Ký kết quy chế phối hợp chỉ đạo công đoàn cơ sở giữa Công đoàn ĐLVN và LĐLĐ tỉnh, thành khu vực miền Bắc
Những kết quả đáng khích lệ
Là ngành kinh tế kỹ thuật then chốt, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, ngành Điện đã và đang tập trung đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành hàng loạt công trình nguồn, lưới điện, đảm bảo tốc độ tăng trưởng điện hàng năm ở mức từ 13-15%, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đồng thời, tích cực phát triển lưới điện, đưa điện về khắp mọi miền đất nước. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, ngoài sự nỗ lực của ngành Điện, việc phối hợp cùng thực hiện của các cấp ngành địa phương cũng là yếu tố rất quan trọng, góp phần đảm bảo đủ điện phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Chính vì vậy, sự phối hợp giữa Công đoàn Điện lực Việt Nam (CĐĐLVN) và Liên đoàn lao động (LĐLĐ) các địa phương trong việc chỉ đạo công đoàn cơ sở thuộc ngành Điện là một hoạt động có ý nghĩa lớn, không chỉ tạo điều kiện để các đơn vị, tổ chức công đoàn cơ sở tăng cường mối quan hệ, cập nhật tình hình phát triển của địa phương, mà còn được tham gia nhiều hoạt động đào tạo, giao lưu, nâng cao nhận thức của người lao động. Cũng thông qua đó, người lao động vừa được đảm bảo hơn về quyền lợi, vừa nêu cao được ý thức trách nhiệm, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh hàng năm.
Thực tế, ngay từ năm 2004, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã chủ động tổ chức hội nghị bàn biện pháp phối hợp chỉ đạo hướng dẫn các công đoàn cơ sở ngành Điện đóng trên địa bàn với Liên đoàn lao động 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thông qua dự thảo quy chế phối hợp với nhiều nội dung cụ thể, bám sát thực tiễn công tác, đặc thù ở mỗi đơn vị, địa phương, thể hiện ở các mặt công tác như: Tuyên truyền giáo dục, chỉ đạo các phong trào thi đua, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở… Theo ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam, mặc dù còn một số hạn chế, song công tác phối hợp chỉ đạo thời gian qua đã đạt được những kết quả hết sức đáng khích lệ. CNVC - LĐ ngành Điện không chỉ được tuyên truyền đẩy đủ các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước do CĐĐLVN triển khai, mà còn nắm bắt được những nghị quyết, chương trình công tác của địa phương thông qua sự chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh, thành phố. Nhiều hội thi do LĐLĐ địa phương tổ chức như: tìm hiểu pháp luật liên quan đến người lao động, an toàn giao thông, ATVSV giỏi… đều được công đoàn cơ sở ngành Điện tham gia và đạt giải thưởng cao.
Các đợt sinh hoạt chính trị như Đại hội đảng bộ các cấp, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và các vấn đề về công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống văn hoá… đều được các LĐLĐ thông tin, tuyên truyền đầy đủ. Bên cạnh đó, các nghị quyết, chủ trương, chính sách mới của Nhà nước có liên quan đến ngành Điện cũng như hoạt động của CNVC-LĐ, tổ chức công đoàn ngành Điện đều được CĐĐLVN kịp thời thông tin đến LĐLĐ các địa phương. Ông Nguyễn Hữu Đoan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hải Dương cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 3 đơn vị của ngành Điện là Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại, Công ty CP sửa chữa Nhiệt điện miền Bắc, Công ty Điện lực Hải Dương. Thời gian qua, LĐLĐ tỉnh và công đoàn cơ sở ở 3 đơn vị đã phối hợp hoạt động rất chặt chẽ, hiệu quả và thiết thực. Khi công đoàn cơ sở có yêu cầu thì LĐLĐ địa phương đều đáp ứng đầy đủ và mọi hoạt động lớn của tỉnh, các đơn vị ngành Điện đều được mời tham gia…
Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ngoài việc tổ chức phát động các phong trào thi đua theo các khối ngành nghề ở các đơn vị trong ngành như: “Ca vận hành an toàn - kinh tế”, “Trạm biến áp kiểu mẫu”, “Chi nhánh điện giỏi”, “Giao tiếp khách hàng giỏi”… CĐĐLVN còn phối hợp với LĐLĐ các địa phương tổ chức tốt các phong trào thi đua: “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm ATVSLĐ”; phong trào thi đua phát triển nông nghiệp nông thôn, cụ thể là cấp điện ổn định phục vụ tưới tiêu của Điện lực Vĩnh Phúc, Hà Tây, Công ty Điện lực Hải Dương; cấp điện cho các làng nghề truyền thống và khu công nghiệp của Công ty Điện lực Ninh Bình. Đặc biệt, phong trào thi đua liên kết đảm bảo xây dựng và đưa vào vận hành đúng tiến độ, an toàn, chất lượng công trình đường dây mua điện từ Trung Quốc tại các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang và công trình Nhà máy Thuỷ điện Sơn La... là những điểm nhấn, ghi dấu mốc quan trọng trong quá trình thực hiện nội dung phối hợp chỉ đạo giữa CĐĐLVN và LĐLĐ các địa phương. Ông Lò Văn Phanh - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sơn La khẳng định: “Chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ với Công đoàn Điện lực Việt Nam, nhất là trong cuộc di chuyển lớn nhất lịch sử, đưa 20 vạn dân tái định cư đến nơi ở mới. Trong tương lai, Sơn La có thêm 11 thuỷ điện nữa và trở thành Trung tâm thuỷ điện lớn nhất cả nước. Khi đó, chúng tôi sẽ có thêm nhiều sự phối hợp mới ở những lĩnh vực khác nhau…”. Ngoài ra, công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở cũng luôn được CĐĐLVN và LĐLĐ địa phương quan tâm, chỉ đạo. Để phù hợp với văn hoá từng vùng miền, LĐLĐ tổ chức xây dựng tiêu chuẩn đối với đơn vị văn hoá, gia đình văn hoá gửi các công đoàn cơ sở của ngành Điện. Công đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các CĐCS tổ chức triển khai thực hiện theo các tiêu chuẩn đó bằng nhiều hình thức khác nhau. Hầu hết các CĐCS của ngành Điện đạt danh hiệu “Đơn vị văn hoá”, các khu tập thể của ngành Điện được công nhận là “Khu tập thể văn hoá” và gia đình CNVC - LĐ đạt gia đình văn hoá. Nhiều đơn vị đạt kết quả tốt, được đánh giá cao như: Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại, Công ty Nhiệt điện Uông Bí, Truyền tải điện Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế…
Cần nâng cao hiệu quả phối hợp
Mặc dù công tác phối hợp chỉ đạo giữa CĐĐLVN và LĐLĐ địa phương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song cũng còn một số hạn chế nhất định cần tiếp tục được hoàn thiện, triển khai mạnh mẽ hơn nữa, trong đó ưu tiên hàng đầu chính là phải sớm hoàn thành việc ký kết quy chế phối hợp với LĐLĐ địa phương. Mặt khác, việc trao đổi thông tin giữa CĐĐLVN và LĐLĐ địa phương cũng cần phải tăng cường hơn nữa, bởi hiện chỉ mới có Công đoàn Điện lực Việt Nam thông tin cho các LĐLĐ tỉnh, thành phố bằng hình thức gửi Bản tin hàng tháng, còn LĐLĐ địa phương có chưa thông tin đều đặn cho Công đoàn ĐLVN.
Trên thực tế sự chỉ đạo của LĐLĐ địa phương đối với CĐCS ngành Điện chưa thật đều đặn, chưa có kế hoạch cụ thể. Một số ít CĐCS hầu như chưa có mối liên hệ nào với LĐLĐ địa phương. Còn ở một số CĐCS có nhận được sự chỉ đạo thì ở mức rất hạn chế, chỉ giới hạn trong phạm vi đóng công đoàn phí và mời họp hội nghị sơ kết, tổng kết. Vì vậy, thời gian tới, Công đoàn Điện lực Việt Nam sẽ thống kê cụ thể danh sách những CĐCS của ngành Điện ở các địa phương và xây dựng lịch làm việc cụ thể với địa phương trong công tác phối hợp chỉ đạo những CĐCS này. Tuy nhiên, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay mà CĐĐLVN và LĐLĐ địa phương cần đẩy mạnh và phối hợp thực hiện quyết liệt hơn nữa chính là công tác tuyên truyền tiết kiệm điện trong CNVC - LĐ để mỗi CNVC - LĐ thực sự là những người gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 19/2005/CT-TTg ngày 02/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ.