Những sáng kiến bạc tỉ

Thứ năm, 10/4/2014 | 14:04 GMT+7
Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc (NGC) là đơn vị quản lý hơn 6,5 ngàn km đường dây, hàng trăm trạm biến áp trên nhiều tỉnh biên giới có địa hình phức tạp. Vượt lên khó khăn về vốn đầu tư, thiết bị… cán bộ, công nhân viên NGC đã đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong vận hành và sửa chữa lưới điện có hiệu quả trị giá hàng tỉ đồng.

Trạm biến áp 110kV của NCG

Cái khó ló… sáng tạo

Đặc trưng của NGC là địa bàn quản lý lưới điện 110kV có địa hình phức tạp, rộng lớn từ đồng bằng, trung du, đồi núi, đến cả các khu vực nhiễm mặn, hóa chất, bụi bẩn. Lượng thiết bị khổng lồ của NGC lại có chất lượng không đồng đều, nhiều thiết bị được đưa vào vận hành từ trước những năm 70 của thế kỷ trước… Mặt khác, nhiều đường dây và trạm 110kV đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đường dây tiết diện nhỏ hơn 150mm2, mức độ an toàn lưới điện thấp cùng khả năng xảy ra sự cố điện cao. Thực trạng kết cấu lưới điện 110kV khu vực phía bắc vẫn chưa hoàn thiện nên công tác vận hành của NGC gặp khá nhiều khó khăn. Đặc biệt khu vực mua điện từ Trung Quốc tại Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái có tính liên kết yếu, không linh hoạt. Trong khi đó khu vực này có nhiều nhà máy thủy điện phát lên lưới, gây nhiều bất cập trong công tác quản lý vận hành.

Hiện nay, NGC có khoảng 6.500km đường dây, trong khi đó có 149 trạm, mỗi trạm chỉ có 7-10 người đảm nhiệm. Do vậy, nhiệm vụ đảm bảo độ ổn định của lưới điện là khá nặng nề. Chính từ trong hoàn cảnh khó khăn này, việc phát động cán bộ, công nhân viên (CBCNV) đề ra sáng kiến để sửa chữa sự cố lưới điện trong thời gian nhanh nhất mà cũng ít vất vả nhất là yêu cầu bức thiết, sống còn. Trong khi đó, đặc thù nguồn nhân lực của NGC cũng như ngành điện phần lớn đều được đào tạo cơ bản, các cán bộ, kỹ thuật đã hoạt động lâu năm trong ngành nên đều có khả năng đúc rút ra từ kinh nghiệm thực tế. Để khai thác được khối trí tuệ này, việc phát động các giải pháp, sáng kiến kỹ thuật của NGC nhằm mục đích làm sao để người lao động bớt phải lao động chân tay, nhưng vẫn đảm bảo năng suất lao động, rút ngắn thời gian mất điện của khách hàng.

Về quy trình xét duyệt sáng kiến của NGC, ông Lê Minh Tuấn, Phó giám đốc NGC cho biết: “Sau khi phát động phong trào, các phòng, ban, bộ phận trong NGC đều tập trung nghiên cứu, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi đơn vị mà đề xuất các giải pháp, sáng kiến trình lên hội động xét duyệt sáng kiến của công ty để xem xét đánh giá. Từ đó, phương án nào vừa đảm bảo tính kỹ thuật, vừa an toàn sẽ phổ biến rộng rãi trong toàn công ty. Thông qua website của NGC, các phương án đều được cập nhật chi tiết, đầy đủ, không chỉ giúp đội ngũ CBCNV học tập, mà từ đó có nhiều sáng kiến mới được ra đời nhờ cải tiến, phát triển các phương án ban đầu”.

Trong những năm qua, trung bình mỗi năm NGC có 30-35 sáng kiến và hợp lý hóa sản xuất. Chỉ tính riêng năm 2013, công ty đã có 35 sáng kiến cấp công ty và 4 sáng kiến cấp tổng công ty, trở thành lá cờ đầu trong thi đua sáng tạo, cải tiến công nghệ của ngành điện.

Những sáng kiến tiền tỉ

Trong năm qua, NGC có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được Tập đoàn Điện lực, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao, giúp cải thiện đáng kể chất lượng công tác quản lý các trạm biến áp, tăng nhanh tốc độ nâng cấp, xử lý sự cố lưới điện.

Sáng kiến đầu tiên là “Hệ thống thu thập thông số và sơ đồ trạng thái từ các trạm biến áp 110kV”. Trước đây, khi chưa có sáng kiến, công nhân phải ghi thông số vận hành vào sổ hằng ngày, hằng tháng, cách 1-2 tiếng ghi một lần. Sau đó gọi điện báo cho đơn vị cấp trên như trực ban, điều độ A1… Công việc này khiến CBCNV NGC mất rất nhiều thời gian, công sức và đặc biệt nguy hiểm vào những thời điểm nắng nóng, mưa bão bởi nạn cháy rừng, lở đất. Khi phần mềm thu thập thông số được đưa vào ứng dụng, thay vì những thao tác thủ công, các thông số được tự động cập nhật từ thiết bị. Ngoài ra các tín hiệu sự cố, biểu hiện bất thường từ thiết bị cũng được đưa về máy tính tại các trạm và trung tâm NGC để theo dõi xử lý. Sáng kiến này đã được áp dụng trở thành giải pháp “giải phóng sức lao động” tại các trạm 110kV.

Thời gian mất điện ít nhất luôn là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong công tác quản lý, vận hành lưới điện 110kV của NGC. Trước đây, đối với các phụ tải có nhu cầu cấp điện liên tục, trong khi tiến hành sửa chữa đường dây 110kV cần phải tiến hành cắt điện dài ngày, để hạn chế thời gian cắt điện đảm bảo sản xuất cho khách hàng, NGC đã sử dụng các cột bê tông ly tâm làm tuyến cấp điện tạm cho phụ tải để dòng điện được liên tục trong thời gian thi công tuyến đường dây chính. Tuy nhiên, phương án này lại có một số nhược điểm như mất thời gian để đào, đúc móng cho cột, sửa chữa xong gần như không thu hồi được, nhiều vị trí có địa hình khó khăn không thể vận chuyển cột vào tuyến do cột có chiều dài cố định, rất cồng kềnh…

Sáng kiến “Chế tạo và sử dụng cột thép di động phục vụ công tác quản lý vận hành lưới điện 110kV” (sáng kiến cột ERS) đã xóa bỏ các hạn chế của cột bê tông ly tâm mà vẫn đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các phụ tải khi tiến hành thi công sửa chữa lưới điện. Ứng dụng đầu tiên của cột ERS là trong dự án nâng cao khả năng truyền tải đường dây Phố Nối - Sài Đồng. Đây là khu vực có nhiều phụ tải công nghiệp quan trọng, cắt điện dài ngày sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Để giảm thiểu thời gian cắt điện, lãnh đạo NGC đã quyết định sử dụng cột thép di động ERS để dựng tuyến cấp điện tạm trong thời gian thi công tuyến chính.

Trước đây, thời gian cắt điện để thi công sửa chữa mất khoảng 20 ngày, tương đương 480 tiếng. Nhưng khi sử dụng cột ERS để làm tuyến tạm thì thời gian cắt điện để đấu nối từ tuyến chính sang tuyến tạm chỉ còn 28 tiếng. Như vậy, việc sử dụng cột ERS đã giảm thời gian cắt điện, làm lợi cho các doanh nghiệp hàng tỉ đồng khi không phải dừng sản xuất trong vòng 18 ngày. Một ví dụ khác là dự án nâng cao khả năng truyền tải đường dây Yên Bái - Nghĩa Lộ đã thể hiện rõ nét giá trị của cột ERS từ kỹ thuật đến hiệu quả kinh tế. Đoạn tuyến tạm sử dụng cột ERS của dự án dài 3km gồm18 vị trí cột tạm. Theo các chuyên gia xây dựng lưới điện, chênh lệch chi phí cột ERS với cột bê tông ly tâm vào khoảng 50 triệu đồng/cột. Như vậy, chỉ tính riêng dự án này cột ERS đã tiết kiệm được khoảng 900 triệu đồng chi phí xây dựng và hơn 30 ngày thời gian.

Hiện nay, NGC đã hoàn thành hệ thống thu thập thông tin từ các trạm biến áp, có 24 cột ERS có thể dùng sửa chữa lưới điện trong vòng hàng chục năm. Có thể nói, các sáng kiến của NGC có thể tiết kiệm chi phí cho Nhà nước nhiều tỷ đồng là đáng được biểu dương, nhân rộng. Hơn thế nữa, việc làm sao có thể phát huy, tận dụng kho tàng tri thức, sáng tạo của những người thợ điện để áp dụng vào thực tiễn là bài toán cấp bách cần được những nhà quản lý điện lực quan tâm hơn nữa.

NGC có 29 đơn vị thành viên đặt tại 27 tỉnh, thành phố Bắc Bộ, quản lý toàn bộ hệ thống 6.500km đường dây và 149 trạm biến áp 110kV. Là đơn vị chủ trì, tham gia xét duyệt, nghiệm thu về công tác kỹ thuật, an toàn các công trình, sửa chữa, phục hồi, cải tạo các thiết bị lưới điện 110kV. Đồng thời, NGC đứng đầu nghiên cứu, đề xuất ứng dụng và phát triển các phần mềm, tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong quản lý, vận hành và sửa chữa lưới điện 110kV.
Theo: Petrotimes