Ông Nguyễn Đức Hải – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn Giám sát và ông Lê Quang Huy- Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Phó Phó Trưởng đoàn thường trực đoàn giám sát đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có ông Nguyễn Hồng Diên – Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Về phía EVN có ông Đặng Hoàng An – Chủ tịch HĐTV EVN, ông Đặng Huy Cường – Thành viên HĐTV, ông Nguyễn Xuân Nam – Phó Tổng giám đốc EVN.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Lê Quang Huy –Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội nhấn mạnh, Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, trong đó bao gồm các ngành và lĩnh vực về năng lượng như điện, than, dầu khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Do đó, buổi làm việc với Bộ Công Thương có ý nghĩa hết sức quan trọng để Đoàn giám sát tiếp tục làm rõ một số vấn đề nhằm bổ sung, hoàn thiện báo cáo giám sát, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, công tác cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phá triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã tích cực thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường; huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là các doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ ra những thách thức trong quá trình đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia như: Các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Việt Nam đã nhập khẩu ròng năng lượng từ năm 2015 với xu thế ngày càng lớn, dẫn đến tình trạng phụ thuộc ngày càng nhiều vào năng lượng nhập khẩu, nhất là than cho phát điện và LNG trong thời gian tới. Năng lực sản xuất, phân phối và khả năng dự phòng năng lượng trong nước còn hạn chế; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng kiến nghị cần sớm có những điều chỉnh sửa đổi một số nội dung của Luật Điện lực để phù hợp với bối cảnh phát triển mới của ngành; Luật hóa việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam làm tiền thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo bền vững, thu hút được các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia phát triển điện lực.
Ông Nguyễn Hồng Diên – Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, đa số ý kiến của thành viên đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực của ngành Công Thương nói chung, Bộ Công Thương nói riêng trong công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trong thời gian vừa qua; thực hiện tổ chức triển khai theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; Góp phần phát triển đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Thành viên đoàn giám sát cũng đã trao đổi thẳng thắn, khách quan về các vấn đề như: Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; Cơ sở hạ tầng ngành năng lượng; Tái cơ cấu ngành năng lượng, nhất là ngành Điện; Quy hoạch điện; Phát triển năng lượng tái tạo; Triển khai các dự án điện; Đưa điện về vùng sâu, vùng xa, hải đảo; Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực năng lượng; Các cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế năng lượng, an ninh năng lượng; Bàn giao hạ tầng năng lượng…
Bộ trưởng Bộ Công Thương đã tiếp thu, giải trình, trao đổi hết sức rõ ràng, cụ thể các vấn đề các đại biểu quan tâm.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn Giám sát Nguyễn Đức Hải ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương trong thời gian qua; cũng như giải trình của Bộ trưởng đã cơ bản đã giải đáp được những vấn đề các đại biểu quan tâm.
Khẳng định việc phát triển năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian tới là đặc biệt quan trọng, được lãnh đạo Quốc hội hết sức quan tâm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Đoàn giám sát sẽ tiếp thu các kiến nghị của Bộ Công Thương; đồng thời đề nghị Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tại buổi làm việc; đánh giá kỹ hơn những tồn tại, vướng mắc, các giải pháp về phát triển năng lượng trong thời gian tới…
Ngày 29/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH15 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021”.