điều kiện khá chặt chẽ như hiệu quả kinh tế - xã hội, tiêu chuẩn kỹ thuật, mức độ tác động đến môi trường.v.v..của dự án. Tuy nhiên trên thực tế, do các địa phương hầu hết đều muốn nâng tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh nhà nên trong công tác phê duyệt, quy hoạch rất dễ dãi và có phần nóng vội.

PV: Vậy năng lực của đội ngũ làm công tác quy hoạch và phê duyệt các dự án thủy điện nhỏ tại địa phương liệu có đáp ứng được yêu cầu?

Theo tôi được biết, những người làm công tác thẩm định, phê duyệt thủy điện nhỏ tại các địa phương đều không có kiến thức, chuyên môn, trình độ, kinh nghiệm, kỹ thuật, quản lý, tư vấn, thiết kế thủy điện. Do vậy làm qua loa. Đáng tiếc hơn, đến cả chủ đầu tư các dự án thủy điện nhỏ cũng đều không có kinh nghiệm, “tay ngang” nên đương nhiên kéo theo chất lượng khi thi công. Nhiều dự án khi đưa vào vận hành đều không ổn định.

Tâm lý của các nhà đầu tư thủy điện nhỏ là cứ hễ thấy địa phương này có dòng sông, dòng suối có thể làm thủy điện là cứ thế tìm mọi cách huy động vốn để làm mà chẳng tính đến hiệu quả kinh tế của dự án, làm xong sẽ bán điện cho ai, bán bằng cách nào và với mức giá ra sao.

Rồi hậu quả là, nhiều dự án cứ triển khai xong mà không làm đường dây đấu nối truyền tải nên không thể bán điện được. Đến khi đầu tư đường dây truyền tải lên tới hàng chục tỷ đồng (cho khoảng chiều dài vài chục km) thì lại không có chuyên môn về quản lý, vận hành đường dây, phải bán điện với giá thập nên lỗ triền miên, doanh thu từ bán điện không đủ trả lãi ngân hàng.





Vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vào trung tuần tháng 6 vừa qua do chất lượng công trình yếu kém đã gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Ảnh: Nguyễn Giác

PV: Theo ông, chất lượng các công trình thủy điện nhỏ hiện nay như thế nào?

Xây dựng đập thủy điện mà dùng công nghệ “đất trộn cát” thì không thể chấp nhận được. Chủ đầu tư đã không có kiến thức về thủy điện nhưng lại chẳng có ai tham vấn nên tất cả mọi khâu từ thiết kế, thi công đến giám sát đều do chủ đầu tư quyết định.

Tiêu chuẩn đập thủy điện vừa và nhỏ, bê tông đập phải đáp ứng quy chuẩn “đập đất đá đổ”, tức là giữa lõi đập đổ bằng đất sét đầm kỹ, hai bên đổ đá dăm, phía ngoài đập là đá hộc. Trong đó đá dăm giữ lõi thép bên trong để chống thẩm thấu, đá hộc che giữ đập bền vững. Thậm chí chủ đầu tư và đơn vị thi công phải chọn loại đất sét, đá dăm đạt yêu cầu để đưa vào. Nếu thi công không đúng tiêu chuẩn này, chỉ cần áp lực nhỏ, đập cũng đã nghiêng đổ ngay.

Có thể nói, chất lượng các công trình thủy điện nhỏ hiện nay đang ở mức đáng báo động. Nhiều công trình yếu, kém về chất lượng. Đó là hệ quả tất yếu vì cả người làm công tác quản lý lẫn chủ đầu tư dự án đều “tay ngang”. Rất nhiều dự án công suất có vài MW khi đưa vào vận hành mới vài tháng mà đã sửa lên, sửa xuống, vận hành không ổn định, không an toàn, không hiệu quả kinh tế.

PV: Đánh giá của ông về đóng góp của các dự án thủy điện nhỏ cho an ninh năng lượng quốc gia?

Từ lâu, EVN cùng với các đơn vị tư vấn trong và ngoài ngành Điện đã tính toán quy hoạch thủy điện trên các dòng sông lớn như: sông Đà, sông Đồng Nai, sông Bung, sông Trà Khúc, sông Sê San... Các dự án từ 30 MW trở lên thì EVN đều đã làm hoặc đang triển khai hết rồi. Tiếp đó là những thủy điện nhỏ dưới bậc thang thì những chủ đầu tư nhanh nhạy cũng đã làm. Giờ hầu hết chỉ còn những dự án “khó nhai”, nếu làm sẽ lỗ là cái chắc.

Để xây dựng thủy điện phải làm đường vào do vậy kéo theo nạn phá rừng, khai thác vàng, khoáng sản, ảnh hưởng tới môi trường rất nhiều. Do vậy có thể nói thẳng là hiệu quả là không có. Sản lượng điện phát của thủy điện nhỏ không chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng điện nên có hay không thủy điện nhỏ cũng không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.

PV: Theo ông thì số phận các dự án thủy điện nhỏ đang và sẽ triển khai sẽ đi về đâu?

Tại Diễn đàn Thủy điện nhỏ mới đây được Hiệp hội năng lượng VN và Phòng Thương mại Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức, nhiều chủ đầu tư khi lên phát biểu đã khóc vì thua lỗ triền miên. Nhiều người tâm sự mới đầu huy động vốn tự có, vay anh em bạn bè, kế tiếp là phải gán hết nhà cửa, tài sản cho ngân hàng đầu tư vào thủy điện nhỏ. Tuy nhiên, khi đi vào vận hành không am hiểu, thiếu kiến thức và kinh nghiệm quản lý vận hành, kỹ thuật nên thua lỗ nẵng. Mùa khô thì không có nước để phát điện, mùa mưa thì Tập đoàn Điện lực VN (EVN) không mua vì thực tế mùa mưa EVN không thiếu điện do lượng nước về hồ của EVN rất tốt.

Vừa rồi, Bộ Công Thương đã vào cuộc và chính thức loại bỏ 338 dự án thủy điện nhỏ ra khỏi quy hoạch tổng thể, và không đưa vào quy hoạch 169 vị trí tiềm năng cũng có thể xem là bước vào cuộc quyết liệt đối với việc rà soát lại các công trình thủy điện nhỏ và vừa.

Theo Tổng sơ đồ điện VII, năm 2017 sẽ chấm dứt triển khai các dự án thủy điện mới. Có thể coi đây là hồi kết đối với các dự án thủy điện nhỏ. Rồi tới đây, dù địa phương có kêu gọi mấy cũng không ai dám làm. Đây cũng là bài học đắt với chủ đầu tư, địa phương và các cơ quan quản lý.

Xin cảm ơn ông!

Sau vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vào trung tuần tháng 6 gần đây gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân, đã có một phát hiện bất ngờ là chủ đầu tư công trình đã không nộp bất kỳ một tài liệu nào liên quan đến hồ sơ thiết kế công trình về Sở Công Thương hay Sở Xây dựng. Sở chủ quản chỉ góp ý kiến về thiết kế cơ sở. Phần thiết kế, thẩm định, thi công, giám sát thi công công trình đều phó mặc cho chủ đầu tư.
Ngọc Thọ / ICON.com.vn