Buổi làm việc giữa UBND tỉnh Thanh Hóa với EVN, EVNNPT, EVNNPC vào ngày 28/7/2023.
Ông Đỗ Minh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và ông Phạm Hồng Phương – Phó Tổng giám đốc EVN chủ trì buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc có đại diện các sở, ngành liên quan của của tỉnh. EVNNPC có ông Nguyễn Đức Thiện – Tổng giám đốc, ông Lê Quang Thái – Phó Tổng giám đốc. EVNNPT có ông Bùi Văn Kiên cùng lãnh đạo Ban QLDA các công trình điện miền Bắc (NPMB), các ban tham mưu của EVNNPT tham dự buổi làm việc.
Cần thúc đẩy để sớm đưa vào vận hành các đường dây và trạm biến áp
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có tổng công suất nguồn điện khoảng 2.500MW. Lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh có 01 TBA 500kV (Nghi Sơn) với công suất 900 MVA kết nối các nhà máy khu vực Nghi Sơn phát lên lưới; Cấp điện cho phụ tải của tỉnh Thanh Hóa có 04 TBA 220kV, bao gồm TBA Ba Chè (2x250MVA), Bỉm Sơn (2x250MVA), Nghi Sơn (2x250MVA), Nông Cống (250MVA), trong đó, TBA 220kV Bỉm Sơn mới được nâng công suất lên 2x250MVA (tháng 7/2022) nên mức mang tải lớn nhất khoảng 60%, 03 TBA còn lại mang tải lớn nhất khoảng 80-90%.
Trên địa bàn có 18 đường dây trong đó 4 đường dây 500kV kết nối lưới điện trên trục Bắc -Nam Nghi Sơn – Hà Tĩnh và Nghi Sơn – Nho Quan và các nhà máy điện khu vực Nghi Sơn, các đường dây 220kV kết nối các nhà máy điện khu vực Nghi Sơn, Thủy điện Hủa Na và kết nối lưới điện khu vực, tương đương khoảng 761,5 km. Qua theo dõi thực hiện công tác vận hành cơ bản đảm bảo vận hành an toàn tin cậy cung cấp điện ổn định cho phát triển kinh tế xã hội trong khu vực.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa – Đỗ Thanh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương cho biết: Trong thời gian qua, EVN và các đơn vị luôn nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, các sở, ban, ngành và cùng các địa phương trong công tác đầu tư xây dựng các công trình điện, mỗi quan hệ giữa tỉnh và ngành Điện rất tốt đẹp để từ đó EVN đã hoàn thành nhiều công trình điện trên địa bàn.
Thanh Hóa là một trong các tỉnh có tốc độ tăng trưởng phụ tải cao nhất của miền Bắc, với công suất phụ tải cực đại hiện tại khoảng 1.350MW, về cơ bản lưới điện đáp ứng được nhu cầu phụ tải của tỉnh. Tuy nhiên, với công suất phụ tải cực đại năm 2025 được dự báo đạt 2.150MW thì cần phải đưa vào vận hành thêm các đường dây và trạm biến áp 220kV và các đường dây, trạm biến áp 110kV để cấp điện cho phụ tải của tỉnh. Vì vậy lãnh đạo EVN mong muốn UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các sở, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ để EVN, EVNNPT và các đơn vị hoàn thành các dự án đường dây và trạm biến áp phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Tỉnh Thanh Hóa chung sức cùng ngành Điện
Phó Tổng giám đốc EVN – Phạm Hồng Phương phát biểu tại buổi làm việc.
Nêu các kiến nghị cụ thể, Phó Tổng giám đốc EVNNPT – Bùi Văn Kiên cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh, EVNNPT đang thực hiện chuẩn bị đầu tư cụm dự án truyền tải điện 500kV mạch 3, mạch 4 đoạn Quỳnh Lập – Thanh Hóa – Nam Định. Đây là dự án cấp bách và theo chỉ đạo của Thủ tướng phải hoàn thành trong tháng 6/2024. Để đảm bảo tiến độ này, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa.
Ngoài ra, EVNNPT đang thực hiện thi công dự án Đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống. Theo kế hoạch hoàn thành trong tháng 12/2023 để đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh miền Bắc. Tuy nhiên, dự án đang vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Đối với TBA 220kV Khu kinh tế Nghi Sơn và đường dây đấu nối (kế hoạch hoàn thành 12/2023), tuy nhiên đến nay TBA chưa bàn giao mặt bằng, do vướng mắc thủ tục nộp tiền trồng rừng thay thế và chuyển mục đích sử dụng rừng, 7 hộ dân không thống nhất phương án bồi thường.
EVNNPT cũng đang thực hiện chuẩn bị đầu tư một loạt các dự án như: Trạm biến áp 500kV Thanh Hoá; Đường dây 500kV Thanh Hóa - rẽ vào đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh; Đường dây 220kV Nhiệt điện Nghi Sơn – rẽ Nông Cống – Quỳnh Lưu; Trạm biến áp 220kV Hậu Lộc; Đường dây 220kV Nam Định 1 - Hậu Lộc; Đường dây Thanh Hóa 500kV - Bỉm Sơn; Trạm biến áp 220kV Sầm Sơn và đường dây đấu nối 220kV Thanh Hoá – Sầm Sơn…
Phó Tổng giám đốc EVNNPT- Bùi Văn Kiên nêu các kiến nghị tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, ông Bùi Văn Kiên – Phó Tổng giám đốc EVNNPT nêu một số khó khăn khi triển khai các dự án tại Thanh Hóa như: Một số chính sách, quy định mới được ban hành nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể nên quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, ví dụ như trình tự phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án có đề nghị Nhà nước giao đất; Quy hoạch điện Quốc gia (Quy hoạch điện VIII) và Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa đã được phê duyệt, tuy nhiên, Kế hoạch thực hiện quy hoạch chưa được phê duyệt.
Một số khó khăn khác như: Thỏa thuận tuyến đường dây, vị trí TBA; Bổ sung/điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; Bồi thường giải phóng mặt bằng… cũng là những khó khăn mà EVNNPT gặp phải khi thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo EVN, EVNNPT, EVNNPT đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các sở liên quan phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của ngành Điện trong công tác xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa và có cơ chế để thuận tiện trong quá trình triển khai, hạn chế phải điều chỉnh quy hoạch.
Chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện tạo điều kiện và hỗ trợ EVN, EVNNPT, EVNNPC trong công tác chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, bồi thường giải phóng mặt bằng theo mục tiêu tiến độ yêu cầu, đảm bảo đủ quỹ đất cho các công trình điện để thực hiện đầu tư theo quy hoạch được duyệt. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về trách nhiệm bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp; Ban hành chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn nữa đối với các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa – Đỗ Minh Tuấn cho rằng điện là “mạch máu” của nền kinh tế và trân trọng cảm ơn EVN, EVNNPT, EVNNPC và các đơn vị đã quan tâm đầu tư hạ tầng điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa là địa phương tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng hàng đầu khu vực miền Bắc, đồng nghĩa với việc nhu cầu về điện cũng tăng trưởng tương ứng nhưng ngành Điện đã đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh. Ngoài ra, Thanh Hóa là tỉnh có điều kiện địa lý nhiều khó khăn nhưng đến nay 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã có điện.
Trong thời gian tới, nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, vì vậy EVN và các đơn vị đang đầu tư một loạt các công trình đường dây và trạm biến áp. Tỉnh Thanh Hóa xác định rõ việc đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ của tỉnh và sẽ vào cuộc quyết liệt nhất để tháo gỡ những vướng mắc.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Các kiến nghị của ngành Điện là rất hợp lý và cơ bản thuộc thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa như kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh hướng tuyến, chuyển đổi mục đích đất rừng.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Sở KH&ĐT, EVNNPC, EVNNPT và Công ty Điện lực Thanh Hóa để trước ngày 10/8 hoàn thành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cũng đề nghị EVN và các đơn vị cung cấp đầy đủ danh mục các án dự án, hướng tuyến, vị trí… làm cơ sở để tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư đưa vào kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Đối với thỏa thuận hướng tuyến, giải phóng mặt bằng, giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với EVN và các đơn vị với các danh mục cụ thể, chi tiết để tỉnh vào cuộc, xử lý dứt điểm.