Tin trong nước

Mường Chiên, những ngày dời dân vùng lòng hồ

Thứ ba, 1/12/2009 | 09:05 GMT+7

Xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) là xã nằm trong vùng ngập dự án thủy điện Sơn La có tổng số hộ dân phải di dời lớn nhất huyện. Sau 5 năm triển khai dự án, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc, đến nay, những hộ dân cuối cùng đang di dời khỏi vùng lòng hồ, góp phần quan trọng cho việc xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La đúng tiến độ.

Nhân dân xã Mường Chiêng (Quỳnh Nhai, Sơn La) chuẩn bị di chuyển về quê mới.
Chúng tôi cùng đoàn công tác của đồng chí Thái Phụng Nê, đặc phái viên của Chính phủ, thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước dự án thủy điện Sơn La kiểm tra công tác di dời các hộ dân khỏi vùng ngập tại xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai. Vào vùng ngập thỉnh thoảng lại bắt gặp những chuyến xe chuyển dân ngược trở ra cảm giác như đi chiến dịch. Vui câu chuyện, đồng chí Nê nhớ lại những ngày chuyển dân thủy điện Hòa Bình cách đây 25 năm: "Lúc đó mình kinh nghiệm còn ít, khi ngăn sông, nước hồ lên nhanh, bà con vùng thượng lưu dọc sông Ðà phải di dời rất vất vả. Dự án thủy điện lần này, không thể để xảy ra chuyện đó".

Chủ tịch UBND xã Mường Chiên Lò Văn Vịn, cho biết: Xã có diện tích tự nhiên 8.217 ha, khi nước ngập, hơn 10% diện tích trên sẽ bị chìm dưới lòng hồ. Ngoài chín bản, chín xóm quanh khu vực thị trấn huyện lỵ còn 76 đơn vị cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện, với 2.232 hộ dân, 7.186 nhân khẩu phải di dời ra khỏi vùng ngập. Duy nhất cả xã, chỉ có bản Bon còn lại 105 hộ trên cốt ngập 218 m không phải di chuyển. Kể từ khi 23 hộ dân đầu tiên của bản Tung Tẩu di dời vào ngày 18-10-2006, đến nay trên địa bàn xã Mường Chiên đã di chuyển ra khỏi vùng ngập được 2.178 hộ. Ðến đầu tháng 11-2009, toàn xã chỉ còn 53 hộ, chủ yếu là các hộ dân kinh doanh ở khu vực chợ sẽ là những hộ dân di chuyển cuối cùng.

Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lịch nút cống dẫn dòng, tích nước hồ thủy điện đã được ấn định vào đầu tháng 5-2010. Vì vậy, nhiệm vụ của tỉnh Sơn La đặt ra từ nay đến trước Tết Nguyên đán Canh Dần còn phải di chuyển nốt khỏi vùng ngập khoảng 1.600 hộ dân.

Thật ra, công tác di dân của xã Mường Chiên không hề dễ dàng. Hai bản Chẩu Quân và Nghe Toỏng nằm sát huyện lỵ, đã có lúc bà con phản ứng gay gắt do chủ trương bố trí sắp xếp tái định cư chưa phù hợp. Ðược sự chỉ đạo kịp thời của Ban Chỉ đạo di dân huyện, Ðảng ủy, UBND xã Mường Chiên đã xác định công tác tuyên truyền vận động di dân phải đặt lên hàng đầu. Ngoài việc tuyên truyền, giải thích chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, xã Mường Chiên lấy ý kiến nhân dân. UBND xã phối hợp Ban QLDA di dân TÐC huyện thực hiện ba bước công khai về thống kê, kiểm đếm tài sản, đất đai, xác định đối tượng, nên được nhân dân đồng tình ủng hộ. Hàng chục trường hợp di chuyển vào vùng ngập sau thời điểm Quyết định 196/QÐ-TTg của Chính phủ công bố quy hoạch được phát hiện không thuộc đối tượng hưởng chính sách bồi thường hỗ trợ di dân. Nếu không sớm phát hiện sớm sẽ dẫn đến đơn thư khiếu nại, Nhà nước thất thoát hàng tỷ đồng. Ðể tổ chức di chuyển dân nhanh, an toàn Ban Chỉ đạo di dân TÐC xã Mường Chiên kêu gọi nhân dân đổi công hỗ trợ bốc xếp, tháo dỡ nhà cửa. Hộ chưa di chuyển giúp hộ di chuyển trước, nhân dân chín xóm giúp bà con nhân dân chín bản di chuyển. Ngoài ra, đoàn xã phối hợp đội thanh niên xung phong tình nguyện giúp dân di chuyển không nhận tiền công đã góp phần đẩy nhanh tiến độ. Nhờ phương pháp tổ chức di chuyển hiệu quả, thống nhất từ nhận thức đến việc làm cụ thể đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Trong quá trình thực hiện công tác di dân, một số vướng mắc liên quan chế độ chính sách đã được tập trung giải quyết, giúp cho nhân dân tin tưởng, ủng hộ chính quyền địa phương. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tất cả các đồng chí trong cấp ủy, lãnh đạo chính quyền, đoàn thể ở Mường Chiên đều được phân công nhiệm vụ rõ ràng, cùng chung vai đã tạo nên sự đoàn kết nhất trí hoàn thành nhiệm vụ.

Những ngày này đến trung tâm huyện lỵ cũ, ngọn núi Khau Ngẹt vẫn đứng đó, dòng sông vẫn lững lờ trôi, nhưng không bao lâu nữa sẽ thành lòng hồ. Hôm nay đến Mường Chiên phố phường, nhà cửa chỉ còn một vài ngôi nhà chưa kịp dỡ, làm cảm xúc như sắp phải chia xa mảnh đất yêu thương trào dâng. Ðó cũng là điều dễ hiểu, bởi người dân Mường Chiên đã sẵn sàng hy sinh mảnh đất ông cha ngàn đời đi xây quê mới, vì nguồn sáng ngày mai của Tổ quốc.
Theo: Nhân dân