Theo dõi hoạt động của hệ thống lưới điện tại Trung tâm điều khiển từ xa của Công ty Điện lực Ninh Bình.
Rõ nét nhất là người dân đã tiếp cận khá tốt với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có thanh toán tiền điện.
Là một trong các hộ dân đã tiếp cận dịch vụ thanh toán tiền điện tự động trích nợ qua ngân hàng từ sớm, ông Đỗ Tiến Dũng, thôn Trung A, xã Khánh Hải cho biết: "Khi có chủ trương thanh toán tiền điện không phải đến điểm thu tiền nộp mà chỉ cần đặt lịch thanh toán hàng tháng qua tài khoản ngân hàng trên điện thoại, tôi thấy rất thuận tiện, giúp giảm thời gian đi lại, chờ đợi mà hoàn toàn miễn phí.
Được biết, Khánh Hải là địa phương được Công ty Điện lực Ninh Bình chọn làm thí điểm thực hiện xã không dùng tiền mặt trong thanh toán tiền điện từ tháng 9. Qua công tác tuyên truyền, phối hợp với ngân hàng MB Ninh Bình hỗ người dân mở tài khoản miễn phí và hướng dẫn các bước thanh toán tiền điện trên điện thoại thông minh. Đến nay, xã Khánh Hải đã có khoảng 2.000/3.000 hộ dân sử dụng thanh toán tiền điện qua tài khoản ngân hàng.
Sau khi thực hiện thí điểm thành công tại xã Khánh Hải, Công ty Điện lực Ninh Bình sẽ triển khai nhân rộng tại các địa phương trên toàn tỉnh, hướng tới mục tiêu tăng tối đa số lượng người thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt và từng bước giảm các điểm thu tiền điện.
Ông Chu Ngọc Cảnh, Phó trưởng phòng kinh doanh, Công ty Điện lực Ninh Bình cho biết: Thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong chuyển đổi số trên lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng của Công ty Điện lực Ninh Bình trong năm 2022 nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo sự thuận tiện, văn minh khi thanh toán.
Tại các khu giao dịch của ngành điện, luôn có cán bộ hướng dẫn và phục vụ khách hàng thực hiện các thủ tục liên quan.
Trên lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, Công ty đã tích cực phối hợp với các ngân hàng và tổ chức trung gian trên địa bàn tỉnh cung cấp đa dạng các giải pháp thanh toán tiền điện cho khách hàng sử dụng điện qua các kênh thanh toán điện tử như internet/mobile/SMS banking, website, ví điện tử, nhằm tạo điều kiện cho khách hàng có thể thanh toán tiền điện, phí dịch vụ điện khác mọi lúc, mọi nơi.
Nhằm hỗ trợ các điều kiện tốt nhất cho khách hàng cũng như lan tỏa sâu rộng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, Công ty Điện lực Ninh Bình đẩy mạnh tuyên truyền để khách hàng biết các hình thức thanh toán cũng như các chính sách ưu đãi dành cho khách hàng. Phân công cán bộ phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức ngân hàng trực tại các phòng giao dịch của Điện lực hoặc đến các hộ dân tuyên truyền lợi ích của việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, giúp họ mở tài khoản ngân hàng miễn phí ngay tại nhà…
Nhờ đó, đến hết tháng 10/2022 toàn tỉnh có 270.302/367.018 khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, đạt tỷ lệ 74,76%. Công ty Điện lực Ninh Bình phấn đấu 90% khách hàng sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt vào năm 2023.
Bên cạnh đó, Công ty đã thực hiện lắp đặt công tơ điện tử đọc chỉ số từ xa, sử dụng hệ thống không dây theo kiểu mắt lưới (RF-Spider) đối với 100% khách hàng. Áp dụng công nghệ đọc từ xa, hàng ngày chỉ số công tơ được truyền về cơ sở dữ liệu; cán bộ Điện lực có thể đọc chỉ số từ xa để lập hóa đơn tiền điện cho khách hàng chính xác, đảm bảo tính công khai, minh bạch, tiết kiệm được nguồn nhân lực đi ghi chỉ số công tơ.
Hơn nữa qua các phần mềm ứng dụng CSKH của Điện lực, các hộ dân có thể tra cứu được ngay chỉ số công tơ của gia đình mình, từ đó biết được sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm nhất.
Công ty Điện lực Ninh Bình quan tâm đầu tư, lắp đặt, vệ sinh các trạm biến áp 110kV.
Cùng với đó, Công ty đã và đang tích cực triển khai cài đặt ứng dụng EVNNPC CSKH tới các khách hàng sử dụng điện, coi đây là chỉ tiêu dịch vụ khách hàng quan trọng để thực hiện.
Đây là ứng dụng chạy trên điện thoại thông minh cung cấp đầy đủ các tính năng và thông tin cần thiết cho tất cả các khách hàng như tra cứu sản lượng điện năng sử dụng theo ngày, chỉ số công tơ, hóa đơn tiền điện, lịch tạm ngừng cấp điện, điểm thu tiền điện… khách hàng có thể thực hiện toàn bộ các giao dịch về điện một cách trực tuyến. Qua đó, tạo sự thuận lợi tối đa cho người sử dụng cũng như tạo sự rõ ràng, minh bạch trong quá trình cung cấp điện.
Bà Nguyễn Thị Tú, thôn Nội, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư phấn khởi chia sẻ: Ứng dụng này được thiết kế rất thân thiện, dễ sử dụng, cán bộ Điện lực chỉ hướng dẫn một vài lần là tôi đã thao tác được.
Tính đến hết tháng 10/2022 đã có 49.393/367.018 khách hàng đã được cài đặt App, đạt tỷ lệ 13,5%. Trong năm 2022, Điện lực Ninh Bình đặt mục tiêu cài đặt ứng dụng EVNNPC CSKH cho trên 55.000 khách hàng sử dụng điện, để càng ngày có nhiều khách hàng tiếp cận được tiện ích của ngành điện.
Hướng tới mục tiêu lấy khách hàng là trung tâm, những năm qua Công ty Điện lực Ninh Bình đã nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, vận hành lưới điện, đến nay Công ty Điện lực Ninh Bình đã có lưới điện với mức tự động hóa cao, góp phần không nhỏ trong quá trình chuyển đổi và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, nâng cao năng suất lao động và chất lượng dịch vụ khách hàng.
Ông Vũ Hữu Hân, Giám đốc Trung tâm Điều khiển xa cho biết: Giải pháp tiên quyết được Công ty tập trung thực hiện là đầu tư hạ tầng hiện đại, hướng tới vận hành lưới điện thông minh. Trong đó, Công ty đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện với phương châm đi tắt, đón đầu. Nổi bật như: Tiên phong xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển xa, là một bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống điện theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh, nhằm thu thập các số liệu vận hành, giám sát và điều khiển các TBA 110kV tập trung từ xa; Tiết giảm chi phí vận hành, tăng năng suất lao động, từng bước hiện đại hóa trong công tác quản lý vận hành các trạm 110kV.
PC Ninh Bình chú trọng tăng năng lực quản lý kỹ thuật, tự động hóa lưới điện.
Cùng với đó, Công ty xây dựng hệ thống giám sát, điều khiển cho lưới trung thế, phục vụ công tác quản lý vận hành lưới một cách trực quan, kịp thời. Đặc biệt,Công ty Điện lực Ninh Bình đã triển khai một số dự án để đồng bộ khai thác các hạ tầng và nâng cấp lưới điện thông minh như: Lắp đặt máy cắt tự đóng lại (recloser)trên đường dây trung thế 35,22kV nhằm chủ động trong việc thao tác đóng/cắt và phân đoạn lưới điện trung thế; Trang bị hệ thống camera giám sát các TBA trung gian; Đã vận hành hệ thống tự động hóa lưới điện trung áp lộ 476E23.3 - 475E23.12, tới đây sẽ tiếp tục đầu tư lưới điện thông minh cho các mạch vòng trung thế trên toàn tình.
Đây được cho là bước ngoặt cho công tác vận hành hệ thống lưới điện thông minh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Hệ thống được xây dựng trên cơ sở liên kết tín hiệu từ các thiết bị recloser về Trung tâm Điều khiển xa đặt tại trụ sở Công ty, nhằm mục đích giám sát toàn bộ hệ thống lưới điện trên địa bàn 24/24h. Từ những tín hiệu được giám sát, bằng phần mềm chuyên dụng được lập trình sẵn, hệ thống sẽ xác định nhanh điểm sự cố, điểm cô lập phù hợp và khôi phục cung cấp điện cho khu vực lưới điện bị cô lập (tự động, bán tự động, bằng tay)…Thực tế khi dự án đi vào hoạt động đã đem lại lợi ích rất nhiều cho ngành điện cũng như giảm thiểu thời gian mất điện cho khách hàng.
Anh Phạm Mạnh Hùng, đội trưởng Đội Quản lý vận hành khu vực 2, Điện lực Nho Quan phấn khởi cho biết: Nếu như trước kia khi xảy ra sự cố trên lưới điện, (đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa trên địa bàn các huyện Nho Quan, Gia Viễn), nhân viên phải kiểm tra tuần tự từ đầu lộ dường dây đến cuối lộ đường dây để tìm khu vực sự cố, mất rất nhiều thời gian. Trong quá trình làm việc, thiết bị cảnh báo còn giúp nhân viên quản lý vận hành thao tác chính xác, theo dõi tình trạng hoạt động của thiết bị từ xa, đảm bảo lưới điện được vận hành an toàn, liên tục.
Ngoài ra, Công ty Điện lực Ninh Bình còn thực hiện giám sát an toàn bằng công nghệ số. Trong đó, đã trang bị phần mềm quản lý an toàn lao động ECP từ cuối năm 2020, mang lại hiệu quả cao. Qua phần mềm ECP, đơn vị đã kiểm tra, kiểm soát được công việc của các nhóm thi công ngoài hiện trường thông qua hình ảnh gửi về qua phần mềm. Qua đó, kịp thời phát hiện ra những lỗi sai sót để điều chỉnh kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho các nhóm thi công cũng như quản lý tốt hơn việc thực hiện nhiệm vụ.
Đánh giá hiệu quả công tác chuyển đổi số, ông Trần Đăng Sơn, Giám đốc Điện lực Ninh Bình cho rằng: Việc triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ, đồng bộ đã tạo sức bật lớn cho công ty Điện lực Ninh Bình, tối đa tiện ích dịch vụ cho người sử dụng điện, sự hài lòng của khách hàng đối với ngành điện ngày càng tăng lên.