Công nhân ngành điện thao tác rửa trụ sứ không cần cắt điện.
Để thực hiện được việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, vệ sinh hệ thống điện trong quá trình vận hành khai thác, ngành điện thường phải cắt điện đường dây truyền tải, gây bất lợi cho quá trình vận hành hệ thống. Đặc biệt trên những tuyến đường dây 500-220kV, việc cắt điện sẽ tăng nguy cơ mất ổn định, thiếu nguồn cho phụ tải, đồng thời gây tốn kém và tăng nguy cơ mất an toàn cho người lao động.
Cần một công nghệ an toàn, hiệu quả
Đứng trước thực tế này, việc nghiên cứu một công nghệ làm vệ sinh cách điện khi đường dây vẫn mang điện phù hợp với điều kiện Việt Nam luôn là đòi hỏi của những người làm công tác vận hành đường dây.
Theo kỹ sư Nguyễn Văn Xuân, Phó giám đốc Công ty Truyền tải Điện 3 (PTC3), với đặc thù thời tiết, khí hậu của Việt Nam thì rêu, bụi bẩn bám chặt trên sứ cách điện của đường dây và trạm biến áp. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn cho hệ thống điện.
Đặc biệt, khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi như sương muối, mưa phùn sẽ phát sinh phóng điện vầng quang, nếu không xử lý vệ sinh kịp thời sẽ có nguy cơ phóng điện tràn, ngắn mạch, gây sự cố đường dây, làm suy giảm khả năng cách điện, tăng tổn hao công suất trên lưới, gián đoạn cung cấp điện của hệ thống.
“Riêng đối với hệ thống đường dây 220-500kV Bắc - Nam trong những năm gần đây luôn phải làm việc với cường độ cao, truyền tải trong tình trạng đầy và quá tải. Để bảo đảm cho hệ thống lưới điện truyền tải vận hành an toàn, liên tục, tránh được sự cố, thì việc tìm ra biện pháp vệ sinh lưới điện an toàn là vô cùng quan trọng”, kỹ sư Nguyễn Văn Xuân cho biết.
Ở các nước tiên tiến, việc vệ sinh cách điện vẫn được thực hiện hotline (vệ sinh cách điện khi đường dây vẫn mang điện). Để làm được điều đó, họ phải sử dụng các phương tiện cơ giới hiện đại như máy bay trực thăng hoặc xe thang chuyên dụng, môi chất sử dụng thường là nước cách điện, được bắn rửa với áp lực cao.
Trong khi đó, điều kiện kinh tế đất nước ta còn khó khăn, việc đầu tư trang bị công nghệ, phương tiện, thiết bị vệ sinh cách điện hotline hiện đại của nước ngoài là không khả thi. Vì vậy, các đơn vị truyền tải vẫn phải thực hiện giải pháp cắt điện đường dây để công nhân trèo lên cột làm vệ sinh thủ công từng bát sứ cách điện.
Để tổ chức vệ sinh định kỳ, PTC3 phải điều động toàn bộ nguồn nhân lực đường dây hiện có ở các đơn vị để làm vệ sinh khoảng 350 người cho 500 vị trí/ngày. Cách làm này cực kỳ tốn công sức, thời gian và tiền của.
Giảm thời gian và nhân công
Kỹ sư Nguyễn Văn Xuân cho biết, điểm mấu chốt của đề tài vệ sinh cách điện hotline là thực hiện phương pháp khử ion theo công nghệ mới để nước không còn khả năng dẫn điện. Kết quả này cho phép người quản lý có thể trang bị hệ thống xử lý nước ngay trên ôtô, vận hành ngay tại hiện trường với chi phí đầu tư thấp, khá gọn nhẹ.
Theo đó, nước cách điện (đã qua xử lý ion) được chứa trong bồn sạch, trên bồn nước có gắn thiết bị giám sát online cách điện của nước. Bồn nước có thể bố trí cùng với thiết bị động lực và hệ thống xử lý nước trên một xe tải để tiện cơ động. Nước được bắn lên theo vòi với áp lực cao 70-100kg/cm2 để rửa sạch bụi bẩn.
Sau hơn 2 năm tìm tòi, nghiên cứu và thực nghiệm thành công trong xưởng và thử nghiệm ở hiện trường lưới 500-220kV đang mang điện, nhóm tác giả đã mạnh dạn đề xuất và triển khai thành công phương pháp này tại các loại cột đỡ, néo của đường dây và các thiết bị, máy biến áp 500-220kV.
Nếu như trước kia muốn làm vệ sinh 1 cột đỡ có 4 chuỗi cách điện 2 công nhân làm mất 2 giờ, nay chỉ hết 20 phút (kể cả thời gian bố trí thiết bị và vận hành). Nhưng “vấn đề an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị phải luôn đặt lên hàng đầu, đây cũng chính là yếu tố quyết định khi áp dụng đề tài”, ký sư Xuân khẳng định.
Theo ông Nguyễn Quang Việt, Phó trưởng ban khoa học công nghệ và môi trường, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), đề tài vệ sinh cách điện hotline đã thử nghiệm thành công trên lưới điện cao áp 500-220kV từ năm 2010 và đã được hội đồng nghiệm thu cấp Tập đoàn đánh giá xếp loại giỏi từ tháng 8/2013.
“Đây chính là giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục và thực hiện mục tiêu “tối ưu hóa chi phí” của ngành điện. Đề tài mới được áp dụng đã giảm được thời gian cắt điện dẫn đến độ cấp điện được đảm bảo 100%. Việc tiến hành xử lý vệ sinh theo đề tài mới này cũng đã tiết kiệm được thời gian và giảm được nguồn nhân lực… là những hiệu quả thiết thực từ đề tài mang lại”, ông Việt quả quyết.
Còn theo ông Nguyễn Đình Thọ, Trưởng ban An toàn Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT), việc ứng dụng thử nghiệm thành công vệ sinh lưới truyền tải điện đang mang điện bằng nước áp lực cao trên lưới điện thời gian qua đã giảm đáng kể số lượng lao động so với cách vệ sinh thủ công, đồng thời, giúp đảm bảo an toàn cho công nhân vận hành lưới điện.
Theo đánh giá của ông Trịnh Tuấn Sơn, Chủ tịch công đoàn EVN NPT, việc vệ sinh bằng công nghệ hotline cũng đã giải quyết được việc làm cho một lực lượng lớn lao động làm công tác vận hành trong lĩnh vực truyền tải từ sau tuổi 45 không còn khả năng để trèo cột cao làm vệ sinh thủ công như trước kia. “Thành công của đề tài này mang ý nghĩa nhân văn rất lớn ở điểm này. Không chỉ vậy, nó còn phù hợp với xu thế tất yếu của một nền công nghiệp hiện đại”, ông Sơn nói.
Sau đợt thí điểm ứng dụng rộng rãi trên hệ thống lưới truyền tải điện ở nhiều cấp điện áp khác nhau, từ 500-220-110-35-22kV, dự kiến đến cuối tháng 8/2014, đề tài sẽ được tổng kết và được triển khai áp dụng ở tất cả các đơn vị quản lý, vận hành lưới điện trên toàn quốc.