Sự kiện

Công bố 3 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực năng lượng và khoáng sản thời kỳ 2021-2030

Thứ năm, 10/8/2023 | 10:29 GMT+7
Bảo đảm an ninh năng lượng, hướng đến kinh tế xanh, phát triển hiệu quả và bền vững là mục tiêu xuyên suốt của các quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực năng lượng và khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt (tại các Quyết định số 861/QĐ-TTg –ngày 18/7/2023 Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản; Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia) được Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị công bố chiều ngày 09/8/2023. 

Báo cáo của Bộ Công Thương nhấn mạnh, các quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực năng lượng và khoáng sản được xây dựng trên cơ sở đã quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cũng như phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch các ngành, lĩnh vực khác. 

Trong đó, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 – 2050… Quy hoạch nhấn mạnh việc phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng; ứng dụng những thành tựu của phát triển khoa học công nghệ trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả... thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. 

Ông Trương Thanh Hoài – Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết 3 mục tiêu cơ bản của Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

"Thứ nhất là tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm hiệu quả gắn với nhu cầu phát triển ổn định kinh tế, bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các bon; Đẩy mạnh đầu tư và hình thành ngành khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến thiết bị hiện đại phù hợp với xu thế của thế giới. Thứ hai là đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược quan trọng như bô xít, titan, đất hiếm, cromit, niken, đồng, vàng, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải đủ năng lực và sử dụng công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường bền vững. Thứ ba là hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác mỏ nhỏ lẻ, phân tán, tập trung tài nguyên khoáng sản từ các mỏ, điểm mỏ quy mô nhỏ thành các cụm mỏ quy mô lớn để đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến, áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại".

Đối với quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia bao gồm dự trữ chiến lược; dự trữ sản xuất, dự trữ thương mại, vận tải, lưu thông phân phối, đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, môi trường, đảm bảo dự trữ, cung ứng đầy đủ, an toàn, liên tục cho phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng. Đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75 - 80 ngày nhập ròng, phấn đấu đạt 90 ngày nhập ròng; đảm bảo sức chứa dự trữ khí đốt đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và khí nguyên liệu cho các ngành năng lượng và công nghiệp… 

Ông Bùi Huy Sơn – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Công Thương thông tin, "quy hoạch hạ tầng dữ trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 cùng các Quy hoạch khác trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản được phê duyệt và công bố ngày hôm nay là kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành Công Thương trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản, đồng thời góp phần vào việc xây dựng 39 quy hoạch ngành quốc gia và 27 quy hoạch kết cấu hạ tầng quốc gia".

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh về những chính sách đột phá, hướng đến kinh tế xanh tại các bản Quy hoạch, trong đó, các quy hoạch ngành về năng lượng và khoáng sản cũng đã tạo dựng mối kết ngành, liên kết vùng; thiết kế đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng tổng thể các ngành năng lượng trong nước với khu vực và quốc tế, được tổ chức khoa học, thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của từng vùng, từng địa phương, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của toàn nền kinh tế. Đồng thời đáp ứng yêu cầu ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, bảo vệ môi trường sinh thái.

Để tổ chức thực hiện thành công các Quy hoạch, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị chức năng có liên quan thuộc Bộ tập trung làm tốt công tác truyền thông phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng và các nội dung cốt lõi của các quy hoạch này.

"Tập trung nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định, cơ chế chính sách liên quan, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước và thông lệ quốc tế, góp phần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về lĩnh vực năng lượng và quản lý tài nguyên khoáng sản, nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa cho đầu tư hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt hiện đại, thông minh; phát triển năng lượng bền vững theo hướng xanh hóa, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với không gian, lợi thế so sánh của các vùng, địa phương, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái"- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương tiến hành rà soát, cập nhật các chủ trương, định hướng đề ra trong các Quy hoạch ngành về năng lượng, khoáng sản để điều chỉnh, bổ sung, tích hợp vào các quy hoạch ngành có liên quan và quy hoạch tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ, liên thông giữa các quy hoạch; đồng thời, chú trọng rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành ở địa phương (như quy hoạch về đất đai, xây dựng), làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực, địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.

Một số mục tiêu cơ bản của ba quy hoạch ngành về năng lượng, khoáng sản

• Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia

- Cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050:

-Tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng 107 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và đạt 165 - 184 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050.

- Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp 155 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và 294 - 311 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050.

- Nâng tổng mức dự trữ xăng dầu cả nước (bao gồm cả dầu thô và sản phẩm) lên 75 - 80 ngày nhập ròng vào năm 2030. Định hướng sau năm 2030, xem xét tăng dần mức dự trữ lên 90 ngày nhập ròng.

- Về chuyển đổi năng lượng công bằng, đặt mục tiêu tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp 15 - 20% năm 2030 và khoảng 80 - 85% năm 2050.

- Tiết kiệm năng lượng khoảng 8 - 10% vào năm 2030 và khoảng 15 - 20% vào năm 2050 so với kịch bản phát triển bình thường.

- Mức thải khí nhà kính khoảng 399 - 449 triệu tấn năm 2030 và khoảng 101 triệu tấn vào năm 2050. Mục tiêu cắt giảm khí nhà kính 17 - 26% vào năm 2030 khoảng 90% vào năm 2050 so với kịch bản phát triển bình thường. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất.

• Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt

Về xăng dầu: Đảm bảo hạ tầng dự trữ dầu thô, nguyên liệu và sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến xăng dầu đáp ứng tối thiểu 20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021 - 2030, đến 25 ngày nhập ròng giai đoạn sau năm 2030. Dự trữ thương mại chứa tăng thêm từ 2,5 - 3,5 triệu m3 trong giai đoạn 2021 - 2030, đạt sức chứa tới 10,5 triệu m3 giai đoạn sau năm 2030, đáp ứng 30 - 35 ngày nhập ròng.

Dự trữ quốc gia đảm bảo sức chứa từ 500.000 - 1 triệu m3 sản phẩm xăng dầu và 1 - 2 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 15-20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021 - 2030; đảm bảo sức chứa từ 500.000 - 800.000 m3 sản phẩm xăng dầu và 2 - 3 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 25 - 30 ngày nhập ròng trong giai đoạn sau năm 2030.

Về khí đốt: Đảm bảo hạ tầng dự trữ đối với LPG sức chứa tới 800.000 tấn giai đoạn 2021 - 2030 và tới 900.000 tấn giai đoạn sau năm 2030; đối với LNG đạt 20 triệu tấn/năm giai đoạn 2021 - 2030 và tới 40 triệu tấn/năm giai đoạn sau năm 2030.

Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng cung ứng xăng dầu, khí đốt đáp ứng nhu cầu vận tải bằng đường ống từ nguồn cung ứng (nhà máy lọc dầu, kho đầu mối xăng dầu, trạm phân phối LPG và kho LNG nhập khẩu) tới các trung tâm, hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng.

• Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản

Mục tiêu đối với một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng trong giai đoạn 2021 – 2030: 

Khoáng sản bô-xít: Việc thăm dò, khai thác phải gắn với chế biến sâu (tối thiểu ra đến sản phẩm alumin);

Khoáng sản titan: Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản titan với lộ trình và quy mô hợp lý phù hợp với từng giai đoạn, từng bước hình thành các tổ hợp công nghệ mỏ - tuyển, cụm công nghiệp chế biến khoáng sản titan đồng bộ với hạ tầng;

Khoáng sản đất hiếm: Phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng một cách đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Đối với các doanh nghiệp được cấp phép mới khai thác khoáng sản đất hiếm phải gắn với dự án chế biến đến sản phẩm tối thiểu là tổng các ôxit, hydroxit, muối đất hiếm có hàm lượng TREO ≥ 95%;

Khoáng sản niken, đồng, vàng: Hoạt động khai thác phải đi kèm dự án đầu tư chế biến một cách đồng bộ, hiệu quả, bền vững và thu hồi tối đa các khoáng sản đi kèm và đảm bảo môi trường.

Nguyên Long