Ông Phan Hoàng San, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc khách hàng TP HCM, hướng dẫn nghiệp vụ cho nhân viên tại đơn vị.
18 năm gắn bó với Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC), ông Phan Hoàng San, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc khách hàng TP HCM có đến 12 năm làm việc tại Trung tâm Chăm sóc khách hàng. Đây cũng là nơi ông Sang khẳng định dấu ấn nghề nghiệp với nhiều công trình khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị.
Tạo năng lượng tích cực
Tiếp xúc với ông San, chúng tôi ấn tượng với sự cởi mở, dễ gần, đặc biệt là nụ cười luôn hiện hữu trên môi.
Tốt nghiệp kỹ sư công nghệ thông tin Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TP HCM, ông San vào làm việc tại EVNHCMC và gắn bó cho đến nay. Với ông, EVNHCMC không chỉ là bệ phóng vững chắc cho quá trình phát triển nghề nghiệp mà còn là nơi người lao động thỏa sức sáng tạo. Các sáng kiến của ông gắn liền với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác kinh doanh - dịch vụ khách hàng.
Trong số các sáng kiến đã thực hiện, ông San đặc biệt tâm đắc với sáng kiến "Liên kết dữ liệu 2 chương trình quản lý mất điện OMS2 và quản lý kỹ thuật PMIS". Qua theo dõi, ông San nhận thấy mỗi khi sự cố xảy ra, nhân viên phải đồng thời khai báo các nội dung liên quan như thời gian mất điện dự kiến, thông tin phạm vi cô lập, khu vực mất điện, dòng cắt, sản lượng… cùng lúc trên 2 chương trình, điều này vô cùng bất tiện và mất thời gian.
Từ trăn trở đó, ông ấp ủ ý tưởng liên kết dữ liệu 2 chương trình để đồng bộ hóa công tác quản lý kỹ thuật nội bộ. Từ gợi ý của ông, một cuộc hội thảo nội bộ được tổ chức nhằm đánh giá hiệu quả thực tế của 2 chương trình. Qua thảo luận, chương trình OMS2 nhận được sự đánh giá cao của người dùng bởi tính trực quan, giao diện thân thiện, liên kết được với các phần mềm khác và có đầy đủ các tính năng nhất trong các phần mềm của các tổng công ty. Đó cũng là lý do chương trình OMS2 được ông San lựa chọn làm phần lõi để tiếp tục phát triển và hoàn thiện tính năng phần mềm.
"Từ thời điểm ấp ủ ý tưởng đến khi được đưa ra áp dụng rộng rãi mất 5 tháng. Giá trị làm lợi về mặt kinh tế tuy không nhiều, song giá trị đồng bộ dữ liệu quản lý kỹ thuật nội bộ có ý nghĩa vô cùng to lớn" - ông San cho biết.
Tinh thần đam mê sáng tạo, hết lòng với nghề giúp ông Phan Hoàng San gặt hái được nhiều thành công và được cấp chứng chỉ "Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN" năm 2018. Tháng 6 vừa qua, ông San được đề đạt làm Giám đốc Trung tâm Chăm sóc khách hàng EVNHCMC. Sự tin tưởng, ủng hộ của lãnh đạo và đồng nghiệp chính là động lực để ông San tiếp tục dấn thân với nghề, cống hiến nhiều hơn cho đơn vị.
"Chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành điện lực hiện nay. Đam mê sáng tạo không chỉ giúp tôi trưởng thành hơn, mở ra cơ hội thăng tiến cho bản thân mà còn giúp doanh nghiệp phát triển bền vững" - ông San cho biết.
Ông Nguyễn Thành Phương (bên trái), Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty Truyền tải điện 4 - trao đổi công việc với đồng nghiệp.
Hết lòng với đồng nghiệp
Một điển hình phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo khác trong ngành điện công nghiệp - điện tử - điện lạnh được vinh danh giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay là ông Nguyễn Thành Phương, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4). Tính riêng giai đoạn 2018-2022, năm nào ông Phương cũng cho ra đời các sáng kiến mang tính ứng dụng cao, làm lợi cho đơn vị hàng chục tỉ đồng.
Sáng kiến gần đây nhất của ông Phương là "Xây dựng quy trình sửa chữa, bảo dưỡng máy biến áp điện áp 110 KV theo tình trạng vận hành CBM" được thực hiện vào năm 2022. Ông Phương cho hay trong hệ thống truyền tải và phân phối điện, máy biến áp được coi là trái tim. Nếu máy gặp sự cố hoặc hư hỏng thì toàn bộ hệ thống điện sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngoài chi phí khi sửa chữa hoặc thay mới vô cùng tốn kém, thời gian nhập vật tư, thiết bị thay thế cũng là một bài toán khó. Am hiểu sâu về kỹ thuật cùng kinh nghiệm thực tế giúp ông Phương và đồng nghiệp sớm bắt mạch kịp thời những hỏng hóc của thiết bị và xây dựng kế hoạch sửa chữa, thay thế hợp lý.
"Quá trình hư hỏng của máy móc thiết bị công nghiệp diễn ra âm thầm trong khoảng thời gian nhất định và trải qua nhiều giai đoạn. Chỉ cần chỉn chu từng khâu, quy trình sửa chữa thiết bị sẽ vận hành trơn tru, hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí cho đơn vị" - ông Phương nói.
Gắn bó với ngành điện từ năm 1996, ông Phương hiểu khi chọn ngành điện, người thợ ngoài đức tính kiên trì còn phải tỉ mỉ mới có thể trụ lại với nghề. Đó cũng là lý do vì sao nhiều sáng kiến của ông ngoài đem lại lợi ích về kinh tế cho đơn vị còn đặt sự an toàn của đồng nghiệp lên trên.
Với tâm niệm người quản lý giỏi phải có đội ngũ kế thừa giỏi, ông Phương cũng tận tình truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho thợ trẻ. Từ sự dìu dắt của ông đã có hàng trăm lượt lao động được nâng cao tay nghề.
"Không chỉ giỏi chuyên môn, anh Phương còn là một người đàn anh đáng kính bởi phong cách sống hòa đồng, luôn gần gũi, sẻ chia với đồng nghiệp. Đặc thù công việc khiến nhân viên ngành điện làm việc bất kể thời gian, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Hiểu được điều này nên anh Phương thường xuyên tổ chức các giao lưu giữa các gia đình với nhau, từ đó giúp mọi người hiểu nhau hơn" - anh Võ Sỹ Danh, chuyên viên Phòng Kỹ thuật công ty, nhận xét.
Link gốc