Cổ phiếu ngân hàng giúp phố Wall thoát hiểm

Thứ sáu, 28/8/2009 | 13:25 GMT+7
Diễn biến phiên giao dịch hôm qua giống như ngày trước đó, khi sắc xanh trở lại bảng điện tử chung cuộc. Giá dầu tăng và sự lạc quan về triển vọng kinh doanh khiến nhà đầu tư tích cực mua vào, dù thị trường việc làm bất ổn.

Khởi đầu phiên giao dịch hôm qua, phố Wall lặp lại kịch bản trong phiên trước đó, khi nguồn cung khổng lồ nhằm chốt lời nhấn chìm cả 3 chỉ số trong sắc đỏ. Bầu không khí trên các sàn cổ phiếu bi quan sau khi Bộ Lao động cho biết, hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần iếp tục duy trì ở mức cao, đạt con số 570.000, tồi hơn những gì nhà đầu tư chờ đợi. Trong khi đó, số liệu GDP quý II chỉnh sửa lần cuối được Bộ Thương mại cung cấp cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2009 sẽ ở mức âm 1%, giống như báo cáo đầu tiên được cơ quan này đưa ra.

Càng vào cuối phiên, một lực cầu lớn đổ vào các mã ngành tài chính, ngân hàng kéo chậm đà điều chỉnh của thị trường và các chỉ số bắt đầu phát tín hiệu xanh. Phiên đấu giá 28 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 7 năm được FED tiến hành tiếp tục thu được thành công, khi lãi suất trúng thầu chỉ ở mức 3,09%. Nhu cầu đối với loại hàng hóa có tính an toàn tuyệt đối này được giữ ổn định sẽ giúp Chính quyền Obama rảnh tay hơn trong các kế hoạch chi tiêu nhằm đưa nền kinh tế sớm ra khỏi vòng xoáy suy thoái.

Ngày 27/8, sức bật mạnh trên 8% đến từ cổ phiếu nhà sản xuất máy bay lớn thứ 2 thế giới Boeing sau khi hãng ấn định thời hạn bay thử cho dòng máy bay Boeing 787 vào cuối năm nay, kéo chỉ số Dow Jones Industrial tăng 37,11 điểm vào chung cuộc, tương ứng 0,4%, lên 9.580,63 điểm. Đây là phiên thăng hoa thứ 8 liên tiếp của chỉ số này, đánh dấu chuỗi ghi điểm dài nhất kể từ tháng 4/2007.

Chỉ số Standard & Poor 500 đóng cửa tại 1.030,98 điểm, nhích nhẹ 0,3%, sau khi giảm gần 1,2% vào những phút đầu mở cửa thị trường. Trên sàn công nghệ, cổ phiếu các nhà sản xuất máy tính tăng mạnh, dẫn đầu là Dell – hãng cung cấp máy tính lớn thứ 2 tại Mỹ do doanh thu và lợi nhuận quý II vượt ngoài dự báo, giúp Nasdaq Composite tiến 0,2%, lên 2.027,73 điểm. Trên thị trường New York, tính thanh khoản đột ngột sụt giảm mạnh trên 20% so với mức trung bình từ đầu năm 2009, do xuất hiện hiện tượng găm hàng trong trong phiên buổi chiều thay vì bán tháo như phiên đầu buổi sáng.

Chứng khoán châu Âu điều chỉnh phiên thứ hai liên tiếp. Cổ phiếu các ngân hàng và dược phẩm bị bán ra mạnh do làn sóng chốt lời của giới đầu tư. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số tổng hợp Eurozone DJ Stoxx 600 giảm 0,5%, xuống 235,24 điểm. Tại London, bất chấp việc thị trường bất động sản tiếp tục phục hồi khi giá nhà đất tăng 1,4% trong tháng 8, chỉ số FTSE 100 vẫn hạ 0,4% vào chung cuộc. Các chỉ số CAC 40 của Pháp và DAX 30 của Đức lần lượt mất 0,5% và 0,9% giá trị.

Cổ phiếu các công ty sản xuất hàng hóa kéo chứng khoán châu Á quay đầu giảm điểm. Việc Chính phủ Trung Quốc cân nhắc khả năng áp dụng hạn ngạch nhập khẩu đối với các sản phẩm nguyên vật liệu xây dựng như thép và xi măng từ nước ngoài, khiến nhà đầu tư lo ngại về lợi nhuận của các tập đoàn có tỷ trọng doanh thu lớn trên thị trường tiêu thụ đông dân nhất thế giới. Chốt phiên, chỉ số tổng hợp 23 hàn thử biểu khu vực châu Á MSCI hạ 0,5%, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 21/8 tại 112,93 điểm.

Trên thị trường Tokyo, trước áp lực xả hàng đến từ cổ phiếu các công ty xuất khẩu, sản xuất hàng hóa, chỉ số Nikkei 225 đóng cửa tại 10.473,97 điểm, âm 1,6%. Theo các chuyên gia, chứng khoán Nhật sẽ diễn biến khó lường trước thềm cuộc bầu cử ngày 30/8, khi mà các chính sách tiếp theo nhằm kích thích nền kinh tế còn là một ẩn số.

Phiên này, có 6 trong số 8 phong vũ biểu chủ chốt rơi vào vùng đỏ. Các chỉ số Hang Seng của Hong Kong, Kospi (Hàn Quốc), Shanghai Composite (Trung Quốc) và S&P ASX 200 (Australia) lần lượt điều chỉnh từ 1% đến 0,1%. Chứng khoán Ấn Độ đánh dấu phiên phục hồi thứ 4 liên tiếp, bằng việc chỉ số BSE tăng 0,2%. Trong khi đó, sàn cổ phiếu Singapore cũng tiến 0,6% chung cuộc.

Theo: VnExpress