Nhờ ứng dụng công nghệ, nhân viên điện lực quan sát trạm biến áp từ xa qua màn hình và xử lý công việc nhanh chóng.
Hệ thống văn phòng số (Digital Office), duy trì 100% văn bản đi, đến được số hóa dưới dạng số liệu số và được lưu trữ điện tử, 80% quy trình nghiệp vụ hiện tại được số hóa và liên thông, riêng lĩnh vực văn phòng có 90% quy trình nghiệp vụ đã không sử dụng giấy, đặc biệt áp dụng 100% phòng họp không giấy cho tất cả các cuộc họp, hội nghị.
Công tác chuyển đổi số khâu quản lý kỹ thuật, an toàn, Công ty đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu lưới điện 110kV, trung, hạ thế: 100% thiết bị lưới điện 110kV, trung, hạ, thế được số hóa qua phần mềm hệ thống quản lý kỹ thuật PMIS; ứng dụng hiện trường (Digital Workforce) cho lĩnh vực kỹ thuật, an toàn: 100% cán bộ sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động thông minh để tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện kiểm tra lưới điện ngoài hiện trường, vận hành, sửa chữa, thí nghiệm thiết bị, giám sát an toàn, hoàn thiện và nâng cấp ứng dụng trên thiết bị di động thông minh để thay thế việc đi kiểm tra kỹ thuật lưới điện bằng giấy, sau khi kiểm tra ngoài hiện trường dữ liệu, tọa độ hình ảnh kiểm tra được gửi tự động về server trung tâm thuận lợi cho công tác chỉ đạo điều hành.
Hiện Công ty quản lý 11/11 trạm biến áp 110kV vận hành không người trực, đã đầu tư các trang thiết bị để kiểm tra, điều khiển từ xa và theo dõi, giám sát, thao tác các thiết bị qua hệ thống camera; áp dụng phương pháp sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện theo tình trạng thiết bị (CBM) trong công tác sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện để tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý vận hành và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
Đối với công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, đơn vị triển khai 100% dịch vụ điện được trực tuyến mức độ 4; 100% hồ sơ công việc trong lĩnh vực được xử lý trên mạng theo phương thức điện tử; số hóa 100% hồ sơ, hợp đồng với khách hàng mới bằng phương thức cung cấp hợp đồng mua bán điện điện tử; chuẩn hóa, thống nhất các kênh cung cấp dịch vụ đến khách hàng qua tổng đài, App CSKH, website CSKH,... để thiết kế trải nghiệm khách hàng thống nhất toàn EVN, EVNSPC.
Theo đó, khách hàng có thể tự quản lý tình hình sử dụng điện trực tuyến; ước tính sản lượng điện sử dụng; cá nhân hóa chăm sóc khách hàng. Đồng thời thay công tơ cơ sang công tơ điện tử, lắp đặt hệ thống đo ghi từ xa đến nay đạt 81% số công tơ hiện có trên lưới điện.
Công ty cũng tích cực chuyển đổi số trong công tác quản lý đầu tư và đấu thầu như: nhật ký thi công điện tử, biên bản nghiệm thu điện tử và áp dụng chữ ký số trong công tác quản lý dự án trên phần mềm quản lý đầu tư xây dựng IMIS; tối thiểu 80% hồ sơ dự án công trình điện xây dựng mới được quản lý dưới dạng hồ sơ điện tử qua ứng dụng Workspace; công tác đấu thầu qua hệ thống điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đạt 100% số lượng các gói thầu thực hiện theo hình thức đấu thầu qua mạng, 100% dữ liệu thực hiện của nhà thầu được đánh giá, chấm điểm và chia sẻ trong toàn EVN SPC, EVN.
Ông Lê Văn Chí - Phó Giám đốc Công ty cho biết, lộ trình từ nay đến năm 2025, Công ty tiếp tục chuyển đổi số, trước tiên là chuyển đổi về nhận thức của người lao động; xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số cho lãnh đạo các cấp và toàn thể người lao động; tiếp tục nâng cấp các phần mềm, phát triển thêm một số phần mềm mới, thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu phát triển của lưới điện thông minh, khách hàng, các nội dung chuyển đổi số. Trọng tâm là nâng cao năng lực quản lý và khai thác vận hành hiệu quả thiết bị đối với lưới 110kV và phân phối; nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh điện năng; nâng cao năng lực quản lý dự án trong lĩnh vực đầu tư xây dựng... Công ty cũng tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trong Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN”.
Link gốc