Công nhân làm vệ sinh sứ cách điện
Vì dòng điện thông suốt
Vệ sinh cách điện lưới điện truyền tải là một trong những công việc thường xuyên được các đơn vị điện lực thực hiện nhằm giảm tổn thất điện năng, giảm tình trạng phóng điện, tránh sự cố để đảm bảo dòng điện được vận hành an toàn, thông suốt. Và để thực hiện công việc này, biện pháp duy nhất là phải cắt điện đường dây, công nhân vệ sinh thủ công từng phần trên toàn tuyến. Tuy nhiên, cách làm thủ công này rất tốn kém và tăng nguy cơ mất an toàn cho người lao động, gây nhiều tác động bất lợi cho lưới điện truyền tải.
Ðây là thực tế mà ngành điện đã phải đối diện trong nhiều năm qua, đặc biệt với những đơn vị như PTC3 phải quản lý hệ thống điện truyền tải 220-500kV chạy dọc dãy Trường Sơn, lại nằm trên vùng núi cao, thời tiết khắc nghiệt, mưa nhiều cộng với bụi đất đỏ bazan, rêu và bụi bám bẩn rất nhiều khiến công tác vệ sinh lưới điện gặp rất nhiều khó khăn. Với những trăn trở như thế, ông Xuân và anh Nguyễn Trí Dũng - cán bộ kỹ thuật của công ty đã mạnh dạn đăng ký, thực hiện nghiên cứu đề tài “Vệ sinh cách điện lưới truyền tải đang mang điện bằng nước áp lực cao”.
Chuyện vệ sinh sứ cách điện khi mang điện
Theo ông Xuân, đây không phải là phương pháp mới mà đã được áp dụng ở các nước phát triển. Việc vệ sinh cách điện hầu như được thực hiện hotline (vệ sinh khi đường dây vẫn mang điện) bằng các phương tiện cơ giới hiện đại như máy bay trực thăng hoặc xe thang chuyên dụng cùng với môi chất sử dụng thường là nước cách điện, được bắn rửa với áp lực cao. Nhưng trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, kinh phí của ngành điện còn eo hẹp, việc đầu tư trang bị công nghệ, phương tiện, thiết bị vệ sinh cách điện hotline hiện đại của nước ngoài là bất khả thi trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, mục tiêu ban đầu được đề ra khi nghiên cứu đề tài là phải làm sao giảm thiểu tối đa chi phí nhưng hiệu quả phải đạt được ở mức cao nhất.
Và sau 2 năm miệt mài nghiên cứu và thực nghiệm thành công trong xưởng cũng như thử nghiệm ở hiện trường lưới 220kV, 500kV đang mang điện. Ông Xuân cho hay: Trong quá trình nghiên cứu đề tài, do đặc thù là làm thử nghiệm với... điện nên anh và cộng sự thường xuyên phải đối diện với nguy hiểm. Chính vì vậy, vấn đề an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị trong quá trình nghiên cứu luôn được đặt lên hàng đầu, quyết định đến thành công của đề tài. Ngoài ra, đây công việc hoàn toàn mới, chưa từng được làm ở Việt Nam, nên chưa có quy trình quy phạm để tuân thủ, chưa có tài liệu kỹ thuật để tham chiếu, vì vậy anh và đồng nghiệp gần như phải nghiên cứu từ đầu. Từ cơ sở lý thuyết đến thực nghiệm trong phòng thí nghiệm, từ thử nghiệm điều khiển từ xa không người đến thử nghiệm thực tế có người tiếp xúc tại hiện trường.
Với những kết quả thành công ban đầu, ông và cộng sự đã đề xuất triển khai thực hiện vệ sinh cách điện lưới truyền tải đang mang điện bằng công nghệ bắn rửa nước áp lực cao tại các loại cột đỡ, néo của đường dây và các thiết bị, máy biến áp 220-500kV và được Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) đồng ý. Cụ thể, ngày 21-4-2010, tại Trạm biến áp 220kV Nha Trang, PTC3 đã thử nghiệm thành công vệ sinh cách điện đường dây 220kV Tuy Hòa - Nha Trang đang mang điện; ngày 3-5-2010, tại Trạm biến áp 500kV Pleiku, đã thử nghiệm thành công vệ sinh hotline cấp điện áp 500kV; ngày 18-6-2010, thử nghiệm thành công vệ sinh hotline thiết bị trong Trạm biến áp 220kV Nha Trang (bao gồm máy cắt, chống sét van, dao cách ly, biến điện áp, biến dòng điện và Máy biến áp 220/110kV).
Ðặc biệt, ngày 16-6-2010, để có cơ sở kiểm tra, xem xét công nhận đề tài, tại Buôn Ma Thuột, trước sự chứng kiến của ông Nguyễn Ðức Cường - Phó tổng giám đốc EVN NPT, Chủ tịch Hội đồng sáng kiến EVN NPT và ông Ngô Kế Nghiệp, chuyên viên Cục An toàn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các ban chuyên môn của EVN NPT, ông Xuân và công sự đã thực hiện vệ sinh sứ cách điện tại vị trí 56 đường dây 220kV Krông Búk - Buôn Kuốp và vị trí 2702 đường dây 500kV Pleiku - Phú Lâm khi đường dây đang mang điện bằng nước áp lực cao. Kết quả, công việc được công nhân PTC3 thực hiện nhanh chóng, thành công và an toàn tuyệt đối (mỗi chuỗi cách điện 500kV chỉ bắn rửa trong 30 giây và chuỗi 220kV trong 15 giây).
Hiệu quả và kinh tế
Như đã đề cập tới ở trên, phương pháp của ông Xuân và cộng sự không phải mới, tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình tài chính của ngành điện còn rất khó khăn thì việc trang bị những máy móc, thiết bị như vậy là bất khả thi. Chính vì vậy, phương pháp vệ sinh cách điện hotline lưới truyền tải do ông Xuân và cộng sự là phù hợp với đặc thù quản lý vận hành cũng như khả năng tài chính của ngành điện, và được các đơn vị trong ngành điện đánh giá rất cao.
Ðề cập tới câu chuyện này, ông Phạm Ðại Nghĩa - Giám đốc Công ty Lưới điện cao thế Hà Nội phân tích: Do lưới điện phân phối của thành phố chủ yếu tập trung ở các khu công nghiệp, khu dân cứ và bám theo các trục đường giao thông nên thường xuyên bị nhiễm bẩn, buộc phải vệ sinh để tránh nguy cơ phóng điện, gây sự cố, giảm thiểu tổn hao công suất trên lưới. Chính vì vậy, vệ sinh cách điện là một trong những nhiệm vụ thường kỳ đối công ty. Tuy nhiên, trước đây công việc này chủ yếu được thực hiện một cách thủ công, tức là công nhân ngành điện phải trèo lên cột để lau chùi từng bát sứ, lưới điện buộc phải cắt, thời gian kéo dài, làm mất sản lượng điện thương phẩm, giảm doanh thu… Ðặc biệt, với các thiết bị trong trạm biến áp thì để thực hiện vệ sinh theo cách thủ công buộc phải cắt điện toàn trạm, trên diện rộng.
Chính vì vậy, để giảm tối đa những tác động xấu như vậy, sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, cuối tháng 7 vừa qua, công ty đã phối hợp với PTC3 tổ chức thực nghiệm vệ sinh cách điện lưới điện đang mang điện bằng nước áp lực cao tại Trạm biến áp 110kV Văn Ðiển và đạt kết quả rất tốt. Và theo tính toán của Tổng Công ty Ðiện lực Hà Nội, nếu vệ sinh theo phương pháp thủ công 1 lộ trung áp gồm 62 vị trí cột, 13 trạm biến áp của khách hàng, 28 trạm biến áp của điện lực với tổng dung lượng máy biến áp là 10.897kVA sẽ phải cắt điện khoảng 11 giờ, mất điện khoảng 41.000kWh, chi phí tiền lương cho công nhân khoảng 23 triệu đồng nhưng nếu làm vệ sinh hotline chỉ mất 4 giờ với tổng chi phí 5,7 triệu đồng (bằng 24,6% khi vệ sinh thủ công)…
Ngoài ra, ông Nghĩa còn cho rằng, do không phải cắt điện khi thực hiện nên phương pháp này còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng - một trong những tiêu chí quan trọng của ngành điện.
Nói như vậy để thấy rằng, hiệu quả và giá trị kinh tế của phương pháp vệ sinh cách điện lưới điện truyền tải khi mang điện là rất lớn. Với ý nghĩa thực tiễn đó, đề tài đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng Lao động sáng tạo và Kỷ niệm chương Tuổi trẻ sáng tạo. Ngoài ra, đề tài cũng đã đạt giải Nhì tại cuộc thi Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2011.