Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia (A0). Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Không còn nắm giữ “điều kiện độc quyền tự nhiên”, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đối diện thách thức lớn trong việc thực thi vai trò chủ đạo trong cung cấp điện.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030, Việt Nam đã khẳng định, tăng trưởng xanh là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhu cầu tất yếu khách quan, là xu hướng để Việt Nam duy trì các mục tiêu tăng trưởng đã cam kết.
Chuyển đổi tất yếu về mô hình tăng trưởng
Sau khi thực hiện đổi mới năm 1986, tăng trưởng kinh tế Việt Nam luôn được duy trì ở mức 5-10% nhưng với mô hình tăng trưởng còn phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và thâm dụng lao động giá rẻ, cái giá phải trả cho ô nhiễm môi trường tương đối lớn. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguồn ngân sách cho bảo vệ môi trường năm 2021 tăng 55,8% so với năm 2015, đạt mức 21,2 ngàn tỷ đồng.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra thống kê, thiệt hại môi trường mỗi năm ở Việt Nam xấp xỉ 5% GDP. Việt Nam cũng là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu với thiệt hại do thiên tai hàng năm khoảng 1,8-2% GDP. Nếu không có các giải pháp ứng phó hiệu quả, thiệt hại này có thể lên tới 10% GDP vào năm 2050.
Phòng thị trường điện thuộc A0. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Để ứng phó với nguy cơ này, Việt Nam quyết tâm đi đầu trong các giải pháp chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi nền kinh tế từ mô hình truyền thống sang mô hình tăng trưởng xanh nhằm duy trì được tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.
Bên cạnh hai chiến lược quốc gia trên, Việt Nam đã cam kết về Phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 tại Hội nghị Thượng đỉnh Biến đổi khí hậu (COP 26) năm 2021 tại Glasgow, Vương quốc Anh. Việt Nam hiện đã xây dựng được 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy kinh tế xanh. Hoạt động xanh hóa sản xuất đã được chú trọng và đã xuất hiện làn sóng đầu tư năng lượng xanh như điện gió, điện rác, điện mặt trời…
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Năm 2020, Việt Nam lọt vào TOP 10 quốc gia có đầu tư vào năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, với 7,4 tỷ USD, vượt qua cả Đức và Pháp.
Riêng về tiếp cận điện năng, WB đánh giá Việt Nam đứng thứ 27/190 nền kinh tế thế giới. Việt Nam đã đặt ra lộ trình sử dụng năng lượng tái tạo mạnh mẽ hơn thông qua việc Phê duyệt Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Chuyển đổi mô hình kinh tế không phải chuyện một sớm một chiều. Với việc phê duyệt nói trên, Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Bởi để thực hiện mục tiêu trong Quy hoạch VIII, Việt Nam sẽ cần tới hơn 500 tỷ USD để đầu tư phát triển cho cả nguồn và lưới điện trong 30 năm tới. Đây là một thách thức không nhỏ, trong khi nguồn ngân sách của Nhà nước khá hạn chế và còn phải chi tiêu cho nhiều mục tiêu khác nhau. Các doanh nghiệp Việt Nam đa phần có quy mô nhỏ và vừa, rất khó có nguồn vốn dồi dào để đầu tư các công trình dài hạn, quy mô lớn.
Đường dây 110kV An Biên - Lại Sơn vượt biển để cung cấp điện cho 2.000 hộ dân xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Do vậy, các công trình nguồn điện ở Việt Nam vẫn rất cần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, dù FDI mang lại những giá trị kinh tế lớn lao, song cũng tiềm ẩn nguy cơ biến Việt Nam trở thành điểm đến của dòng ô nhiễm và công nghệ lạc hậu, nhất là khi giá điện của Việt Nam khá thấp, tiêu chuẩn môi trường và hệ thống giám sát còn hạn chế.
Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và các định chế thương mại song phương, đa phương. Những tiêu chuẩn về môi trường tại các thị trường quan trọng như Mỹ, Nhật Bản, EU đang ngày càng khắt khe và cao hơn. Trong tương lai gần, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) được cảnh báo sẽ tác động nhiều tới doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang EU, đặc biệt trong lĩnh vực có nguy cơ phát thải cao như năng lượng.
Câu hỏi về vai trò của “Quả đấm thép”
Nhà máy thủy điện Lai Châu. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Quá trình phát triển của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) luôn gắn liền với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, với quan điểm “Phát triển điện lực luôn đi trước một bước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng”.
Năm 2003, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 26-KL/TW ngày 24/10/2003 về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành Điện lực Việt Nam; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2007 của Ban Chấp hành Trung ương về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Ngay sau khi Nghị quyết 18-NQ/TW được ban hành, EVN đã hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng thông qua việc đưa ra những giải pháp nhằm giữ vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; vận hành hệ thống điện bảo đảm an toàn, tin cậy, ổn định theo hướng chú trọng nâng cao hệ số công suất khả dụng và có dự phòng công suất phù hợp; vận hành thị trường điện bảo đảm công khai, minh bạch; đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái.
Nhà máy điện mặt trời Phước Thái (Ninh Thuận). Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết là sự định hướng của Đảng cho sự nghiệp phát triển của ngành Điện nói chung và EVN nói riêng.
Tuy nhiên, liệu rằng EVN có thể đáp ứng yêu cầu đổi mới trong quản lý, phát triển điện năng theo Quy hoạch điện VIII hay không là vấn đề đang được đặt ra. Bởi, theo số liệu của EVN, tính tới thời điểm cuối năm 2022, tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện Việt Nam là 80,704 MW. Trong đó, các nhà máy do EVN trực tiếp quản lý có tổng công suất lắp đặt là 11.325 MW, chiếm tỷ lệ 14,03% tổng công suất hệ thống.
Công nhân Điện lực Quảng Nam vận hành cấp điện cho các phụ tải trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Trực thuộc EVN có ba tổng công ty phát điện là Tổng công ty Phát điện 1, 2 và 3 (EVNGENCO1, EVNGENCO 2 và EVNGENCO 3). Theo đó, EVNGENCO1 sở hữu 7.803MW, chiếm tỷ lệ 9,67%; EVNGENCO 2 sở hữu 4.420MW, chiếm tỷ lệ 5,48%; EVNGENCO 3 sở hữu 5.950MW, chiếm tỷ lệ 7,37% công suất hệ thống. Tổng cộng, tính đến thời điểm cuối năm 2022, EVN sở hữu 29.498MW, chiếm tỷ lệ khoảng 36,55% tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam. Hiện nay, EVN đang “độc quyền” giá bán điện theo quy định của Nhà nước. Còn theo lộ trình, khi mà cả ba GENCO hoàn thành cổ phần hóa, giá bán điện sẽ do các GENCO quyết định (tùy theo tỷ lệ vốn chi phối của EVN).
Một điểm đổi mới quan trọng nữa, theo thông báo kết luận số 235/TB-VPC ngày 21/6/2023 của Văn phòng Chính phủ, kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang về việc chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) về Bộ Công Thương. Đề án cụ thể dự kiến được trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 tới.
Từ những dẫn chứng và phân tích trên có thể thấy, EVN đang không chỉ mất dần đi vai trò chủ đạo về chiếm giữ tỷ lệ công suất hệ thống điện (nhất là khi điện mua nguồn ngoài EVN lên tới 51.206MW, chiếm tỷ lệ 63,45%-PV), mà còn giảm sút vai trò điều tiết khi mà A0 được chuyển về Bộ Công thương.
Nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
vận hành hiệu quả thị trường đặc biệt như thị trường điện đòi hỏi phải xây dựng được cơ chế để bảo đảm cho việc quan hệ cung cầu điện tiệm cận các quy luật khách quan của thị trường và đáp ứng nhu cầu đa chiều trong phát triển kinh tế-xã hội. Việc đổi mới trong quản lý là cần thiết và xu thế tất yếu. Nhưng ở đây, cũng cần làm rõ vấn đề, nếu vẫn xác định, EVN đóng vai trò chủ đạo trong cung cấp điện, sẽ phải lựa chọn một cơ chế thích hợp bảo đảm để doanh nghiệp chủ đạo của nhà nước hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, giá điện được phép điều chỉnh tăng; thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 tăng 9,27% nhưng vẫn không được điều chỉnh giá điện. Đây là yếu tố quan trọng khiến cho EVN không hoàn thành vai trò chủ đạo trong cung cấp điện.
Đường dây 500kV do tư nhân đầu tư đang được đấu nối vào trạm 500kV Vĩnh Tân do EVNNPT quản lý, vận hành. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Bởi, theo quy luật, khi EVN bị lỗ, vốn mất dần và doanh nghiệp phải tăng vay nợ, tăng chiếm dụng vốn của các doanh nghiệp ngoài EVN. Bị lỗ cũng đồng nghĩa không có tích luỹ, vậy nên, khi cần vốn đầu tư, nhà nước phải bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn (trong nước và nước ngoài). Nếu nhà nước có khoản hỗ trợ cho khoản lỗ của EVN thì đấy không phải là bù lỗ mà là bổ sung thêm vốn cho doanh nghiệp. Nếu nhà nước cấp như trợ giá, thì mới là khoản thu nhập cân đối với khoản lỗ.
Nhìn chung, với điều kiện hiện nay để EVN thực hiện vai trò chủ đạo trong cung cấp điện bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh sẽ rất khó khăn, nếu không muốn nói là không khả thi. Do đó, đâu là mô hình phù hợp cho EVN khi mà trong tương lai nhiều nhà máy phát điện không thuộc EVN và hoạt động thị trường điện sẽ do Nhà nước quản lý? Câu trả lời nằm ở việc, cần xây dựng được cơ chế chính sách thúc đẩy khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng và giải quyết các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, thay vì can thiệp vào việc quyết định giá.
Các nhà máy BOT của nhà đầu tư nước ngoài, khối doanh nghiệp tư nhân sở hữu 42.002MW, chiếm 52,07%; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sở hữu 29.498MW, chiếm tỷ lệ 36,55%; Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) sở hữu 6.760MW, chiếm 8,38%; Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV) sở hữu 1.780MW, chiếm tỷ lệ 2,21%; nhập khẩu 572MW, chiếm tỷ lệ 0,71%; các chủ sở hữu khác 72MW, chiếm tỷ lệ 0,09%.
|